LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng đồng thắm một nét thơ
(Ngày đăng: 29/01/2015   Lượt xem: 328)
Làng Đại Bái (còn có tên là Bưởi Nồi) thuộc huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) nổi tiếng nghề đúc đồng. Từ xa xưa, bà con ở đây đã lấy đất sét xây lò đúc, lấy bùn ao nhào với tro trấu làm dụng cụ luyện đồng, lấy đồng pha trộn với kẽm làm đồng thau và sáng chế ra thuốc hàn đồng; từ đó sản xuất các đồ dùng bằng đồng như: Ấm, mâm, chậu, thau... Dần dần, với tài hoa và sáng tạo, người Đại Bái đã làm ra những sản phẩm chạm khắc mỹ nghệ, đồ thờ tự, trang trí bằng đồng mạ vàng bạc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Làng nghề Đại Bái đứng vững trong kinh tế thị trường, sản phẩm ngày càng đa dạng phong phú. Người Đại Bái yêu người bao nhiêu lại càng yêu nghề bấy nhiêu. Từ trong môi trường ấy đã có một nét thơ góp phần làm cho sắc thái sản phẩm nghề đồng Đại Bái thêm phong phú-nét thơ Xuân Thật.
Ông Xuân Thật (thứ hai từ phải sang) cùng các bạn yêu thơ ở Đại Bái.

Cựu chiến binh Xuân Thật tuổi Bính Tuất-1946. Tóc trắng rồi, ông điển hình về “Lòng yêu như lửa đỏ/ Mà bên ngoài vẫn trắng như không”. Sự ấy bắt nguồn từ lòng yêu quê hương tha thiết. 17 tuổi, Xuân Thật nói “Chuyện tương lai” giữa đồng quê xanh thắm: Em ơi, bao giờ chúng ta chung sống?/ Hẹn khi… nặng hạt trĩu bông/ Có nghĩa là mồ hôi ta còn đổ xuống ruộng đồng/ Và trên ngực anh chiếc huy hiệu Đoàn lấp lánh/ Anh nắm tay em/ Bàn tay vương bùn lạnh/ Nóng dần lên…".  Xuân Thật nhập ngũ mang tình quê đi đánh giặc: “Anh đi, anh nhé!”/ Tiếng em ngọt ngào/ Sông-vượt. Núi-xẻ/ Vực sâu. Đèo cao/ Trên đường đánh Mỹ/ Lòng vui dạt dào… Hình tượng thơ hứa hẹn một thế hệ thanh xuân đầy sức sống của làng quê Đại Bái thân yêu-một làng quê bên bờ sông Đuống vừa giỏi canh nông, vừa khéo đúc đồng.

Xuân Thật ca vui về làng nghề do tổ tiên truyền lại. Ông trân trọng “Kính tặng những người bà, người mẹ và chị em phụ nữ thôn Bưởi Nồi” những cảm xúc chân thực: Mẹ rằng: Con gái Bưởi Nồi/ Nghề đã định rồi, chịu khó nghe con!/ Học đánh: dát mặt, dát tròn/ Khoanh, gò, nọng(*), chữa niêu con, nồi mười…/ Chợ phiên hàng đẹp như người/ Nồi khoe sắc đỏ, mâm ngời ánh thau/ Sắc hàng soi tỏ lòng nhau/ Khách đi, còn ước phiên sau lại về...".

Xuân Thật tự hào về làng quê. “Gửi người sông Hồng”, ông viết: Người ở sông Hồng có biết không/ Lụa Ngăm, quạt Gủ nét tươi hồng/ Làng nghề Đại Bái đi muôn nẻo/ Này chậu, kìa mâm, nọ đỉnh đồng/ Người ở sông Hồng có mến quê?/ Cùng ta xuôi chốn đó thăm nghề/ Trời xui “bén rễ xanh cây” nhỉ?/ Chắc hẳn nàng không tính chuyện về"!

Vui với tình quê, Xuân Thật cũng đau với cái đau của làng quê. Sang thăm thi hữu ở một tỉnh bạn, gặp dòng sông bị “trói” thành cái ao đầy những lục bình hoang dại, Xuân Thật đã khóc: Còn đâu giọng nói, tiếng cười/ Gái làng gánh nước vừa tươi vừa giòn?/ Cái cò khóc nỉ khóc non/ Không nơi kiếm gạo nuôi con, nuôi chồng/ Tôi ngồi khóc một dòng sông/ Dòng sông đang chết bởi không tình người". Và hãy nghe tâm sự của Xuân Thật trước những chiều quê: "Lặng im. Xin hãy lặng im/ Nghe hương đất thở, nghe chim gọi bầy/ Nghe sương tan dưới gót giày/ Nghe hoàng hôn xuống đợi ngày mai lên"...

Trong tình yêu chung ấy, Xuân Thật cũng hãnh diện về gia đình nhỏ của mình đã tồn tại và phát triển cùng làng nghề. Nay để lại nghề cho con cháu, ông bà sống khỏe, sống vui, giàu cảm xúc. “Tặng N thân thương” là món quà mà bất cứ một người vợ nào ở trong hoàn cảnh tương tự cũng mong muốn: "Tuổi xanh răng trắng má hồng/ Đã trôi cùng gánh hàng đồng ngược xuôi/ Ven sông, góc chợ, lưng đồi/ Nương tình nghề để đắp bồi tình yêu/ Tuổi già bóng ngả xiêu xiêu/ Vẫn lo che chắn mọi chiều bão giông/ Vẫn thanh dáng chị hàng đồng/ Giữ xanh tươi “lá diêu bông” thuở nào/ Nghẹn ngào trân trọng tôi trao/ Dìu nhau đi giữa xôn xao đất trời"...

Bà con Đại Bái “phong” cho Xuân Thật danh hiệu “Nhà thơ của làng” là để tỏ lòng yêu mến ông, và cũng muốn thổ lộ cái ý: Làng đồng thắm một nét thơ…

                                                                    Theo : qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.687.730
Tổng truy cập: