LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Đến Nam Định xem rối nước làng Rạch ngày Xuân
(Ngày đăng: 05/02/2015   Lượt xem: 445)
Làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định nằm bên bờ sông Châu Thành thơ mộng còn lưu giữ được khá nhiều dáng vẻ của làng quê cổ kính. Ba bề bốn bên là lũy tre xanh ngả bóng xuống ao chuôm, mương máng. Đường làng lát gạch thất từ thời xưa, nay vẫn đỏ au, sạch bóng sau mỗi trận mưa. Theo thần phả ở đình làng thì rối nước nơi đây có từ năm 1936, do cụ tổ lập ra ấp ông Tô, nay là làng Rạch truyền bá.

Nét đặc thù của rối nước là sân khấu thủy đình (xây dưới nước), kiến trúc kiểu đình làng. Nhân dân làng Rạch xây sân khấu rối nước trên một hồ rộng chừng hơn một sào ở giữa làng. Cột, sà, cầu phong li-tô đều bằng gỗ lim đen bóng, tám mái lợp ngói nam rêu phong cổ kính. Tám mũi đao thuỷ đình đắp hình rồng đang phun nước, ngụ ý nước trời tắm mát cho tâm hồn các nghệ nhân múa rối nước và làm cho nước trong hồ không bao giờ vơi cạn. Quân rối và nội dung các trò diễn luôn gắn bó mật thiết với nhau. Nghệ nhân làng Rạch chủ yếu là các cụ cao niên, dùng lõi gỗ mít hoặc vàng tâm để đục đẽo, gọt rũa thành những quân rối sinh động. Trang phục của quân rối dựa vào tích trò biểu diễn tạo sự hấp dẫn độc đáo. Ai đã xem tích trò Trưng Trắc hẳn không quên vị nữ tướng này xuất hiện trên sân khấu thuỷ đình với bộ trang phục áo đỏ, quần đỏ. Trưng Nhị vận đồ xanh, Thi Sách mang trang phục màu xanh có in đồng tiền. Nhìn trang phục, khán giả nhận biết Trưng Trắc là tướng, Trưng Nhị biểu hiện sức sống trẻ trung, Thi Sách biểu tượng cho nho sĩ Bắc Hà. Hay như tiết mục Xay thóc giã gạo, nhân vật đàn ông ăn vận quần áo màu nâu, đàn bà mặc váy đen, áo màu lá cây…
 

 

Góp phần thành công của rối nước phải kể đến lời hát rối. Tùy theo từng trò diễn, các nghệ nhân sáng tác ra lời hát. Thí dụ, nhân vật Thi Sách xuất hiện trên sân khấu rối nước bằng đôi lời phi lộ: Bản huyện quan chính danh Thi Sách/ Trải bao năm dưới ách bọn tham tàn/ Nhân dân ta rên xiết lầm than, chịụ biết bao cực khổ/ Nay ta quyết ra tay bóp ngang miệng hổ/ Để bảo toàn lãnh thổ với muôn dân… Cùng với lời hát, nhạc rối nước đóng vai trò quan trọng và hấp dẫn cho các buổi trình diễn. Cây sáo trúc, chiếc đàn tranh, hồ, nhị và bộ gõ âm nhạc trống phách, thanh la… đã quán xuyến về âm nhạc từ đầu đến cuối buổi diễn.

 

Xem tích trò “Hưng Đạo Vương” thì nhạc lại rất mạnh mẽ và rộn rã, hùng hồn. Nhạc đệm cho tiếng vó ngựa, làm nền cho tiếng hò vang, tiếng trống thúc giục đoàn quân ra trận. Hưng Đạo Vương xuất hiện với lời: Minh minh thánh đế… Nghe lệnh ta truyền… ngay sau đó là trống phách, thanh la khua vang dạo cho câu nói tiếp theo: Mang cọc ra đóng giữa dòng Bạch Đằng giang (nhạc tiếp theo). Biểu diễn tích trò quân dân Nam Trực đánh giặc ở cầu Gai, xã Nam Lợi, năm 1953, lời hát rối tái hiện lại các địa danh lịch sử: Tháng năm dù có xa xôi/ Vẫn còn nhớ mãi cái thời đánh Tây/ Sông Ngọc có xóm chân Mây/ Cuối sông đầu bến, ngày ngày trôi qua/ Xóm Chân Mây, có mấy nhà/ Có cô du kích tên là Vũ Quyên…

 

Ngày xuân đoàn rối làng Rạch hay trình diễn tích trò “Quần long vũ hội” gồm bốn con rồng màu sắc sặc sỡ, vượt lên mặt nước, lượn vòng quanh hồ, phun nước lên xung quanh rồi chụm vào giữa múa lượn vô cùng uyển chuyển; trước khi rời sân khấu chúng ngước đầu chào khán giả. Tiết mục Rắn bắt chuột được nhiều khán giả hâm mộ, mở màn là trên cánh đồng lúa hai vợ chồng nông dân tay liềm, tay cuốc đi thăm đồng, thấy chuột lớn chuột bé, chuột mẹ chuột con đang cắn từng nhánh lúa, họ hốt hoảng kêu: Bà con ơi! Chuột! Chuột! Chuột cắn hết lúa của chúng ta rồi!. Khi trên sân khấu nước xuất hiện một đàn rắn. Rắn cạp nong khúc trắng khúc đen. Rắn hổ mang cổ bạnh to bè. Rắn săn chuột vẩy vàng óng. Rắn ráo vẩy xám đen… Loài rắn tập trung chạy qua hai người nông dân làm họ hoảng sợ kêu lên: Rắn! Rắn bà con ơi rắn!. Trong buồng rối tức thì vang lên lời người dẫn trò: Rắn ra để bắt chuột đấy, đừng sợ!. Họ hàng nhà rắn luồn lách qua khe lúa đuổi bắt chuột. Lũ chuột hoảng sợ kêu chí chóe một hồi rồi biến mất. Người xem vỗ tay hoan hô, vui mừng khôn xiết cùng vợ chồng bác nông dân.

 

Đóng góp vào thành công, các nghệ sĩ điều khiển con rối khắc phục vô vàn khó khăn, họ ngâm mình hàng giờ dưới nước luyện tập và biểu diễn. Ngày xưa, mùa đông chưa có quần áo ni-lông (như bây giờ) họ phải uống nước muối chống lạnh, tay mềm mại điều khiển con rối khớp với giọng xướng, hoạ của các nghệ sĩ trong buồng rối. Nhạc, lời thoại và người điều khiển con rối dưới nước hòa quyện với nhau giúp không khi mùa Xuân thêm rộn rã…
                                                                   Theo : dulichvn.org.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.687.233
Tổng truy cập: