LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Thăm làng đá mỹ nghệ Non Nước
(Ngày đăng: 12/07/2012   Lượt xem: 738)

Ai đã từng đến với non nước miền Trung, đều dừng bước trước một làng đá mỹ nghệ với những tác phẩm tuyệt vời đầy tinh xảo. Những bức tượng trau chuốt, những món quà nhỏ nhắn, các con vật sinh động… thuộc những mô típ truyền thống và hiện đại đã theo chân khách du lịch đi khắp bốn phương trời. Làng nghề khắc đá tinh xảo ấy, chính là làng đá mỹ nghệ Non Nước thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Một tác phẩm nghệ thuật “tượng vũ nữ Chămpa” của nghệ nhân Lê Bền.

Tinh hoa làng đá

Theo một số nghệ nhân lớn tuổi trong làng thì làng nghề đã có truyền thống 300-400 tuổi. Một vài tấm bia hiện tại ở những ngôi chùa cổ trên đất Quảng Nam đã khẳng định điều đó. Hiện nay, ngay tại thắng cảnh Ngũ Hành Sơn nổi tiếng vẫn còn nhà thờ Thạch Nghệ tổ sư. Hàng năm, vào ngày mùng 6 tháng Giêng (Âm lịch), các hoạt động giỗ tổ làng nghề diễn ra khá quy mô tại làng này. Tương truyền, thời các vua nhà Nguyễn, một số thợ đá ở đây đã bị triệu tập về Huế để xây lăng tẩm theo chế độ công tượng. Sản phẩm đá mỹ nghệ của làng Quán Khoái, gồm tượng cổ Chămpa, tượng vũ nữ, bộ ấm chén trà... đã được đưa sang triển lãm ở Hội chợ thuộc địa tại thành phố Mác-xây (Pháp) năm 1922. Tác phẩm nghệ thuật bằng đá nơi đây đã có mặt ở nhiều nước Âu, Mỹ. Để làm nên những sản phẩm mỹ nghệ khá phong phú và đa dạng bằng đá cẩm thạch như: Tượng Phật, tượng thánh, tượng người, tượng muông thú, vòng đá đeo tay..., người thợ thủ công phải trải qua nhiều công đoạn chạm trổ công phu, tỉ mỉ. Nguyên liệu để làm nên các sản phẩm này là đá cẩm thạch, trước đây được khai thác ở núi Ngũ Hành Sơn. Đá núi Ngũ Hành Sơn có nhiều vân ngũ sắc, mang vẻ đẹp cao sang, là mặt hàng được ưa chuộng trong xây dựng và kiến trúc. Nhưng hiện nay, do nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao, các cơ sở điêu khắc đá phải nhập khẩu nhiều loại đá có chất lượng cao của nhiều nước như Ấn Độ, Mi-an-ma, các nước Trung Đông về để chế tác theo yêu cầu của khách hàng.

Đến với làng đá, du khách không khỏi thán phục trước các tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ đá, mỗi tác phẩm đều thể hiện nét tài hoa, điêu luyện và tinh tế của các nghệ nhân. Tác phẩm thường có đủ loại hình thù của vạn vật, đặc sắc nhất là tượng các vị phật, vị thánh, chúa, thần vệ nữ, các con vật như kỳ lân, rồng, sư tử và các đồ lưu niệm, trang sức bằng đá...

Chủ nhân của “Viện Bảo tàng Chămpa”

Đến làng đá mỹ nghệ Non Nước, hỏi về người chuyên sáng tác những tác phẩm mô phỏng tượng Chămpa cổ, ai cũng biết và kính trọng, ngưỡng mộ cụ Lê Bền, có 65 năm trong nghề tạc tượng Chămpa. Nghệ nhân Lê Bền năm nay đã 80 tuổi, nhưng vẫn còn say nghề lắm. Cơ sở sản xuất và trưng bày tượng Chămpa của gia đình cụ là một không gian rộng 200m2, trưng bày hàng trăm pho tượng Chămpa với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Đây là thế giới thần linh kỳ bí với tượng thần Indar, thần Siva, tượng vũ nữ, bò Nadin, chim thần Garuda... Đúng là một “Viện bảo tàng Chămpa” thu nhỏ. Cụ Lê Bền bày tỏ: “Gia đình tôi đã có 4 đời làm nghề tạc tượng. Tôi làm nghề không phải để kinh doanh mà để thỏa mãn thú đam mê tượng Chămpa và mong muốn lưu giữ, quảng bá nét văn hóa truyền thống Chămpa đến với mọi người”. Từ khi làm nghề đến nay, cụ Lê Bền không nhớ nổi mình đã tạc được bao nhiêu bức tượng. Chỉ biết rằng, nó đều được trao, bán cho những chủ nhân am hiểu và muốn lưu giữ lại chút tinh hoa của một nền văn hóa độc đáo đã ít nhiều phôi pha với thời gian.

 Các nghệ nhân làng đá cho biết: “Điêu khắc tượng Chămpa phải dùng sa thạch ở Quảng Nam mới toát lên vẻ đẹp của tượng. Tuy nhiên, để tạo nên cái hồn, cái thần thái của tượng lại phải do chính bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người nghệ nhân tạo hình”. Có lẽ, ít ai biết rằng, ngay từ khi còn trẻ, để tâm hồn “thẩm thấu” hết cái đẹp của các pho tượng cổ Chămpa, cụ Lê Bền thường đến Khu di tích Mỹ Sơn, một vùng quê yên ả, thanh bình với ngọn núi Chúa cao vời vợi, in bóng xa tít tắp tận chân trời, chỉ để ngắm nhìn những tháp Hời đã nhuốm màu rêu phong, những vũ nữ uyển chuyển trong điệu múa Apsara... Tất cả đã in sâu vào ký ức, trở thành những ấn tượng khó phai, để hôm nay, người nghệ nhân ấy làm nên những tác phẩm tuyệt mỹ.

Hiện nay, làng đá mỹ nghệ Non Nước có khoảng hơn 300 cơ sở sản xuất với hàng nghìn nhân công làm việc bận rộn suốt ngày đêm. Các cơ sở này nằm sát ngay danh thắng Ngũ Hành Sơn, rất thuận tiện cho việc trưng bày, mua bán sản phẩm, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch miền đất Quảng đến với công chúng và bạn bè quốc tế.\

Theo bienphong

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.675.945
Tổng truy cập: