Vào những ngày giáp Tết, phơi khuôn, ánh lửa hàn, lò nung sáng rực để làm ra những bộ lư đồng thờ cúng tổ tiên. Rồi từ đây, thương lái từ các tỉnh miền Tây, miền Trung đến tận nơi lấy hàng, chở về… Làng nghề ấy, thời xa xưa có tên là An Hội, ngày nay nằm trên đường Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp.

Theo các lão nghệ nhân, nghề đúc đồng xuất hiện ở Sài Gòn đã có lịch sử trên 200 năm, từ các lò đúc đồng nổi tiếng vùng Chợ Quán, Phú Lâm, Thuận Kiều... Ông Trần Văn Kỉnh (Năm Kỉnh) được truyền nghề đúc đồng của tổ tiên từ đất Nam Định vào miền Trung, rồi dừng lại Gò Vấp lập nghiệp. Ban đầu, ông Năm Kỉnh chỉ dạy và truyền nghề cho con cháu họ Trần.

                                                                    Ông Hai Thắng và...

Ông Trần Văn Thắng (Hai Thắng), một trong những học trò xuất sắc của thầy Năm Kỉnh được truyền nghề từ năm 13 tuổi kể, trước năm 1975, cả làng có trên 60 gia đình với hàng trăm nghệ nhân làm nghề đúc lư đồng. Những tháng giáp Tết, thương buôn các nơi đổ về nườm nượp, hàng làm không kịp bán.

Sản phẩm lư đồng An Hội không chỉ có mặt khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh mà còn sang các nước Lào, Cao Miên, Miến Điện, Mã Lai… Lư đồng An Hội có hai loại, lư Bắc có dáng tròn hoặc bầu dẹp, lư Nam thường làm dáng vuông. Giá bán dao động từ 3 triệu đến 20 triệu/bộ. Lư đồng An Hội nổi tiếng khắp vùng do độ bền, dáng kiểu đẹp, đúc, chạm trổ nét tinh xảo, màu đồng sậm, đánh bóng sáng rất lâu xuống màu. Những nghệ nhân đã thổi cả hồn và tình yêu nghề vào từng sản phẩm để lưu giữ một làng nghề đã có hơn 100 năm.

                                                                 ...thợ lư đồng Gò Vấp.

Sinh thời, ông Trần Văn Kỉnh đã truyền nghề cho người thân trong gia đình nhưng hiện chỉ còn người con trai tên Ba Cồ, chủ lò Ba Cồ còn nối nghiệp. Mấy lò khác như Út Kiển, Năm Toàn, Sáu Bảnh… cũng là con cháu, anh em trong nhà. Nhiều nghệ nhân đã bỏ nghề do không sống nổi trước “cơn lốc” đô thị hóa và thị trường hiện nay. Ông Hai Thắng là nghệ nhân đã có thâm niên gần 50 năm trong nghề đúc lư đồng cha truyền con nối, tới nay đã qua 4 đời. Hiện nay, mỗi năm cơ sở của ông xuất đi khoảng gần 2.000 bộ lư đồng.

Ghé thăm làng đúc đồng An Hội, ai cũng ngạc nhiên khi gặp những người thợ lành nghề, cao lão như cụ Nguyễn Thị Nhị, sinh năm 1935, ngày ngày vẫn miệt mài hoàn thiện khuôn đúc để chuẩn bị đổ đồng.

Để hạn chế ô nhiễm môi trường, theo quy định, các lò đúc lư đồng đang chuyển dần sang công nghệ nung điện, nếu không phải di dời lên Củ Chi. Một lò nung điện có giá 250 triệu đồng, đang là mối lo của các chủ nhân làng nghề nơi đây. Bài toán kinh tế đơn giản ai cũng biết, mỗi chủ lò cần phải có ít nhất khoảng 1,5 tỷ đồng mua máy móc, vật tư, thuê mặt bằng 500m² trở lên mới có thể mở lò.

Kết quả của 6 tháng đúc lư đồng, bình quân thu nhập chỉ vài chục triệu đồng/tháng, thay vì với 500m² đất tại nhà xưởng cũ, bán gần 10 tỷ đồng, gửi ngân hàng lấy lãi sẽ cho nguồn thu cao hơn nhiều… Người yêu nghề truyền thống như ông Hai Thắng, bà Liên vẫn còn đau đáu bao nỗi niềm vương vấn, nhưng với lớp trẻ trong nhà, khó mà giữ tiếp ngọn lửa làng nghề…

Sở VH-TT&DL TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch khảo sát các làng nghề truyền thống ở TP Hồ Chí Minh để có phương án bảo tồn, và làng nghề đúc lư đồng An Hội, Gò Vấp là một trong những địa chỉ trong danh sách bảo tồn.

                                                                                       Theo cand.com.vn