LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Kiệt tác của tự nhiên và nghệ nhân tài hoa.
(Ngày đăng: 14/01/2016   Lượt xem: 461)
Những năm gần đây, trào lưu chơi gỗ lũa trở nên thịnh hành với nhiều người yêu thích đồ gỗ theo lối vẻ đẹp tự nhiên. Chúng tôi đã về huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), vùng đất được xem là “thủ phủ gỗ lũa” để khám phá những điều thú vị của thú chơi độc đáo này.

Dọc theo Quốc lộ 6, gần đến trung tâm TP Hòa Bình, chúng tôi đi giữa những rừng đồi xanh mướt. Hai bên đường là các cửa hàng trưng bày sản phẩm gỗ lũa vẫn còn nức mùi hương và luôn tấp nập khách vào ra.

Với kinh nghiệm 10 năm đến với gỗ lũa, vừa đón khách vào nhà, anh Nguyễn Văn Thể giới thiệu ngay với chúng tôi tác phẩm “Thần Kim Quy” từng nhiều lần đoạt giải A tại các cuộc triển lãm và festival sinh vật cảnh trong nước. Anh Thể cho biết: “Hơn chục năm nay, thú chơi gỗ lũa ở đây rất thịnh hành, từ chỗ vài nhà, nay anh đi khắp trục đường thấy đâu cũng có gỗ lũa. Nhưng để trở thành người chơi gỗ lũa thực sự thì phải am hiểu về nó”.

Kiệt tác của tự nhiên và nghệ nhân tài hoa

                                  Một góc xưởng gỗ lũa tại huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình).

Thoạt nhìn những đường nét tinh xảo, vân gỗ độc đáo, tôi trầm trồ khen thợ giỏi thì anh Thể “bật mí” rằng: Để có tác phẩm gỗ lũa đẹp, ngoài bàn tay tạo tác của con người thì cái quyết định chính là vẻ đẹp nguyên sơ của những thân gỗ tự nhiên. Lũa được hình thành từ gỗ nhưng không phải thân gỗ nào cũng có thể tạo nên lũa. Trải qua thời gian, cùng với sự tác động của mưa, nắng, gió đã tạo nên những gốc lũa có vẻ đẹp mê hoặc. Có những gốc cây nằm sâu dưới lòng đất cả trăm năm nên khi đào lên vẫn giữ được chất gỗ nguyên sơ. Những thân gỗ nằm trong vùng đầm lầy lại cho sắc lũa đen bóng như mun, sừng. Có lẽ vậy mà vẻ đẹp của gỗ lũa là độc nhất vô nhị, không lặp lại.

Từng tạo tác ra hàng nghìn sản phẩm lớn nhỏ, nhưng với anh Thể, mỗi tác phẩm gỗ lũa là một kỳ công và trải nghiệm, mang đến cho anh nhiều đam mê, cảm xúc. Vừa giới thiệu với chúng tôi về những tác phẩm: “Gia Cát cầu mưa”, “Phật A Di Lặc”, “Thánh Gióng về trời”…, anh Thể vừa tâm sự: “Điều quan trọng là người thợ phải biết “thổi” vào mỗi tác phẩm một giá trị triết lý nhân sinh quan từ những gốc cây vốn vô tri vô giác”.

Vậy làm thế nào để hài hòa được cái nguyên sơ, tự nhiên và ý tưởng của người thợ? Anh Thể chia sẻ: Gỗ lũa nghệ thuật gần gũi với điêu khắc, tạc tượng, song nó đa dạng, phong phú hơn nhiều. Bởi người thợ phải biết đọc những ý tưởng vốn có từ các cành cây, khối gỗ, sau đó thêm bớt chi tiết làm cho tác phẩm sinh động, có “hồn”.

Thông thường để cho ra đời một tác phẩm gỗ lũa nghệ thuật, nghệ nhân phải hình thành ý tưởng, suy ngẫm lựa chọn hình dáng thể lũa phù hợp. Công đoạn này có thể chụp lại đưa lên máy tính. Nhiều khi người thợ đến mất ăn mất ngủ vì ôm ấp ý tưởng tạo hình cho tác phẩm. Sau đó họ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ gọt giũa từng chi tiết để hoàn thiện tác phẩm theo ý tưởng cá nhân. Khi tác phẩm hoàn thành, đó thực sự là những kiệt tác của tự nhiên và bàn tay người thợ.

Nếu như gỗ điêu khắc chủ yếu từ tài hoa bàn tay người thợ, thì gỗ lũa nghệ thuật lại ở trong nét tự nhiên vốn có của thân gỗ. Cho nên với các nghệ nhân gỗ lũa, việc tìm kiếm sáng tạo ra một tác phẩm còn là duyên nghề. Anh Đào Xuân Thành, một nghệ nhân gỗ lũa, cho hay: Lũa quý hiếm và đẹp là loại lũa được hình thành dưới tác động của mưa, gió, thời gian. Giới trong nghề thường chia làm 3 loại lũa chính: Lũa tổ ong, lũa giọt mưa, lũa trơn. Các loại lũa này hình thành chủ yếu ở những thân cây lâu năm như trai, nghiến, đinh hương, gù hương. Tuy nhiên, lũa từ gỗ gù hương là quý nhất bởi hình dáng không giống bất kỳ loại gỗ nào, khi xoa tay vào có mùi thơm, vân lũa mượt, sáng. Giá của các sản phẩm từ gỗ lũa là không hề rẻ. Một tác phẩm gỗ lũa từ gỗ hương có giá thường từ vài chục triệu đồng đến 300-400 triệu đồng. Đối với những sản phẩm được lắp ghép chi tiết thì giá rẻ hơn, có khi chỉ vài trăm nghìn đồng.

Ông Hoàng Ngọc Kiều, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, cho biết: “Từ thú chơi tự phát, đến nay gỗ lũa đang trở nên thịnh hành trên địa bàn. Nghề gỗ lũa không chỉ tạo việc làm cho bà con mà nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật đi tham dự các cuộc thi, festival sinh vật cảnh, hội chợ, triển lãm… trong cả nước đều giành giải thưởng cao. Mong muốn của địa phương là sớm được các ngành chức năng của huyện nghiên cứu, quy hoạch làng nghề, nhằm bảo tồn, phát triển nghệ thuật gỗ lũa, góp phần giải quyết việc làm cho người dân và làm đẹp thêm cuộc sống”.

                                                                                      Theo qdnd.vn.

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

453
Đang xem:
73.101.692
Tổng truy cập: