LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Thêu ren Nguyên Bì: Giữ gìn nghề truyền thống để phát triển nông thôn mới.
(Ngày đăng: 01/02/2016   Lượt xem: 502)
Cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 20km về phía Nam, làng nghề thôn Nguyên Bì (xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với nghề thêu ren truyền thống. Nghề thêu nơi đây tồn tại đã mấy trăm năm và ngày càng phát triển.

Nghề thêu ren đã có từ hàng trăm năm nay và người dân làng Nguyên Bì vẫn gìn giữ và phát triển hơn trong xã hội hiện đại.

Theo ghi chép ở đình Ngũ Xã, Quất Động và đền Tú Thị, Hà Nội, ông tổ nghề thêu là tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Bùi Công Hành, sống tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam nay thuộc Thường Tín, Hà Nội. Cuối đời Trần, ông lên đường dự thi vừa lúc quân Minh sang xâm lược nên khoa thi bị hủy. Ông ẩn náu trong rừng rồi theo Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh. Cuộc bình Ngô thành công, ông được Lê Thái Tổ trọng dụng.Đến đời Lê Thái Tông (1423-1442), Bùi Công Hành dẫn đầu đoàn sứ bộ đi sứ. Vua nhà Minh muốn thử tài sứ giả nước Việt bèn cho dựng một lầu cao chót vót rồi mời ông lên chơi. Rồi rút thang để ông không thể leo xuống và lệnh trong một tháng nếu ông không tiếp đất an toàn sẽ bị giam cầm mãi mãi ở Trung Quốc. Đây là một gian thờ Phật, không để một thứ thức ăn gì ngoại trừ một vại nước uống cầm chừng. Với niềm tin ở hiền gặp lành, ngày ngày ông cũng ngồi thiền niệm Phật dưới ban thờ và nghĩ cách leo xuống. Một hôm, ông thấy một đàn ong bay lượn phía sau mấy tán lọng che tượng Phật. Lại gần tìm hiểu thì thấy trên cánh tay của tượng có một vết rạn, và một con ong đang chui vào đấy. Biết rằng ong chỉ tập trung ở đâu khi nơi ấy có mật ngọt, ông liền bẻ một mảng mà nếm, thì thấy vị ngọt đậm. Thật ra bức tượng làm bằng chè lam ông ăn dần nhờ thế sống sót. Ngắm mấy cái lọng đẹp, hoa văn khác lạ, ông nảy ra ý học lại cách thêu của người Trung Quốc, ông vừa tháo vừa thêu lại những hoa văn đó. Ngày cuối cùng của tháng giam hãm, ông kẹp hai cái lọng vào nách và nhảy xuống đất không hề bị một vết thương tích. Vua tôi nhà Minh quá kinh ngạc và thán phục.

Khi về nước, ông đã đem cách thêu lọng Trung Quốc dạy cho người dân quê hương. Nhờ công lao ấy, ông được phong danh Kim tử vinh lộc đại phu, chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh lương hầu và được đổi sang họ vua. Hàng chục làng trong vùng được Lê Công Hành truyền nghề trực tiếp, theo địa danh thời Nguyễn là các xã Quất Động, Tam Xá, Vũ Lăng, Hướng Dương và Hương Giai. Năm xã này dựng chung một đền thờ ông ở thôn Hướng Xá, gọi là đền Ngũ Xã. Giỗ ông vào ngày 12 thánh Sáu âm lịch. Cảm ân đức tiến sĩ, nhiều vùng bao gồm cả Hà Nội đều lấy ngày mất của ông làm ngày giỗ tổ nghề thêu.

Ban đầu nghề thêu nơi đây chỉ là nghề phụ, người dân tranh thủ làm những lúc nông nhàn khi mà công việc đồng ánh đã hoàn tất nhưng cùng với thời gian nghề thêu nơi đây đã trở thành nghề chính mang lại mức thu nhập chính ổn định từ 2 triệu – 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều gia đình còn bỏ hẳn nghề nông nghiệp để tập trung mở rộng quy mô phát triển nghề thêu.

Cô Lê Thị Đào – môt người thợ thêu lâu năm tại thôn cho biết: “Ngoài công việc đồng áng ra người dân chúng tôi chủ yếu dành thời gian cho nghề thêu. Nghề thêu mang lại nguồn thu nhập không quá cao nhưng cũng giúp cho chúng tôi trang trải cuộc sống. thực sự nếu không có nghề thêu thì những người phụ nữ chúng tôi không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Nghề thêu không phải ai cũng làm được, đây là công việc đòi hỏi phải có tay nghề, để thêu được những bức tranh thêu theo kiểu mẫu cũ, một người thợ có tay nghề thêu liên tục cũng phải mất hàng tuần, có khi đến cả tháng mới hoàn thiện được bức tranh ưng ý, nhưng đổi lại công của những bức tranh này khá cao, việc thêu một bức tranh được trả công tiền triệu là chuyện bình thường”.

Hiện nay đa phần các hộ gia đình ở đây theo nghề thêu ren, gia đình nào cũng có đủ loại khung thêu, từ những chiếc khung nhỏ như bàn tay cho đến những chiếc khung to bằng chiếc chiếu. Từ những mặt hàng thêu ren truyền thống và đơn giản, các cơ sở sản xuất ở đây dã dần chuyển sang làm hàng thêu pha rua trắng chất lượng cao, tạo nên những mẫu hàng mới đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm thêu nơi đây cũng rất đa dạng, đó là những tấm ga trải giường, mặt gối, những bộ khăn ăn đủ màu sắc, rèm cửa, khăn tay, tranh, ảnh… hiện sản phẩm của Nguyên Bì không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc.. 

Ông Tạ Văn Sở – Phó Chủ tịch hiệp hội nghề thêu ren thành phố Hà Nội chia sẻ: “ thấy được sự đổi thay của làng nghề, người dân chúng tôi rất vui mừng, các doanh nghiệp hiện nay không chỉ mở rộng sản xuất tại địa phương mà còn thông qua các hình thức hợp tác như gia công, tổ chức nhều điểm sản xuất ở các địa phương lân cận để tăng năng xuất. Đây là một hướng đi rất có hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa thương hiệu thêu ren không chỉ ở Nguyên Bì mà còn rộng hơn toàn thành phố Hà Nội”.

Từ những sợi chỉ mảnh mai, những mảnh vải đủ màu sắc cộng với đôi bàn tay tài hoa và lòng yêu nghề những người thợ nơi đây đã tạo nên những sản phẩm mang những giá trị thẫm mỹ cao, với đường nét tinh xảo, thanh tú, mịn màng mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Tuy thêu ren thôn Nguyên Bì đã có những bước phát triển song vẫn còn đó những khó khăn mà cần có sự chung tay góp sức của không chỉ những người dân mà còn cả chính quyền địa phương để thêu ren thôn Nguyên Bì trở thành một trong những làng nghề nổi tiếng như  lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, hay đúc đồng Đại Bái… để người dân nơi đây không chỉ sống được bằng nghề mà còn làm giàu từ chính nghề truyền thống cha ông để lại.

                                                                                         Theo infonet.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.590.306
Tổng truy cập: