LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Gian nan làng nghề mộc truyền thống
(Ngày đăng: 23/02/2016   Lượt xem: 436)

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, hiện ngành gỗ Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ sang 120 quốc gia trên thế giới, với 70% tổng sản phẩm xuất khẩu thuộc về thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản. 

Gian nan làng nghề mộc truyền thống

Theo ông Hiếu, thông thường mọi năm, vào thời điểm cận Tết, lượng khách đến Đồng Kỵ mua hàng chuẩn bị đón năm mới đã đông như trẩy hội.

Tuy nhiên, tỷ lệ nghịch với tốc độ gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế là sự phát triển nhọc nhằn của các làng nghề mộc truyền thống - một trong những mắt xích quan trọng góp phần tạo nên bức tranh tổng thể ngành gỗ hiện nay.

Sống chết giữ nghề

Chúng tôi đến phường Đồng Kỵ, một trong những vùng đất nổi tiếng với nghề mộc truyền thống không chỉ của tỉnh Bắc Ninh nói riêng mà cả nước nói chung. Trái ngược với những dự cảm tốt đẹp ban đầu về một không khí nhộn nhịp của kẻ mua, người bán trong những tháng cuối năm 2013 là một khung cảnh trầm lắng, ít tiếng cười và ít cả những tiếng lách cách vốn quen thuộc của một làng nghề.

Ông Dương Văn Hiếu, chủ cơ sở sản xuất mỹ nghệ Thiên Long không giấu được sự sốt ruột trước cảnh chợ chiều của Đồng Kỵ. Theo ông Hiếu, thông thường mọi năm, vào thời điểm cận Tết, lượng khách đến Đồng Kỵ mua hàng chuẩn bị đón năm mới đã đông như trẩy hội. 

Vậy mà năm nay, lượng khách đến mua lẻ không chỉ ít hơn mà cả lượng hàng xuất đi trong nước và ngoài nước cũng giảm đáng kể. Ngay như cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ Thiên Long, lượng hàng nhập và xuất cũng có sự chênh lệch đáng kể, doanh thu cũng sụt giảm so với nhiều năm trước.

Lý giải cho những khó khăn của mặt hàng truyền thống, không ít nghệ nhân đã và đang là những ông chủ các cơ sở, công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chia sẻ, các mặt hàng sản xuất gỗ truyền thống do đặc trưng của dòng sản phẩm có hoa văn Á đông, nên chủ yếu được tiêu thụ trong nước và một số nước trong khu vực dẫn đến thị trường bị bó hẹp, sức tiêu thụ thấp. 

Chưa kể thị trường tiêu thụ trong nước cũng có những cái khó do suy thoái kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu, chính là một trong những nguyên nhân khiến các mặt hàng gỗ tại các làng nghề bị đình trệ.

Hiện ở phường Đồng Kỵ có khoảng 149 hợp tác xã, doanh nghiệp và 3.134 hộ tham gia kinh doanh, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ (chiếm 95% số hộ). Nhưng phần lớn đều có chung một tâm trạng, sản xuất cầm chừng, hay nói đúng hơn là làm để giữ nghề. 

Đến Đồng Kỵ, trong những câu chuyện xã giao, chúng tôi không chỉ được nghe các nghệ nhân lớn tuổi trong làng kể về thời hưng thịnh của đồ gỗ Đồng Kỵ mà còn chứng kiến sự tiếc nuối của lớp trẻ trong làng khi không còn thấy cảnh nhà nhà mua sắm đồ gỗ, người người sử dụng đồ gỗ, sản phẩm gỗ Đồng Kỵ làm ra đến đâu được khách tiêu thụ hết đến đấy. 

Nghề gỗ giúp người dân Đồng Kỵ có thu nhập ổn định, đời sống và bộ mặt nông thôn khởi sắc nhanh chóng. Do vậy, không chỉ người dân Đồng Kỵ say nghề, sống chết với nghề, mà hàng trăm thậm chí hàng nghìn nghệ nhân, người lao động ngoại tỉnh đã tìm đến Đồng Kỵ vừa học, vừa hành nghề. Vậy mà đầu ra cho sản phẩm đang làm khó người Đồng Kỵ.

Không chỉ có Đồng Kỵ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, mà hầu hết các làng nghề gỗ truyền thống cũng cùng chung cảnh ngộ. Dù được nhận những ưu đãi từ giảm thuế nhập khẩu gỗ nguyên liệu cũng như giảm thuế suất, song những mặt hàng truyền thống vẫn rất khó phát triển.

Loay hoay trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm còn phải kể đến làng nghề mộc xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Hiện xã Canh Nậu có 3.105/6.821 lao động làm nghề mộc, song vài năm trở lại đây, Canh Nậu vẫn loay hoay với bài toán sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống hay bắt tay với xu hướng nội thất mới được thị trường ưa chuộng. 

Hay như làng mộc Chàng Sơn, huyện Thạch Thất cũng có 1.955 lao động gắn bó với nghề, nhưng phần lớn sản xuất cũng rơi vào thế cầm chừng do sản phẩm tiêu thụ chậm và mẫu mã chậm cải tiến. Dù xác định nghề mộc là nghề truyền thống, nhưng nhiều năm hầu hết các cơ sở sản xuất phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm, việc mua bán chủ yếu đều thuận theo tự nhiên nên hình thức kinh doanh giới hạn ở quy mô nhỏ lẻ, mẫu mã ít được đổi mới.

Để làng nghề khởi sắc

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, nhu cầu sử dụng đồ gỗ trong nước cũng như trên thế giới hiện vẫn tăng cao. Nhưng thị phần đồ gỗ của Việt Nam chưa đạt tới con số 1% thị phần đồ gỗ thế giới. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ mười tháng qua, đạt 4,4 tỷ USD, tăng 15,4%, cho thấy ngành gỗ nói chung và làng nghề mộc truyền thống nói riêng vẫn có khả năng phát triển. 

Vấn đề đặt ra hiện nay cho các làng nghề chính là tổ chức lại sản xuất và từng bước cải tiến mẫu mã sản phẩm. Nếu như trước đây gỗ Đồng Kỵ, Canh Nậu, Chàng Sơn, Vạn Điểm chọn những điển tích trong lịch sử, thủy chung với những mẫu mã cổ làm chủ đề cho sản phẩm của mình, thì nay có thể mở rộng ra các trường phái mới, kết hợp phong cách Âu, Mỹ... Bên cạnh đó là mở hướng sản xuất ra các mặt hàng dân dụng khác.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hải, chủ nhiệm Hợp tác xã mỹ nghệ Hải Hà với kinh nghiệm hơn 40 năm làm nghề khẳng định: cơ sở của ông vẫn hoạt động tốt. Với ông Hải, để nghề mộc thật sự khởi sắc cần phải phát triển nhiều mẫu mã cho phù hợp nhu cầu chung của người tiêu dùng cũng như các thị trường trên thế giới. 

Và quan trọng hơn cả là người làm nghề phải có cái tâm và cái tầm. Bí quyết để sản phẩm của HTX Hải Hà có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng chính là không quá coi trọng lợi nhuận. Nghĩa là không chỉ bán sản phẩm chất lượng cao mà còn chú trọng công tác hậu mãi để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Thiết nghĩ, trước những khó khăn trước mắt, thay vì ngồi chờ phép màu từ cơ chế, chính sách, người dân làng nghề phải có những bước chuyển mình phù hợp với tình hình thực tế, đẩy mạnh chế biến hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ và các lâm sản ngoài gỗ mà chúng ta có lợi thế trong quá trình tham gia hội nhập quốc tế. 

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đầu tư thích đáng về kỹ thuật, công nghệ, thiết bị và tiền vốn để tăng khả năng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu được thị trường ưa chuộng. Tăng cường trao đổi thông tin bằng việc tổ chức các hội chợ, những kỳ xúc tiến thương mại để các nghệ nhân, những người trực tiếp sản xuất được giao lưu với các bạn hàng trên thế giới, giúp họ tìm hiểu được thị hiếu cũng như tập quán của các quốc gia mà mặt hàng nội thất Việt Nam có thể hướng đến. 

Đồng thời, nâng cao chất lượng các trung tâm đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho những người có tay nghề khi đạt được trình độ nhất định. Quy hoạch lại sản xuất, mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghiệp, sản xuất các mặt hàng theo thiết kế hiện đại xuất sang các nước châu Âu và thị trường tiềm năng Mỹ... 

Và cuối cùng là ổn định thị trường trong nước và quốc tế, tạo sức cạnh tranh lành mạnh với hàng trong nước, khu vực và thế giới. Có như vậy làng nghề mộc truyền thống mới có thể vừng vàng vượt qua những gian nan thời hội nhập.

                                                                                     Theo bizlive.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.657.927
Tổng truy cập: