LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Vạn Phúc-vẹn nguyên bài thơ tình lụa trắng: Bài cuối: Để những dải lụa bay xa
(Ngày đăng: 16/02/2016   Lượt xem: 1004)
Lụa tơ tằm được xếp trong nhóm vải quý, được ưa chuộng. Đó là sản phẩm của thiên nhiên, nhưng chứa đựng công sức và tâm tư của con người.

Giữ “lửa” cho làng nghề dệt lụa Vạn Phúc trước hết phải kể đến các nghệ nhân, những người đã dồn tâm huyết vào những thước lụa, nâng cao chất lượng sản phẩm để làng nghề vượt qua những khó khăn, thử thách, đứng vững trên thương trường.

        Các nghệ nhân phải tỉ mẩn từ những công đoạn đầu tiên như trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: vivuhanoi

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc cho biết, lụa tơ tằm được xếp trong nhóm vải quý, được ưa chuộng. Đó là sản phẩm của thiên nhiên, nhưng chứa đựng công sức và tâm tư của con người.

Các nghệ nhân phải tỉ mẩn từ những công đoạn đầu tiên như trồng dâu nuôi tằm. Có rất nhiều loại tơ tằm khác nhau, nhưng loại tơ của ấu trùng ăn lá của cây dâu tằm là loại tơ cho chất lượng đẹp và ổn định.

Qua nhiều công đoạn từ ấp trứng, cho ăn tới khi tằm bắt đầu đóng kén thì đem ra tấm phên kéo lên, để ra nơi có ánh sáng cho sợi tơ được vàng óng. Để có chất lượng vải tốt, người ta cần canh thời tiết ánh nắng nhẹ, tằm được chọn cần mẩy, nhiều tơ, ít áo kén, dễ kéo tơ và kén phải đồng dạng về hình dạng và kích thước để cho chất lượng sợi tốt.

Sau đó, đem kén tằm nấu trong nước sôi khoảng 50-60 độ C, đảo kén thành từng nhóm nổi trên mặt nước, làm lớp keo tơ tan ra một phần, kén mềm và dễ rút thành sợi, cho quấn vào những con suốt, xếp thẳng đứng thành hàng ngang, rồi cho chạy vào những guồng tơ tròn bằng gỗ, nằm bắc ngang trên nồi nước sôi để kéo hết tơ. Tùy từng loại tơ sẽ cần số lượng tằm khác nhau, như tơ sợi 20-22 cần từ 10 -11 kén tằm.

Trải qua các giai đoạn khác như nhập tơ, guồng tơ, mắc cửi... tơ tằm được cửi và dệt thành miếng vải trơn. Với nhiều cách dệt có thể cho nhiều loại vải khác nhau. Trước khi có máy dệt công nghiệp, người thợ Vạn Phúc phải dùng khung cửi gỗ, tay đưa, chân dậm nhịp nhàng.

Những miếng vải dệt là lụa mộc, màu trắng ngà, mỏng sau đó được đem nhuộm bằng những nguyên liệu thiên nhiên như lá bàng và một số loại cây, củ. Các hoa văn, họa tiết trên lụa thường đơn giản, nhã nhặn.

Ngoài ra, bằng sự sáng tạo độc đáo của riêng mình, các nghệ nhân Vạn Phúc đã tạo ra một loại lụa độc đáo, chỉ có của riêng làng nghề này là lụa vân - một loại lụa có hoa văn nổi vân trên bề mặt. Mật độ các sợi ngang, sợi dọc dày; khi nhuộm, độ thẩm thấu màu cao hơn. Loại hoa văn dùng trên lụa này thường là song hạc, tứ quý...

Chính vì sự công phu, cầu kì trong từng khâu cùng sự tỉ mỉ của nghệ nhân dệt lụa đã tạo nên thứ lụa tơ tằm mềm mại, nhẹ nhàng như lướt khi người ta chạm vào nó. Không quá dày cũng không quá mỏng, bền màu qua thời gian, sợi vải không bị giãn, xô dạt khi giặt.

Khi bước đi tạo sự uyển chuyển và bay bổng, lụa được sử dụng để may những trang phục tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ như khăn tay, khăn quàng, áo dài... đặc biệt đây là chất liệu thích hợp cho khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa.

        Lụa tơ tằm mềm mại, nhẹ nhàng như lướt khi người ta chạm vào nó. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS.

Với những ưu điểm nổi trội ấy mà lụa tơ tằm được ưa chuộng trong thời gian dài, nhất là vào thời phong kiến triều Nguyễn. Vào những năm 1930 - 1932, lụa tơ tằm được người Pháp ưa chuộng và đem triển lãm tại Marseille và hội chợ ở Pháp.

Năm 1958 - 1988 là thời điểm lụa Vạn Phúc được xuất khẩu tại Đông Âu và phát triển thị trường các nước khác vào những năm sau này.

Tuy có một thời điểm phát triển rực rỡ như vậy, nhưng hiện nay dưới sức cạnh tranh của nhiều mặt hàng cũng như sự xuất hiện của nhiều chất liệu vải khác nhau khiến tơ lụa mất đi thị trường.

Sau khi thoát khỏi chế độ bao cấp, bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, do làm hoàn toàn bằng thủ công nên sản lượng lụa tơ tằm sản xuất ra không đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.

Mặt khác, các loại vải làm từ sợi công nghiệp tuy chất lượng không tốt nhưng giá thành rẻ được ưa chuộng hơn so với giá một mét vải lụa tơ tằm Vạn Phúc chính gốc lên tới cả triệu đồng.

Sự khan hiếm nguyên liệu cũng là lí do khiến lụa tơ tằm đi xuống. Theo ông Hà, hiện nay đất đai để trồng dâu nuôi tằm không đủ cung ứng tơ để sản xuất. Nguồn nguyên liệu để nhuộm vải chưa thống nhất, còn trôi nổi gây khó khăn cho việc định giá.

Khi thị trường mở cửa, hàng Trung Quốc mẫu mã đa dạng, màu sắc bắt mắt, giá thành rẻ hơn rất nhiều nên dễ dàng thu hút người dùng.

Các mẫu hoa văn truyền thống của Vạn Phúc còn đơn giản, màu sắc thường là những gam màu trầm, không phổ biến với nhiều độ tuổi. Nghệ nhân ở đây chưa có điều kiện học tập và trau dồi nâng cao tay nghề kĩ thuật từ các nước có kỹ nghệ dệt tinh xảo như Ấn Độ, Trung Quốc... nên khi so sánh chưa được đánh giá cao.

Ngoài ra, nhân lực thiếu, lớp trẻ của làng không còn đi theo nghề tổ của cha ông. Đây là nỗi trăn trở của những nghệ nhân tha thiết với nghề của làng Vạn Phúc.

Không để niềm tự hào của làng mất đi, UBND quận Hà Đông cùng nhân dân làng Vạn Phúc đang vực dậy làng nghề. Đến Vạn Phúc hôm nay, tiếng máy dệt thay cho khung cửi ngày nào đã làm tăng năng suất cho các cơ sở sản xuất. Những sản phẩm nhiều chủng loại với nhiều mẫu mã, màu sắc sinh động, trẻ trung nhờ cải tiến về nguyên liệu và phẩm nhuộm tạo hơi thở mới cho lụa.

Việc tạo dựng thương hiệu và in nhãn hiệu lụa Vạn Phúc trên vải giúp ngăn chặn hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn. Tuy vậy, làng Vạn Phúc vẫn cần sự quan tâm của chính quyền trong việc hệ thống, tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định và tạo điều kiện để lụa Vạn Phúc đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.

Không vì những biến động mà giảm chất lượng lụa là phương châm của những nghệ nhân làng Vạn Phúc. Với họ, giá trị của mỗi thước lụa không chỉ là từ nguyên liệu quý mà còn là tấm lòng, tâm trí, tài năng của người nghệ nhân

Nhờ sự cần mẫn và tỉ mỉ ấy, mỗi tấm lụa Vạn Phúc đến ngày nay vẫn giữ được cái hồn, cái dáng lụa tơ tằm, say đắm và chạm vào trái tim của bất cứ ai khi một lần được cầm vào thức vải trân quý ấy./.

                                                                                  Theo bnews.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.647.606
Tổng truy cập: