LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Về An Bình chơi thả diều
(Ngày đăng: 04/07/2012   Lượt xem: 898)
Không ai biết, diều đã trở thành thú chơi tao nhã của người An Bình (Thuận Thành) từ bao giờ, chỉ biết rằng, cứ vào mùa chơi (khi cơn gió Đông Nam bắt đầu thổi mạnh) thì trên bầu trời An Bình lại rực rỡ những cánh diều no gió đủ màu sắc, âm thanh.

 

Các nghệ nhân kiểm tra diều trước khi thả

 

 

Ngay sau khi hòa bình lập lại cũng là lúc CLB Diều sáo An Bình ra đời. Đến nay đã gần 40 năm, CLB là nơi gặp gỡ, giao lưu và gắn bó biết bao thế hệ nghệ nhân, hội viên say mê thú vui thả diều. Ở An Bình, tất thảy người già, trẻ nhỏ, nhiều người yêu thích diều sáo và biết thả diều. Tuy nhiên, do điều kiện cuộc sống, người theo đuổi thú vui thả diều hầu hết là các bậc cao niên.

Có dịp gặp gỡ các nghệ nhân chơi diều của CLB mới thấy hết niềm đam mê của họ với trò chơi dân gian truyền thống. Nghệ nhân Trần Văn Mau, Chủ nhiệm CLB diều An Bình cho biết: Cánh diều gắn bó và lớn lên cùng tuổi thơ ông. Ngày bé, ông cùng các bạn cùng chăn trâu, cắt cỏ và làm những cánh diều nhỏ, buộc bằng dây gai. Qua nhiều năm chơi diều, ông Mau đã trở thành nghệ nhân làm và chơi diều sáo có tiếng. Những chiếc diều của ông vừa đẹp, bay cao, tiếng sáo thánh thót, êm tai. Nhiều chiếc diều trong số đó đã cùng các nghệ nhân tham dự hội thi, giao lưu khắp các tỉnh thành. Gắn bó với diều bao năm, ông đã “rinh” về cho mình một bộ sưu tập các giải thưởng từ những lần tham gia giao lưu thả diều: Huy chương Bạc hội thi thả diều dân tộc tại Festival Bắc Ninh 2010, tham dự Liên hoan nghệ thuật Diều Hà Nội tại quảng trường sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (tháng 10-2010) dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Mới đây, ông đạt giải Nhì diều đẹp tại Hội thi thả diều tỉnh Bắc Ninh 2012 nhân dịp kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh…

Trong CLB còn có rất nhiều nghệ nhân đều ở tuổi “cổ lai hy” như: Nguyễn Hữu Trại, Nguyễn Hữu An, Ngô Bá Phước, Nguyễn Xuân Lưu, Nguyễn Hữu Sao, Nguyễn Bá Năm… Tuy đều đã có tuổi nhưng ai cũng nhanh nhẹn, say sưa khi kể chuyện về diều. Mỗi khi thời tiết thuận, họ lại gặp nhau, đàm đạo và thả diều cho đỡ nhớ nghề. Chỉ cần nghe tiếng sáo vi vu là có thể biết đó là diều của ai… Cũng vì ham vui quên thời gian mà đã có bao kỷ niệm vui buồn đáng nhớ.

Diều sáo trông đơn giản như­ng phải khéo tay mới làm đ­ược. Thế mà ở An Bình, rất nhiều người biết làm. Theo các nghệ nhân, để làm được chiếc diều ưng ý cũng khá công phu, phải qua rất nhiều giai đoạn và mỗi nơi lại có bí quyết riêng. Phải chọn được tre già phơi khô để vót khung, dây lèo đóng chuẩn, tỷ lệ hợp lý. Trước đây, diều được dán bằng giấy bản, dùng nước quả cậy quết để tạo độ bóng, bền. Ngày nay, diều được làm bằng nhiều chất liệu như vải, ni lông nhiều màu và bền. Chiều cong của cánh diều phải thật cân đối, khung phải chắc chắn và nhẹ. Làm sáo còn kỳ công hơn. Đặc biệt là miệng sáo phải làm bằng lõi gỗ mít hoặc gỗ vàng tâm và khoét hoàn toàn thủ công. Từ những cánh diều rất đơn giản bằng giấy, qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân, những chiếc diều đa rạng sắc màu, kích cỡ với nhiều hình dáng như Rồng, Phượng, chim Công, hình 12 con giáp ra đời thỏa niềm đam mê và sở thích của các tay chơi mà vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có.

Làm được những chiếc diều sáo đẹp, kỹ thuật và tinh xảo đã khó, thả diều còn đòi hỏi kỹ năng thả điêu luyện. Có lẽ, ở Bắc Ninh không có nhiều địa phương tổ chức được hội thi thả diều đều đặn và thu hút được nhiều người tham dự như ở An Bình. Cứ mỗi năm đến dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), người dân An Bình lại náo nức chuẩn bị diều cho hội thi thả diều của xã. Ai có dịp tham dự cuộc thi thả diều tại An Bình đều khâm phục tài chơi diều điêu luyện của các nghệ nhân. Diều đạt giải phải là diều đẹp, chế tác tinh xảo, bay cao không bị chao đảo…

Về An Bình vào những buổi chiều hè khi có gió Đông Nam lồng lộng, trên bầu trời lại rợp những cánh diều đủ màu sắc, kích cỡ cùng bay cao trong gió với tiếng sáo vi vu. Có những khi gió đẹp, người thả diều lại không nỡ thu diều, để diều bay suốt đêm. Đêm thanh vắng, nghe tiếng sáo vi vu  làm cho tâm hồn thư thái, quên đi mệt nhọc của cuộc sống thường ngày. Nghe văng vẳng vẳng đâu đây câu ca cánh diều no gió:Vươn tới cao xanh khát vọng của đời/ Diều no gió gửi niềm vui về mặt đất/ Chỉ là giấy thôi mà trở thành ngọn nguồn hạnh phúc/ Khi diều bay tóc trắng cũng thành xanh…”


Minh Hường-Thu Huyền
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.650.378
Tổng truy cập: