LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Mua được ô tô từ nghề làm bánh chưng
(Ngày đăng: 29/01/2015   Lượt xem: 403)
Người dân làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội có đến hơn 90% mưu sinh bằng nghề làm bánh chưng. Nhờ những chiếc bánh này mà cuộc sống nghèo khó của họ đã dần trở thành dĩ vãng… 20 hộ trong tổng số 200 hộ mua được ô tô làm phương tiện đi lại. 
Sống lại làng nghề
Không ai còn nhớ nghề làm bánh chưng ở Tranh Khúc có từ khi nào, chỉ nhớ từ hồi họ còn nhỏ đã thấy các bà, các mẹ làm bánh đi bán rồi. Như theo lời cụ Nguyễn Thị Mỹ, năm nay đã 86 tuổi, từ hồi cụ còn 6, 7 tuổi đã bắt đầu giúp gia đình làm bánh. 
Như lời cụ Mỹ thì có lẽ làng nghề làm bánh chưng Tranh Khúc cũng đã có ít nhất hơn một trăm năm. “Ngày ấy mọi người cũng làm bánh đem bán như bây giờ, nhưng khác ở chỗ là đi bán bánh bằng gánh hàng rong. Với lại người làm còn thưa thớt, không đăng kí thuế môn bài nên cứ hễ thấy bóng mấy ông quản lý thị trường là các bà, các chị lại vội vàng gánh hàng chạy. Nhớ lại ngày ấy sao mà vừa cực, vừa buồn cười” - cụ Mỹ bồi hồi nhớ lại.
Những ngày đó cuộc sống còn khó khăn, người dân nghĩ đến cách mưu sinh từ nghề làm bánh chưng cũng chỉ với mong muốn trang trải được cuộc sống hàng ngày, có ai ngờ là làm giàu được từ nghề này. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu hàng quà ăn vặt, quà biếu hoặc mua về làm đồ cúng lễ, ngày tết ngày càng gia tăng khiến nghề làm bánh chưng càng được ưa chuộng. Tranh Khúc cũng vì thế mà từ vài hộ làm bánh thưa thớt đã nhân dần lên với số lượng gấp ba, gấp bốn, cuối cùng là gần như cả làng chọn mưu sinh từ nghề làm bánh.
Ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà cho biết, làng nghề Tranh Khúc có đến hơn 90% số người dân mưu sinh bằng nghề làm bánh chưng, cụ thể là 985 lao động. Với quy mô ấy, mỗi gia đình đều có từ 2 – 3 lao động tay nghề cao, thời điểm sản xuất cuối năm còn phải thuê thêm từ 10 – 20 lao động. 
Hơn 90% người dân làng Tranh Khúc mưu sinh bằng nghề làm bánh chưng 
Với sự phát triển mạnh mẽ của nghề làm bánh, thu nhập trung bình đạt gần 3 triệu/người/tháng mà đời sống kinh tế của người dân ở làng nghề được nâng cao. Có đến 70% người dân được sống trong nhà cao tầng khang trang, 20 hộ trong tổng số 200 hộ mua được ô tô làm phương tiện đi lại. 
Vì lẽ đó mà nghề làm bánh chưng ở Tranh Khúc đã phát triển và lan dần sang các thôn khác như thôn Văn Uyên và xóm Mới. Cũng nhờ vậy mà tỉ lệ hộ nghèo của Tranh Khúc trong vài năm trở lại đây đã giảm một cách đáng kể. Tranh Khúc trở thành bộ mặt của cả xã. Nhắc đến xã Duyên Hà là người ta lại nhớ đến bánh chưng Tranh Khúc.
Quyết tâm giữ nghề truyền thống
Bánh chưng là loại bánh cổ truyền của dân tộc Việt Nam nên hầu như người dân nào cũng đã từng được nếm qua mùi vị hoặc biết cách làm. Vì vậy, để người dân mua và nhớ được mùi vị và hình ảnh của bánh chưng làng Tranh Khúc là cả một nỗ lực không hề nhỏ. Tất cả mọi khâu từ việc chọn lá bánh, chọn gạo, chọn nhân thịt, nhân đỗ đều được mọi người rất chú ý. Kế đó là khâu gói bánh, luộc bánh, ép bánh… Những kinh nghiệm được đúc rút qua hàng trăm năm đã giúp cho bánh làng Tranh Khúc đứng vững được trong lòng khách hàng bấy nhiêu năm. 
Để thu hút khách hàng, bánh chưng làng Tranh Khúc cũng không ngừng nỗ lực làm mới mình bằng cách cho ra đời những loại bánh chưng mới bên cạnh loại bánh chưng thường thấy, như bánh chưng gấc đỏ tươi, bánh chưng tím làm từ nếp cẩm… 
Soạn lá dong để gói bánh 
Quan trọng nhất, như lời của bà Lý Thị Thiệp - Trưởng thôn Tranh Khúc thì: “Bánh không phải chỉ làm ngon, hình thức đẹp mắt mà chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phải đảm bảo. Điều tự hào nhất của bánh làng Tranh Khúc là trong bấy nhiêu năm, chưa một lần nào bánh làng gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng”. Sản phẩm làm ra còn được xuất ngoại.
Nhắc đến việc có lo sợ nghề truyền thống bị mai một, bà Thiệp lắc đầu cho biết, vì nhu cầu sử dụng, bánh chưng trong đời sống người dân Việt Nam sẽ chẳng khi nào bị mất đi. Mà khi còn khách hàng thì còn nghề, không lo bị mai một.
Hơn nữa, làng nghề bánh chưng đang trên đà phát triển mạnh nên nhiều trai tráng trong làng đã quyết định lấy nghề truyền thống để lập nghiệp. Càng thuận lợi hơn nữa khi từ năm 2011, Tranh Khúc đã được công nhận là “Làng nghề truyền thống Hà Nội”, được đăng kí thương hiệu, có logo, mã số, mã vạch, được đầu tư máy đóng hút chân không… tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình gìn giữ và phát triển làng nghề. Những ưu thế này cùng với nhu cầu lớn của thị trường thì chẳng mấy chốc, làng nghề Tranh Khúc sẽ được mệnh danh là “làng tỉ phú”.
                                                                       Theo : baophapluat.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.687.681
Tổng truy cập: