LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Sống lại một dòng gốm “đã tắt”
(Ngày đăng: 04/07/2012   Lượt xem: 634)

Vùng đất cổ Luy Lâu nay thuộc xã Thiên Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã từng sản sinh ra một dòng gốm cổ mang tâm hồn của người Việt cổ. Nhưng do sự biến thiên của lịch sử và sự mai một của làng nghề mà gốm Luy Lâu đã biến mất trong bản đồ gốm Việt Nam. Tuy nhiên, có một người đã làm sống dậy một dòng gốm chỉ còn thấy trong sử sách.

Ông Nguyễn Đăng Vông say sưa với gốm

“Tôi không phải là nghệ nhân”…

Vào lò gốm của Nguyễn Đăng Vông, ngay từ cổng, nguời ta đã thấy được sự cực nhọc của nghề gốm, bùn đất bám cả lên tường, ngổn ngang là những sản phẩm dang dở. Trong không gian đầy bụi bặm ấy, ông Nguyễn Đăng Vông xuất hiện trước mắt chúng tôi có dáng dấp của một nghệ sĩ, tóc để dài, buộc gọn gàng đằng sau chạy qua chạy lại bên chiếc ngọc bình kích thước lớn để hướng dẫn cho con gái cách phun men trước khi đưa vào lò nung.

Tiếp chúng tôi trên một căn chòi được dựng ngay tại xưởng gốm, nhấp một ngụm nước chè xanh man mát từ chiếc chén được nhà làm ra, ông từ tốn nói: “Tôi không phải là nghệ nhân làng nghề mà chỉ là nghệ sĩ thôi. Gia đình không có ai theo nghề gốm, chỉ là tôi thấy thích và yêu những cổ vật của cha ông nên mày mò làm”.

Cái khó của ông khi quyết tâm đi theo nghề thử lửa, thử vàng chính là không còn ai để chỉ bảo về kỹ thuật làm gốm. Nguồn duy nhất có thể tìm ra cách làm của người xưa là căn cứ vào những hiện vật được tìm thấy khi khai quật thành Luy Lâu từ năm 1971. Như thế là quá sức đối với một người chưa hề có khái niệm nào về gốm như ông.

Ông tìm về các lò gốm cổ ở Bát Tràng, Phù Lãng và bất cứ đâu có nghề làm gốm ông đều tìm đến học nghề. Đây là khoảng thời gian dài nhưng lại có ý nghĩa vô cùng đối với việc khôi phục dòng gốm cổ Luy Lâu, nhờ nó mà ông hiểu được các công đoạn của việc làm gốm để từ đó đọc được những ẩn số của quá khứ. Khi hiểu được tất cả các loại gốm khác nhau thì mới hiểu được hết cái hay của gốm Luy Lâu, và sẽ tìm ra cách làm gốm đã mất.

Gốm cổ Luy Lâu

Cầu kỳ đến từng chi tiết

Ông Đăng Vông xoay xoay chiếc bình trên tay chỉ cho chúng tôi: “Chiếc bình này trông thế thôi nhưng có niên đại cách đây 2.000 năm rồi đấy, những hoa văn này không phải người xưa vẽ đâu mà họ dùng tấm vải bằng dứa in trực tiếp lên sản phẩm đó.

Có chiếc bình thì hoa văn nhỏ, chiếc thì hoa văn to nhưng đều là độc bản. Những chiếc bình này khó vỡ hơn các dòng gốm khác là bởi nó rất xốp. Mà xốp là do người xưa trong khâu làm đất, đã đem phơi để những hóa chất trong đất được giải phóng, chứ nếu đất mới mà đem vào nung ngay thì ở nhiệt độ cao rất dễ nứt vỡ”.

Ông kể rằng: Gốm Luy Lâu ra đời cách đây 2.000 năm và dòng gốm này được sinh ra chỉ để phục vụ cho tầng lớp quý tộc. Vì thế mà gốm Luy Lâu rất cầu kỳ trong từng chi tiết, từng đường nét. Người thợ gốm không dùng bàn xoay mà hoàn toàn dùng tay để tạo nên phần xương gốm nên không có dị bản.

Mà vùng đất Bắc Ninh được phú cho một chất đất đặc biệt rất thích hợp để làm đồ gốm. Điều đặc biệt, gốm Luy Lâu không bao giờ có rêu mốc. Những chứng tích còn sót lại của thành Luy Lâu đã cho thấy điều này rất rõ nét.

Ông lấy ở trong tủ ra một chiếc bình gốm bị vỡ đã được gắn ghép một cách khéo léo và say sưa bình luận về độ khéo léo của đôi bàn tay người thợ năm xưa. Chiếc bình hơi méo một chút. Ông bảo như thế mới đẹp, vì đối với người thợ, làm cho tròn xoe như cái mẹt lại không phải là việc khó. Cái khó là tạo được sự phóng túng, thể hiện được tâm hồn khoáng đạt của người thợ qua từng sản phẩm.

Ngọc bình có 1.000 nhân vật văn hóa, 1.000 chữ ký

Rất hiểu về đặc điểm và đặc trưng riêng của gốm, nên khi phục hồi dòng gốm cổ này, ông Nguyễn Đăng Vông cũng muốn phát triển theo hướng giữ nguyên nét cổ vốn có. Ông cho rằng  trong thời buổi cơ chế thị trường cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, việc giữ nguyên được bản sắc gốm cũng cần có bản lĩnh, nhất là gốm Luy Lâu có nhiều đơn đặt hàng nhưng ông vẫn chỉ làm gốm để phục vụ cho nhu cầu chơi gốm là phần nhiều.

Khi Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long, những người thợ gốm thành Luy Lâu cũng được tập họp về đất kinh kỳ, vì thế, văn hóa của Thăng Long có ghi dấu ấn của văn hóa Luy Lâu. Trong ngày đại lễ Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm tuổi, cũng giống như bao nghệ nhân của làng nghề trên đất nước, ông Nguyễn Đăng Vông sẽ làm một ngọc bình có kích thước rất lớn, giữ nguyên màu men có màu xanh lá ôliu và được đắp phù điêu nổi của 1.000 nhân vật văn hóa trong lịch sử, và có 1.000 chữ ký. Ông muốn trong hàng nghìn món quà được dâng tặng lên Hà Nội, sự xuất hiện của gốm Luy Lâu sẽ nhắc công chúng nhớ tới một dòng gốm cổ chứa đựng trong đó nét văn hóa bản địa của người Việt cổ.

Theo antd
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

30
Đang xem:
72.650.342
Tổng truy cập: