LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nghề, làng nghề là một phần văn hóa Việt
(Ngày đăng: 09/03/2016   Lượt xem: 468)
Nghề và làng nghề thủ công là một phần của văn hóa Việt, nhưng bởi nhiều lý do, đang mất dần. Vì vậy, cần nhận thức rõ vai trò và vị trí của nghề thủ công trong nền kinh tế, trong sự định hình và phát triển của một nền văn minh thị giác, trong giáo dục, phát triển du lịch… từ đó quy hoạch, hình thành các nguyên tắc và giải pháp thích ứng.

Mai một nghề thủ công truyền thống

Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Vượng (tác giả các cuốn sách Di sản thủ công Mỹ nghệ Việt Nam; Tinh hoa nghề nghiệp cha ông; Đúc đồng ngũ xã), nghề và làng nghề thủ công gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của đất nước, góp phần tạo nên tinh thần, cốt cách của người Việt. Việt Nam có nền sản xuất chế tác truyền thống lâu đời, với các vật phẩm đẹp có thể sánh với bất kỳ nền sản xuất truyền thống ở quốc gia nào. Đồng bằng Bắc bộ tập trung dày đặc các làng nghề truyền thống, từ đó lan tỏa xuống phía Nam. Có nghề phát triển hàng nghìn năm nay, có nghề mới xuất hiện, cũng có nghề đã hoặc đang mất đi. Chẳng hạn, có thời kỳ, giấy dó, giấy sắc được sản xuất nhiều. Hà Nội có làng giấy dó Yên Thái, giấy sắc ở Nghĩa Đô; Bắc Ninh có làng giấy dó Phong Khê… Nguyên liệu làm giấy từ vỏ cây dó mọc hoang dã ở vùng ven sông Đuống và sông Hồng. Ngày nay, những làng nghề từng ở đỉnh cao huy hoàng gần như không còn. Làng An Thái nhiều năm nay không có ai làm giấy dó, dù vẫn còn đội ngũ làm nghề. Ở Bắc Ninh chỉ còn 1 gia đình làm giấy dó. Nghề làm quạt giấy cũng mai một, hiện chủ yếu chuyển sang làm quạt nghệ thuật. Nghề khắc mộc bản cũng tương tự, còn chăng là gia đình làm nghề khắc dấu ở phố cổ Hà Nội...

Tình trạng trên là do nguồn nguyên liệu đã bị thu hẹp, đặc biệt là nhu cầu sử dụng của xã hội không còn, hoặc ít. Từng tham gia chương trình Hỗ trợ phát triển làng nghề của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, họa sĩ Nguyên Hưng cho rằng, mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam ít cải tiến và sáng tạo. Dạo qua các hội chợ trong nước hay quốc tế, hàng Việt Nam hao hao nhau, ít sản phẩm riêng biệt, từ đồ mây tre đan, đồ gốm… Trong khi ở các quốc gia khác, mẫu mã, chủng loại sản phẩm thay đổi từng ngày. Một tồn tại khác là khi đặt làm hàng mẫu thì đạt, nhưng khi đặt hàng số lượng lớn thì sản phẩm lại hoàn toàn khác, mẫu mã, chất lượng không đáp ứng yêu cầu. Họa sĩ Nguyên Hưng bi quan: việc phát triển làng nghề có thể nói là vô vọng. Bao năm qua, đã có nhiều tiếng kêu cứu từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ, từ các nghệ nhân cả đời gắn bó với nghề, và cũng đã có nhiều cố gắng hỗ trợ từ nhiều phía - từ chính quyền đến các tổ chức hữu quan - nhưng xem ra, tình hình chẳng khá hơn... Những năm gần đây, JICA giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn thông tin về nghề và làng nghề thay vì hỗ trợ phát triển làng nghề như trước. Khi nghề và kỹ thuật nghề thủ công mai một là mất đi một phần văn hóa Việt Nam.

Quy hoạch và bảo tồn, phát triển làng nghề

Họa sĩ Nguyên Hưng cho biết, nghề và làng nghề thủ công được xem là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là một trong những cơ sở bảo đảm sự phát triển ổn định của kinh tế nông thôn và kinh tế du lịch...; đặc biệt, nó là thành phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển nền văn minh thị giác, tạo nên môi trường nuôi dưỡng sự hòa hợp tinh thần cộng đồng... Bởi vậy, nhiều quốc gia đã chú trọng bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề thủ công mỹ nghệ. Ở Nhật Bản, Trung tâm Nghệ thuật thị giác Osaka có một ngân hàng dữ liệu chuyên ngành, giúp người sáng tạo tiếp cận từ loại hình, hình thức, chất liệu, kỹ thuật… các nghề thủ công. Trung tâm cũng là đơn vị kết nối người sáng tạo với người sản xuất, người sản xuất với người cung ứng kỹ thuật và nhà tư vấn thị trường; tư vấn hỗ trợ sáng tác, sản xuất và truyền thông; đồng thời xác định và quảng bá các giá trị tiêu biểu nhất... từ đó hỗ trợ, khuyến khích nghề thủ công phát triển. Nhiều quốc gia đã có sáng kiến giúp nghề và làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển. Như Thái Lan có làng Bo Sang ở Chiang Mai làm ô từ lâu đời. Lễ hội ô Bo Sang thu hút khoảng 1 triệu khách du lịch mỗi năm nhờ các hoạt động gắn với sản phẩm truyền thống này. Hay lễ hội lồng đèn Hàn Quốc vào Lễ Phật Đản hàng năm, giúp bảo tồn, quảng bá lồng đèn truyền thống, giấy truyền thống của Hàn Quốc, đồng thời thu hút khách du lịch…

Theo kinh nghiệm tại nhiều quốc gia, Việt Nam cần nhận thức rõ vai trò và vị trí của thủ công mỹ nghệ, từ đó quy hoạch, hình thành các nguyên tắc và giải pháp thích ứng để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề. Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Vượng, những năm gần đây, quy hoạch làng nghề đã được xây dựng, nhưng chỉ là quy hoạch theo loại làng nghề, chưa có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng nguyên liệu chậm. Cần cách tiếp cận mới từ góc độ thị trường, trong đó áp dụng yếu tố PR - marketing vào quy trình nghiên cứu thị trường, phát triển mẫu mã, xây dựng thương hiệu, quy hoạch… Họa sĩ Nguyên Hưng khẳng định: phát triển nghề và làng nghề gắn với trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý nhưng sự phối hợp này cần qua một tổ chức trung gian. Bên cạnh đó, các địa phương khi phát triển du lịch, cần nhận thấy nghề và làng nghề thủ công góp phần quan trọng làm nên hình ảnh địa phương, quyết định sự thành bại của một thị trường du lịch, từ đó đầu tư để bảo tồn và phát triển nghề thủ công.

                                                                                  Theo daibieunhandan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

37
Đang xem:
72.668.942
Tổng truy cập: