LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Độc đáo tranh làng Sình xứ Huế
(Ngày đăng: 28/03/2015   Lượt xem: 890)
* Những bản khắc cổ của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.

Từng có một thời thịnh hành khắp dải đất miền trung, cũng có khi gần như đã bị xóa sổ, trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc, dòng tranh dân gian làng Sình, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) vẫn chứng tỏ được sức sống bền bỉ của một nét văn hóa độc đáo đất cố đô.

"Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" Dân gian có câu hò "Thuyền từ Đông Ba, thuyền qua Đập Đá, thuyền từ Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình".

Cách TP Huế chừng chục cây số về phía đông bắc, làng Sình có thời từng được gọi là làng Hồ Điệp, cũng là từ một công đoạn của nghề làm tranh truyền thống nức tiếng ("hồ điệp" có nghĩa là dùng bột điệp quấy với hồ rồi phết lên giấy dó).

Ngôi làng cổ này có chùa Sùng Hóa lớn nhất một vùng xưa kia, từng được ghi trong tài liệu quý về địa lý - sử học Ô Châu Cận Lụccủa Dương Văn An từ thế kỷ 17. Là làng thuần nông, làng Sình có những đặc điểm văn hóa đa dạng, độc đáo như có cả chùa thờ Phật và nhà thờ Thiên chúa, có cộng đồng một số dân tộc sống xen kẽ, có lễ hội vật truyền thống đầu xuân hằng năm, có nghề in tranh dân gian, làm hương, làm hạt bỏng để cúng lễ.

Tranh thờ cúng làng Sình, nhất là tranh thế mạng, là một hình thức cúng tế giải hạn, cầu an có từ lâu đời, phổ biến trong vùng cư dân của nền văn minh lúa nước. Loại tranh này có mặt trong đời sống văn hóa tinh thần dân gian không chỉ ở Thừa Thiên - Huế mà còn được dùng trong nghi lễ cúng tế ở nhiều miền quê từ Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng đến Quảng Ngãi... tuy nhiên, thịnh nhất vẫn là ở Huế. Có khoảng 50 đề tài được thể hiện trong tranh làng Sình, chia thành ba nhóm chủ đề chính là tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật. Trong đó, tranh nhân vật gồm hai bộ thế mạng và bổn mạng, chủ yếu là tranh tượng bà (tượng đế, tượng chùa, tượng ngang) thường dùng dán trên bàn thờ quanh năm. Ngoài ra còn có tranh con ảnh (vẽ hình đàn ông, đàn bà), tranh ông Điệu, ông Đốc và Tờ bếp dùng để hóa như hóa vàng. Tranh đồ vật chủ yếu vẽ hình áo quần, tiền, dụng cụ... để đốt cho người cõi âm. Tranh súc vật gồm một bộ gia súc, gia cầm và riêng một bộ 12 con giáp. Người ta cúng tranh để cầu cho người yên, vật thịnh, phụ nữ sinh nở được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, người ốm chóng khỏi...

Khác về mục đích sử dụng nhưng về kỹ thuật và chất liệu, tranh làng Sình cũng có nguồn gốc tương tự tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống nổi tiếng ở phía bắc.

Đó là lối in tranh mộc bản, sử dụng giấy dó hoặc giấy mộc quết điệp và dùng nguyên liệu tự nhiên để tạo mầu. Khi làm ra một bức tranh, bản khắc gỗ chỉ giữ vai trò làm khuôn và in mầu chính. Những mầu sắc còn lại được nghệ nhân vẽ thủ công.

Chính vì thế, không có hai bức tranh giống y hệt nhau. Để có một bức tranh, phải trải qua đủ bảy công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha mầu, tô mầu, cuối cùng là điểm nhãn. Xưa, các công đoạn làm giấy, pha mầu được làm thủ công hoàn toàn, hết sức tỉ mẩn, công phu.

Tranh làng Sình có đủ các tông mầu xanh, đỏ, tím, vàng, cam, đen.

* Ông Phước bên những bức tranh mới hoàn thành.

Các nghệ nhân cao tuổi, người già trong làng am hiểu về nghề đều thống nhất rằng, mầu đỏ là mầu khó tạo nhất, phải lấy rễ cây vang trong rừng sâu, mang về sắc trên nồi đất nung lửa cháy liên tục bốn, năm ngày mới ra. Mầu xanh lại chế từ hỗn hợp hoa dành dành và lá mối. Đến mùa nắng lại đi hái lá đung (giống lá chè), trộn cùng hoa hòe cô đặc lên cho ra mầu vàng.

Chỉ riêng mầu tím được làm ra khá dễ dàng bởi nguyên liệu hạt mồng tơi khá phổ biến. Mầu cam (gạch) làm từ gạch non, gạch mục mài ra trộn thành bột. Còn mầu đen là hỗn hợp của tro bếp, tro lá khô...

Tranh làng Sình có bố cục không cầu kỳ, nhiều chi tiết, nhưng rất sống động, sắc nét. Nét độc đáo là ở mầu sắc, mỗi bức tranh mang một nét riêng, gắn liền với cảm xúc của nghệ nhân trong quá trình làm tranh. Mầu sắc tươi sáng cộng với vẻ thô mộc gần gũi đã làm nên vẻ đẹp của dòng tranh dân gian đất Huế. Người dân khắp vùng thường mua những bộ tranh của làng Sình vào dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, lễ thôi nôi, động thổ, cầu mùa, xây nhà dựng cửa...

Làng Sình hôm nay có tên chữ mới là làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Song cái tên làng Sình đã gắn liền với dòng tranh dân gian mới là cái tên thân thuộc luôn nằm trong tâm tưởng người làng cũng như khách thập phương. Làng Sình có chừng trên dưới 60 hộ đang làm tranh, bên cạnh làm nông.

Công nghệ hiện đại đã mang đến giấy công nghiệp và mầu hóa học khiến cho người làm tranh đỡ vất vả, kỳ công, rút ngắn thời gian in tranh và giúp tranh được nhân bản, phổ biến nhiều hơn. Tuy nhiên, người chơi tranh tinh tường và để ý một chút có thể nhận ra, vẫn phải là những tấm tranh truyền thống óng ánh trên giấy điệp, mầu tranh rực rỡ từ những sản vật tự nhiên quanh nhà, thì mới mang đúng hồn cốt của một môn nghệ thuật dân gian giàu giá trị văn hóa của dân tộc.

Những người hồi sinh tranh làng Sình Theo chân Tiến sĩ Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học nghệ thuật (Đại học Huế), tác giả của dự án "Nghiên cứu và phục dựng tranh dân gian làng Sình", chúng tôi đến thăm nhà nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Ngôi nhà cổ đơn sơ nằm bên bờ sông Hương gió lộng của ông Phước bấy giờ đang tiếp đón một đoàn khách du lịch nước ngoài đi theo tua. Ai cũng có vẻ trầm trồ, thích thú trước những bộ tranh tươi tắn treo trên khung tre, gỗ đậm chất Việt. Quá nửa trong số họ chọn mua vài bức tranh làm kỷ niệm. Tiến sĩ Bình chia sẻ, ông đã quan tâm đến tranh làng Sình từ nhiều năm trước, khi còn là một cậu sinh viên thường xuyên đạp xe đến làng chơi và tìm hiểu quá trình làm tranh. Để có được sự phát triển đáng kể như hôm nay là nỗ lực của rất nhiều người tâm huyết, nhất là ông Kỳ Hữu Phước, nghệ nhân đời thứ chín của làng nghề hơn bốn trăm tuổi này.

Sự tồn tại của làng nghề Sình trải qua nhiều giai đoạn biến đổi khác nhau. ‡n định nhất là thời điểm trước năm 1945, lúc ấy nhà ai cũng làm tranh. Rồi từ những năm 1970-1975, nghề bắt đầu lụi tàn do chiến tranh. Sau năm 1975, tình hình kinh tế đất nước khó khăn, vẽ tranh bị cho là lãng phí và mê tín dị đoan.

Chẳng mấy ai dùng tranh làng Sình nữa. Thậm chí, nhiều người hò nhau đốt tranh, phá bỏ bản khắc. Không chịu để mất nghề, ông Kỳ Hữu Phước đã bọc ni-lông tất cả những bản khắc quý rồi chôn giấu kỹ. Sau này, ông mới đào những bản khắc lên, rồi ngày ngày ngồi vẽ, kiên trì đi đến từng nhà mời họ mua tranh.

Đến nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, đất nước đổi mới, mở cửa, có chủ trương, chính sách hỗ trợ khôi phục các làng nghề truyền thống, trong đó có tranh làng Sình.

Lúc đó, nghề làm tranh làng Sình chỉ còn duy nhất ông Phước nắm rõ.

Quyết tâm khôi phục bằng được làng tranh, ông vận động dân làng cùng làm. Biết được điều gì về nghề, ông truyền lại hết, không giấu riêng một bí quyết nào. Ông mất nhiều công sức để làm khuôn nhưng sẵn sàng cho bà con mượn dùng, có khi còn tặng luôn. Suy nghĩ đơn giản mà đậm chất nhân văn của người đàn ông xứ Huế gầy gò khắc khổ này có thể khiến nhiều người cảm phục: "Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân. Chỉ mình tui làm thì đâu phải làng nghề, chỉ là hộ nghề thôi. Mai mốt tui chết thì hết nghề truyền thống. Vậy nên tui muốn phổ biến càng rộng rãi càng tốt".

Năm nay 67 tuổi nhưng ông Phước đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề tranh. Làng tranh sống lại, nhưng phần lớn người ta sử dụng phẩm mầu, giấy công nghiệp cho nhanh và rẻ. Chỉ riêng ông Phước vẫn trung thành với vật liệu giấy dó và mầu tự nhiên. Tuy dòng sản phẩm này chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, nhưng ông vẫn gắng duy trì vì ông bảo "đó là tinh hoa của nghề tranh, phải giữ lấy". Cầu kỳ và tốn công sức, nhưng mỗi bức tranh làm ra ông chỉ bán với giá từ 15 đến 25 nghìn đồng đối với tranh thờ cúng, 70 đến 90 nghìn đồng một bức tranh trang trí. Có người muốn trả giá cao hơn giá ông niêm yết, ông cũng không bán. Nhưng nếu gặp người thật sự say mê, tâm huyết với tranh, ông sẵn sàng tặng. Ông Phước tâm sự: "Thu nhập không thể làm giàu, chỉ tạm đủ sống. Quan trọng hơn là niềm vui, niềm tự hào bởi dù sao, chúng tôi vẫn giữ được cái nghề cổ truyền của cha ông".

Hiện nay ông Kỳ Hữu Phước đang lưu giữ 64 mộc bản, trong đó có những tấm hơn 150 năm tuổi.

Nghệ nhân già đau đáu "làng tranh đã được khôi phục nhưng vẫn chỉ có tôi làm được các bản khắc gỗ.

Tôi già rồi, không có ai chú tâm theo nghề thì e rằng sớm muộn nghề sẽ mất". Ba năm trở lại đây, ông đã cất công tìm học trò để truyền dạy nghề khắc bản mộc.

Gia đình ông có năm người con cả trai lẫn gái, đều được ông truyền nghề, truyền cảm hứng để theo nghề. Ông Kỳ Hữu Phước được chính thức công nhận là Nghệ nhân dân gian đầu năm 2011 và đạt nhiều giải thưởng, chứng nhận khác, trong lẫn ngoài tỉnh. Sản phẩm của ông được trưng bày tại nhiều hội chợ, triển lãm và các kỳ Festival Huế. Ông Phước còn nghĩ ra cách làm ống tre rồi cuộn tranh cho vào bên trong, giúp giữ tranh được lâu và cũng giúp cho sản phẩm du lịch thêm hấp dẫn. Và thế là tranh dân gian làng Sình có điều kiện theo chân khách thập phương đi khắp mọi miền đất nước và ra cả thế giới. Tên làng Sình được khắc trên vỏ ống tre, cả tên nghệ nhân làm tranh và số điện thoại. Sáng kiến này giúp tranh bán được mỗi năm một nhiều hơn.

Cùng với ông Phước, làng Sình còn có ông Địch, bà Hậu, khá nhiều thanh niên và các em thiếu nhi cũng góp phần chung tay nuôi nghề, giữ nghề. Chính quyền địa phương tạo điều kiện bằng cách mở lớp tập huấn nông dân làm du lịch, triển khai mô hình du lịch sinh thái đi thuyền trên sông Hương kết hợp tham quan làng nghề. Vào mùa cao điểm du lịch, mỗi ngày làng Sình có thể đón năm đến bảy đoàn khách tham quan, chưa tính du khách đi nhóm lẻ.

Trong một nỗ lực khác để bảo tồn tranh làng Sình đồng thời kết nối các làng nghề, họa sĩ Phan Hải Bằng và các cộng sự cũng đã nghiên cứu và cho ra mắt một số sản phẩm độc đáo như bộ lịch bát âm, tranh bát âm, gợi ý kết hợp với làng mây tre đan, làng diều... Chất liệu và họa tiết của tranh làng Sình được thiết kế phối hợp với mây tre của làng Bao La đã tạo thành sản phẩm đèn tám mặt độc đáo, tính thẩm mỹ cao, đoạt giải thưởng cao nhất tại Hội thi thiết kế sản phẩm quà tặng, hàng lưu niệm Huế. Tác giả Thanh Trà và Nguyễn Văn Đủ, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế cho biết: "Chúng tôi muốn kết hợp mô-típ truyền thống với những loại hình sản phẩm đa dạng khác để nhiều người biết đến tranh làng Sình hơn".

Tranh làng Sình được hình thành, phát triển qua mấy thế kỷ, đã bao hàm nhiều dấu ấn của lịch sử, giá trị văn hóa của cộng đồng làng xã. Chúng không chỉ đơn thuần mang yếu tố tâm linh, phản ánh tín ngưỡng cổ xưa của người Việt, mà còn là những sắc diện thẩm mỹ tinh tế về vùng đất Huế, lòng thành với tổ tiên và khát vọng cuộc sống tốt đẹp, bình yên của con người. Việc bảo tồn và phát huy cần dựa trên cơ sở tinh lọc những yếu tố tâm linh, thờ cúng và hướng tới phục vụ văn hóa, du lịch.

Có như vậy mới mong nghề làng Sình không bị biến thể, mai một, tranh làng Sình có vị trí xứng đáng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam bên cạnh các dòng tranh khác.

                                                             Theo :nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.659.309
Tổng truy cập: