LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Khôi phục làng nghề Tam Vinh
(Ngày đăng: 18/02/2016   Lượt xem: 929)

Tranh thủ lúc nông nhàn, bà con xã Tam Vinh  bắt tay ngay vào công việc đan lát các sản phẩm như: thúng, mủng, dần, sàng, rế, rổ,… kiếm thêm thu nhập. Đan lát là nghề truyền thống của ông cha để lại từ nhiều thế hệ cho người dân Tam Vinh. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã công nhận Tam Vinh là làng nghề đan lát cần phải khôi phục lại.

Nghề đan lát ở Tam Vinh có từ bao giờ?

Câu trả lời là rất lâu, tự bao giờ không còn ai nhớ nữa. Nhưng đến Tam Vinh, chúng ta sẽ biết một điều, từ người già đến trẻ em, ai cũng biết đan những sản phẩm phục vụ đời sống của bà con nông dân.

Tam Vinh - một làng quê hiền hòa thuộc H. Phú Ninh, Quảng Nam. Nơi đây, cuộc sống của bà con quanh năm gắn với ruộng đồng. Người dân Tam Vinh chỉ đan lát lúc nông nhàn, khi cây lúa ngoài đồng đang thì trổ bông, đợi mùa gặt.

Ở Tam Vinh tre mọc quanh nhà, tre mọc khắp bờ bãi ruộng vườn. Người Tam Vinh bảo rằng, đấy là nguồn nguyên liệu “trời cho” để bà con cải thiện đời sống. Tre dùng để đan lát được người dân nơi đây gọi là tre lồ ô. Loại tre này đặc ruột, thân thẳng, giống dài, không bị cong mới dùng đan được. Qua bao thế hệ, tre lồ ô qua những bàn tay khéo léo của người dân Tam Vinh đã nối tiếp nhau cho ra đời những loại hàng hóa rất gần gũi và cần thiết với cuộc sống của người nông dân Việt Nam như: thúng, mủng, rổ, rá, dần sàng, nong nia, tràng trẹt, cót, bồ...

Những người cao tuổi ở Tam Vinh cho biết, ngày xưa, cả làng Tam Vinh đều làm nghề đan. Hễ xong mùa vụ, khi gieo cấy hoặc gặt hái xong, nhà nhà bày tre ra đan lát. Chính những người già nhất trong làng cũng không biết được nghề này có từ bao nhiêu đời truyền lại. Họ chỉ biết rằng khi lớn lên đã biết đan lát và cứ thế truyền thừa lại cho con cái bao thế hệ nối tiếp nhau như “cây tre già thì măng lại mọc”.

Người dân Tam Vinh, từ già đến trẻ ai cũng biết đan lát

Làng Tam Vinh nay chia tách ra thành 1 xã Tam Vinh và thị trấn Phú Thịnh. Hiện nay, những hộ dân làm nghề đan lát chủ yếu ở hai khối phố Tam Cẩm và Thạch Đức, gọi chung làng nghề Tam Vinh. Những công việc nặng nhọc như chặt tre, cưa tre, lận vành thì đàn ông đảm nhận, còn trẻ con và phụ nữ vốn dĩ bàn tay mềm mại, khéo léo thì đan lát, nứt vành. Trước những năm 1980, khi mặt hàng gia dụng bằng nhựa chưa xuất hiện thì mặt hàng mây tre đan là chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày của nhiều gia đình. Làng đan lát Tam Vinh là nơi cung cấp chủ yếu nhu cầu tiêu thụ của người dân Tam Kỳ và các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Từ chiếc rổ rửa rau cho đến chiếc rá vo gạo, bồ đựng lúa, nia mẹt, cái nôi trẻ con nằm đến cái chõng tre mà ở nông thôn đa số nhà nào cũng có... tất cả đều làm bằng tre.

Làng đan lát Tam Vinh một thời nổi tiếng, nhắc đến ai cũng biết. Hàng đan lát Tam Vinh khi làm xong, thương lái đến tận nơi mua để về bỏ bán các chợ đầu mối như: Tam Kỳ, Hòa Hương, Kỳ Lý... Vào những thời điểm trước mùa thu hoạch lúa, trước Tết Nguyên đán, thương lái khắp nơi tụ về làng đóng hàng tấp nập, theo đó, một lượng lớn hàng được phân phối đi khắp nơi. Vì thế dân gian có câu ca rằng:

Năm nay thất bát mùa bồ

Đốn tre đan cót đổ xô Tam Kỳ.

Người dân Tam Vinh hầu như không bao giờ lo sản phẩm mình làm ra bị ế, điều đó mặc nhiên trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Năm nào mùa màng thất bát, người dân chuyển qua đan cót. Nhưng kể từ khi mặt hàng nhựa xuất hiện và thịnh hành, sản phẩm bằng tre đan ở làng Tam Vinh rơi vào cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt giữa hàng hóa hiện đại và hàng hóa cổ truyền. Làng nghề Tam Vinh vẫn hoạt động bình thường cho đến tận bây giờ nhưng không khí nhộn nhịp, rộn ràng, nhà nhà đan lát như xưa thì không bằng được...

Khôi phục lại làng nghề

Năm 2005, làng nghề Tam Vinh được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề truyền thống. Chính nhờ sự kiện này đã mang lại lợi thế mới cho làng nghề Tam Vinh, được nhiều nơi biết đến. Toàn thị trấn Phú Thịnh có 1.023 hộ thì có 70% số hộ làm nghề mây tre đan, thu hút gần 1.000 lao động, tạo ra được nhiều chủng loại sản phẩm. Ngoài những loại sản phẩm truyền thống như rổ, rá, cót... làng nghề Tam Vinh phát triển thêm các sản phẩm mới như rổ đựng cá cho ngư dân, bội đựng rác bán về các đô thị... Một người, mỗi tháng làm được khoảng 300 sản phẩm, thu nhập bình quân hơn 600 nghìn đồng/tháng.

Mới đây, UBND thị trấn Phú Thịnh đã lập đề án phát triển làng nghề Tam Vinh. Theo kế hoạch, từ năm 2009 đến 2015 sẽ xúc tiến quy hoạch phát triển làng nghề với quy mô 50 ha, nằm dọc theo trục đường làng nghề; kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng phân xưởng sản xuất gia công hàng đan lát mây tre đan xuất khẩu; làm nhà trưng bày sản phẩm; khoanh vùng trồng cây nguyên liệu; chú trọng đào tào nghề, nhất là nghề thủ công mỹ nghệ để cho ra các sản phẩm có mẫu mã phù hợp với thị trường, thị hiếu người tiêu dùng. Sau khi đào tạo đội ngũ lao động chuyên nghiệp về cả lý thuyết lẫn thực hành, những người được đào tạo phải gắn bó với nghề. Hằng năm, Trung tâm đào tạo từ 100-150 lao động cho làng nghề, thời gian mỗi khóa học từ 30 đến 60 ngày. Để làm được điều đó, cần phải có sự hỗ trợ và đồng thuận từ huyện đến tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Chính – Phó Chủ tịch UBND TT Phú Thịnh chia sẻ: “Khi đề án phát triển làng nghề đan lát truyền thống thực hiện thành công, tôi tin rằng nhân dân sẽ đỡ vất vả hơn. Khi đó, con em trong thị trấn không phải tha phương cầu thực nữa mà làm việc trên chính quê hương mình. Nhưng để thực hiện được điều đó, chúng tôi rất cần đến sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, ngành của huyện, tỉnh”.

 Khi chúng tôi đến những gia đình làm nghề đan lát, hỏi nguyện vọng người dân, ai cũng mong muốn làng nghề phát triển đi vào quy mô như đề án xã đề ra. Anh Hòa, một người dân ao ước: “Công việc hiện nay của gia đình tui ngoài đồng áng ra, lúc nông nhàn cũng đan lát rổ, rá... để kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Theo suy nghĩ của tui, nếu như thành lập làng nghề, sản xuất ra các sản phẩm xuất khẩu thì người dân chúng tôi sẽ đỡ khổ hơn nhiều, có thể làm giàu chính trên quê hương của mình”.

Với những mong muốn cháy bỏng và thiết thực đó của người dân, mong rằng đề án phát triển Làng nghề đan lát Tam Vinh sẽ thực hiện trong khoảng thời gian nhanh nhất, để góp phần giải quyết việc làm tại địa phương, nâng cao thu nhập cho nhân dân, xây dựng nông thôn mới, hướng đến hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, để thị TT Phú Thịnh sớm trở thành mô hình nông thôn mới của huyện.

                                                                               Theo cadn.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

29
Đang xem:
72.669.354
Tổng truy cập: