LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Sắc xuân làng nghề
(Ngày đăng: 11/02/2015   Lượt xem: 537)
Tết gần kề, bàn tay của những nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống của Khánh Hòa dường như nhanh hơn, vội vã hơn để hoàn thành những sản phẩm kịp cho Tết cổ truyền của dân tộc. Không khí lao động như hối hả hơn, nhộn nhịp và gấp rút hơn ở các làng nghề như : đúc đồng, dệt chiếu, đánh bắt cá...
Niềm vui từ làng nghề đúc đồng

Có mặt tại làng nghề đúc đồng Diên Thủy, Diên Khánh chúng tôi cảm nhận được không khí hối hả, gấp rút trong từng công việc của những người thợ.  

Làng nghề ở đây sản xuất nhiều sản phẩm bằng đồng phục vụ công việc thờ cúng như: khay đồng, mâm đồng, chum đồng, cho đến các loại dàn đèn đồng. Ngoài ra, làng nghề còn sản xuất một số sản phẩm phục vụ du lịch. Dịp Tết, các sản phẩm của làng nghề tiêu thụ nhiều nên không khí làm việc tại làng đúc đồng rất hối hả và các sản phẩm bán được nhiều nhất trong dịp Tết đến, Xuân về là lư hương, dàn đèn đồng. Đây là các sản phẩm được khách mua để trưng bày lên bàn thờ tổ tiên. Những sản phẩm này có giá khác nhau tùy thuộc vào kích thước, hoa văn. Loại bé và ít tiền nhất cũng khoảng 1 triệu đồng, loại lớn thì khoảng 10 triệu đồng…

Anh Biền Ngọc Triều, một người thuộc dòng họ đã có 5 đời làm nghề đúc đồng hồ hởi cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi đã có đơn đặt hàng trên 50 bộ đèn đồng các loại, 100 lư hương và nhiều sản phẩm khác. Gia đình tôi phải làm việc gấp rút, khẩn trương để kịp giao các sản phẩm trên cho khách, trừ đi chi phí dự tính gia đình tôi thu về khỏang 30-40 triệu đồng”.

 

 Mùa xuân, những con thuyền vẫn ra khơi, kịp chở những khoang cá đầy về đón Tết.
Mùa xuân, những con thuyền vẫn ra khơi, kịp chở những khoang cá đầy về đón Tết.
Không chỉ gia đình anh Triều, tại nhiều gia đình khác của làng nghề như gia đình anh Nguyễn Văn Lâm, không khí làm việc cũng khẩn trương không kém để kịp giao các sản phẩm cho khách theo đúng hẹn.

 

Rộn ràng làng chiếu.
Rộn ràng làng chiếu.
Không khí lao động khẩn trương tại làng nghề đúc đồng Diên Thủy.
Không khí lao động khẩn trương tại làng nghề đúc đồng Diên Thủy.


Để có những sản phẩm kịp thời phục vụ cho dịp Tết, hàng trăm hộ làm nghề đúc đồng tại làng đúc đồng Diên Thủy, Diên Khánh phải huy động tất cả mọi người trong gia đình tham gia làm. Nhiều gia đình còn phải thuê thêm lao động để kịp cho sản phẩm ra thị trường đúng dịp Tết. Cụ bà Đinh Thị Hai năm nay đã 73 tuổi nhưng tay vẫn cầm búa gõ những lớp đất nung đang dính vào những chiếc lư đồng, vẻ mặt tươi cười: “Cứ sắp đến Tết là đơn hàng lại tăng lên, công việc cũng gấp, rất nhiều người lớn tuổi như chúng tôi lại phụ giúp con cháu để công việc sớm hoàn thành”.

Làng chiếu… “được mùa”

Chia tay với làng nghề đúc đồng Diên Thủy, chúng tôi đến với đến làng dệt chiếu Mỹ Trạch, Ninh Hòa. Nghề dệt chiếu truyền thống ở làng nghề Mỹ Trạch khá phát triển. Gia đình chị Trần Thị Cúc, là một trong những gia đình có sự đam mê rất lớn với nghề dệt chiếu truyền thống. Khi chúng tôi đến, cả 5 thành viên trong gia đình chị đang say sưa bên khung dệt. Chị Cúc cho biết: “Lúc 10 tuổi, tôi đã học nghề dệt chiếu này từ cha mẹ, và khi lớn lên theo chồng thì vẫn chung thủy với nghề. Gia đình tôi có 5 thành viên, hai vợ chồng là lao động chính đều theo nghề dệt chiếu, 3 người con ngoài việc đi học thì những lúc rảnh rỗi đều học nghề chiếu và phụ giúp gia đình thêu dệt”.

Hiện nay, sản phẩm chiếu tại làng nghề gồm có 2 loại chính: Chiếu caro (chiếu hoa, chiếu đặt) và chiếu hàng (dệt thưa hơn). Vào thời điểm giáp Tết (thời điểm giá bán cao nhất trong năm), một đôi chiếu 1,4m thương lái mua tại chỗ với giá 160.000 đồng/đôi, chiếu 1,6m có giá 200.000 đồng/đôi.

 

Bếp đúc đồng ngày đêm đỏ lửa.
Bếp đúc đồng ngày đêm đỏ lửa.


Anh Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Vào dịp giáp Tết này, gia đình anh có 7 lao động, mỗi một ngày cũng dệt được hơn 10 đôi chiếu, trừ chi phí đi, gia đình anh cũng thu về trên dưới 1 triệu đồng/ngày. Vì thế mà Tết đến, xuân về tại đây trở nên vui và ấm cúng hơn khi gia đình nào cũng có thêm nguồn thu nhập từ chiếu…”.

Và mùa xuân đến với làng chài

Để tìm hiểu về nghề đánh bắt cá, chúng tôi tới khu Hòn Rớ, thuộc xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, đây cũng là khu vực mà dân cư theo nghề đánh bắt cá rất đông. Ông Nguyễn Thanh Hào, người dân địa phương cho biết: “Khu vực Hòn Rớ hiện nay có khoảng 300 hộ dân theo nghề đánh bắt cá, trước đây chưa có điều kiện, người dân chỉ có những chiếc thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Nhưng những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều gia đình đã giàu lên nhờ nghề đánh bắt cá. Nhiều người đã sắm được thuyền, tàu bè lớn, hệ thống máy móc hiện đại, ra khơi xa đánh bắt cá. Hiện tại, gia đình tôi có 7 chiếc tàu lớn chuyên đi đánh bắt ngoài khơi, có lúc ra tới tận quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa”.

Còn ông Nguyễn Văn Phương, một ngư dân đánh bắt cá chuyên nghiệp hồ hởi nói: “Cứ dịp gần Tết, là những người dân làm nghề đánh bắt cá lại thêm niềm vui, bởi khi đó thời tiết ấm áp, biển cũng hiền hòa rất thuận lợi cho những chuyến tàu ra khơi đánh bắt. Chúng tôi thường nói vui với nhau rằng mùa Xuân là “mùa no ấm”, “mùa hạnh phúc” của nghề đánh bắt cá”.   

Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh  Khánh Hòa cho biết: “Tại địa phương hiện nay có đến hàng chục nghề truyền thống, trong đó đáng chú ý là nghề đúc đồng ở Diên Thủy, chiếu cói ở Mỹ Trạch, Vĩnh Thái, Nghề mây tre đan ở Cam Lâm, Vạn Ninh, Ninh Hòa. Trong đó đã có sản phẩm nghề truyền thống xuất khẩu ra thị trường các nước như: Thảm chiếu, thảm chà chân bằng xơ dừa, các tấm lót cho xơ dừa phục vụ khách sạn. Trong thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã khuyến khích đầu tư các làng nghề, đặc biệt là phát triển nghề truyền thống, giảm thuế doanh thu cho các làng nghề. Khuyến khích phát triển các nghề mới, đầu tư công phu như nghề đánh bắt cá biển, phát triển nghề biển, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động”

                                                                              Theo : baobaovephapluat.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.669.655
Tổng truy cập: