LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng dong ăn Tết muộn
(Ngày đăng: 01/02/2016   Lượt xem: 521)
Bao nhiêu đời gắn bó với nghề trồng lá dong là bấy nhiêu năm người làng Tuấn Dị, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) ăn Tết muộn. Cứ phải đến 30 Tết, họ mới kết thúc công việc để tất cả chuẩn bị lo cái Tết cho mình, khi những chiếc lá dong cuối cùng đã được cắt khỏi vườn…

Xanh mướt một vùng quê…

Về thôn Tuấn Dị vào những ngày cuối năm mới thấy hết sự trù phú ở một làng quê thuần nông. Tiếng cười nói xôn xao, ôtô nhộn nhịp ra vào. Gương mặt mọi người luôn hớn hở. Cả một vùng ngan ngát một màu xanh mát mắt của những tán lá dong, tiếng gió reo rì rào, yên bình.

Làng dong ăn Tết muộn

Nghề trồng lá dong đã có ở Tuấn Dị hàng trăm năm, nuôi sống đến 60% số hộ dân nơi đây và cung cấp hương vị Tết cho nhiều vùng, từ Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... đến xuất sang cả một số nước châu Âu. Nhanh tay cắt lá dong, nhưng bà Khương Thị Tuyết vẫn không giấu nổi niềm vui sau vụ thu hoạch lớn. Bà bảo, lá dong quê bà đặc biệt lắm. Nó giúp cho những chiếc bánh chưng có hương vị riêng, khi gạo nếp được gói trong chiếc lá dong Tuấn Dị. “Mùi thơm của nếp, hương thoang thoảng của lá khiến bánh chưng có màu xanh óng ả. Tất cả đều nhờ có lá dong Tuấn Dị đấy” – bà Tuyết chia sẻ bằng tất cả sự tự hào của người Tuấn Dị.

Lá dong Tuấn Dị có ưu điểm bầu lá to, rộng, mỏng, dẻo dai và dễ gói. Đã có nhiều thương lái từ các vùng khác mua giống về trồng, nhưng rồi họ lại vẫn phải tìm về Tuấn Dị cất hàng, chỉ vì giống lá dong này khi trồng trên đất khác, không thể tạo ra những lá dong xanh mướt. Đó có lẽ là lý do khiến cho việc trồng lá dong trở thành một nghề làm giàu cho vùng quê này.

Làng dong ăn Tết muộn

Ông Khương Văn Khoái - trưởng thôn Tuấn Dị - cho biết: “Ở làng này, nhà ai cũng có ít nhất vài sào trồng lá rong. Vì vậy vào dịp Tết, mỗi nhà đều có thu nhập cả chục triệu đồng, rồi gửi tiết kiệm. Con cái dân làng cũng được quan tâm hơn đến chuyện học hành. Nhà cửa cao tầng nhiều thêm. Đường làng sạch sẽ và rộng rãi hơn. Chẳng ai phải lo bán thóc để sắm Tết. Nhờ có lá dong, năm nào người dân Tuấn Dị cũng có Tết tươm tất”.

Ở Tuấn Dị, gia đình bà Trương Thị Bắc được coi là “đại gia lá dong quê”. Năm nào cũng vậy, nhà bà như một cái chợ thu nhỏ. Người làm luôn tấp nập, lá dong được bày la liệt trên sân để phân loại. Ông Khương Văn Vinh - chồng bà Bắc - cho biết: “Nhà tôi có hơn 2 mẫu trồng dong, mấy năm nay lá dong được giá, nên gia đình phải thuê thêm đất để trồng”. Nhà ông bà Vinh - Bắc kinh doanh lá dong quanh năm, tuy nhiên trong khoảng một tháng cận Tết, lá dong được bán cao gấp nhiều lần ngày thường. Lúc cận Tết, tại các nhà vườn, giá lá dong khoảng 150.000-200.000đồng/100 lá, tùy loại lá to hay nhỏ…Với mức giá đó, nhiều người còn phải tranh nhau mua. Có những năm đến tận 27-28 Tết, nhà bà Bắc vẫn phải tất tả đi gom lá dong khắp các vườn nhà để bán. “Bán lá dong dịp Tết có thể lãi gấp 10 lần so với cấy 10 mẫu lúa đấy” - ông Vinh cho biết thêm.

Ăn Tết muộn…

Dú lá dong đắt hàng, người làng Tuấn Dị vẫn thường dặn nhau, làm giàu, nhưng không được gây bệnh tật cho người khác. Có lẽ vì thế mà dong Tuấn Dị vẫn được ưa chuộng nhất trong số những làng nghề trồng dong lân cận. Bà Bắc chia sẻ: “Cây dong dễ trồng, nhưng vẫn đòi hỏi phải chăm sóc đúng cách để có được chất lượng lá cao nhất. Để lá lên đều, không bị rách, quăn, thì cứ 2 tháng lại phải phun thuốc trừ sâu một lần, cho đến tháng chạp thì ngừng phun để thu hoạch. Bên cạnh đó phải thường xuyên tỉa lá chân, để những lá phía trên luôn được rộng bản, xanh tốt. Để tàu lá dong có cuống dài, phiến rộng, khoảng cách giữa các bụi lá phải ở mức khoảng 80 cm”.

Làng dong ăn Tết muộn

Vì cây dong chỉ cần đầu tư giống một lần và cho thu hoạch trong khoảng 4-5 năm, nên người làng càng trân trọng những gốc dong của mình hơn. Dù bận bịu Tết nhất, nhưng cứ thu hoạch xong, người dân không quên cắt bỏ toàn bộ phần thừa và cuống, sau đó bón phân, phủ trấu và tưới nước giữ ẩm. Phải xong công đoạn cuối cùng này thì người dân Tuấn Dị mới yên tâm sắm Tết. Bà Bắc vui vẻ cho biết, hiện nay các loại dịch vụ hàng hóa cũng về tới tận thôn, xóm rồi. Cả làng cứ mải miết thu hoạch lá dong, đến 30 Tết thì ù ra chợ, ra quầy tạp hóa là không khí Tết lại rộn ràng.

Bởi thế, những ngày giáp Tết, khi mọi nhà đang quây quần bên nồi bánh chưng Tết, thì người dân Tuấn Dị vẫn phải ăn ngủ bên những vườn dong nhà mình, để xuất đi khắp nơi. Ông Khương Văn Khoái - trưởng thôn Tuấn Dị - đùa vui: “Người làng chúng tôi phải chuẩn bị Tết sớm nhất, nhưng đều chuẩn bị cho người khác thôi, còn bản thân lại ăn Tết muộn nhất đấy”. Vì thế, người dân Tuấn Dị mỗi khi giới thiệu quê mình đều không giấu nổi niềm tự hào “đón Tết sớm nhất, nhưng ăn Tết muộn nhất” là vậy.

                                                                                    Theo laodongthudo.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.634.609
Tổng truy cập: