LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Canh Hoạch giàu lên từ nghề làm lồng chim
(Ngày đăng: 12/07/2012   Lượt xem: 910)



Với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng, nghề làm lồng chim truyền thống đã và đang giúp người dân thôn Canh Hoạch (xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vươn lên làm giàu.

 Giữa cái nắng oi ả của tháng 6, tôi tìm về thôn Canh Hoạch, nơi được mệnh danh là làng nghề làm lồng chim lớn nhất miền Bắc và không khỏi bất ngờ về sự sôi động nơi đây. Dọc con đường chính đi vào làng, người dân hối hả chuyển hàng ra đường quốc lộ để đóng xe cho kịp thời gian. Và đúng như lời chia sẻ của ông Hoàng Đình Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Dân Hoà, “ở Canh Hoạch, người người làm nghề, nhà nhà làm nghề” khi có đến hơn 80% số hộ gia đình trong thôn tham gia sản suất lồng chim.

Một điều khá thú vị là nghề làm lồng chim tiếng là nghề truyền thống của làng nhưng lại có xuất phát điểm từ nghề làm quạt, xuất hiện ở Canh Hoạch được khoảng 100 năm nay và cũng đã trải qua nhiều thăng trầm. Trong ký ức của nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ, người đã có hơn 30 năm làm nghề, thì cách đây khoảng 15 năm số người làm nghề ở Canh Hoạch chỉ đếm được trên đầu ngón tay và mỗi lồng chim làm ra chỉ có giá từ 1-2 đồng. Thế nhưng, ngày nay, giá lồng chim của Canh Hoạch rất vô cùng, loại từ 100-300 nghìn đồng cũng có, loại từ 1 đến vài triệu đồng cũng có, cá biệt có những lồng chim giá lên tới 15-20 triệu đồng, đó là những loại lồng mà người chơi chim trên khắp cả nước cầu kỳ về làng đặt hàng.
Lồng chim có nhiều loại như vậy nhưng tựu chung được quy vào 2 loại chính là hàng chợ và hàng kỹ. Hàng chợ là những loại lồng chim được người thợ Canh Hoạch sản xuất đại trà, kỹ thuật và chất lượng ở mức trung bình. Còn hàng kỹ là hàng được đặt, kỹ thuật sản xuất đòi hỏi ở mức cao không phải ai cũng làm được và nguyên liệu làm lồng phải là tre, trúc già có tuổi từ 4-5 năm. Nhưng dù là hàng chợ hay hàng đặt thì với đặc trưng sang, bền, đẹp, sản phẩm lồng chim của Canh Hoạch luôn cung không kịp cầu.
Chia sẻ về điều này, ông Hoàng Đình Thuỷ cho biết: Sản phẩm lồng chim của Canh Hoạch hiện nổi danh khắp cả nước, có những người chơi chim từ tận Sài Gòn lặn lội tìm về Canh Hoạch đặt hàng, do đó sản phẩm của làng nghề bán rất chạy, sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Thu nhập của người dân làng nghề nhờ vậy cũng rất khá, trung bình từ 8-10 triệu đồng/người/tháng, đó là chưa kể một số hộ gia đình chuyên làm hàng đặt như gia đình anh Nguyễn Thanh Sứ, gia đình ông Trần Văn Bồng thì mức thu nhập từ 12-15 triệu đồng/người/tháng là rất bình thường.
Đặc biệt, với sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu của thị trường và sức sáng tạo cải tiến sản phẩm không ngừng nghỉ, người dân Canh Hoạch đã xuất khẩu không ít sản phẩm sang thị trường Pháp, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc… Điển hình như gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ, là truyền nhân trực tiếp của cụ Ba Mi - người đầu tiên có công đưa nghề về làng. Với bàn tay khéo léo, nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ đã tạo ra những sản phẩm “để đời”. Ông có thể làm ra những chiếc lồng chim mà không cần dùng tới keo để cố định mà độ bền lên tới 10-15 năm.
Nhưng điều đáng nói, chính ông là người đầu tiên ở Canh Hoạch dùng nguyên liệu làm lồng chim để tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác như đèn lồng, cặp lồng, ấm ủ, khay, đĩa… Và cùng với lồng chim, những sản phẩm này đã được gia đình ông xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay, ở Canh Hoạch cũng đã có một số hộ gia đình như gia đình anh Trần Văn Tươi, chị Nguyễn Thị Lan… làm hàng xuất khẩu và nhận được phản hồi rất tốt từ khách hàng.
Không chỉ xuất khẩu được sản phẩm, làng nghề làm lồng chim Canh Hoạch còn thu hút được khá đông khách du lịch nước ngoài. Tôi may mắn được chứng kiến một đoàn khách du lịch người Pháp thích thú theo dõi nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ khoan lỗ vanh bằng chiếc khoan cổ của cụ Ba Mi để lại, có lẽ mô hình làng nghề - làng du lịch sẽ là tương lai không xa của Canh Hoạch./.
Theo tinviet
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.663.072
Tổng truy cập: