LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Người gìn giữ thương hiệu tơ tằm Việt
(Ngày đăng: 28/10/2014   Lượt xem: 330)
Bà Ngừng vẫn quyết tâm giữ nghề dệt.
Hơn nửa đời người ươm tơ, dệt lụa, trải qua bao thăng trầm, bà Nguyễn Thị Ngừng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) vẫn sống trọn với nghề. Âm thầm, bà giữ ngọn lửa nghề truyền thống cha ông trước nguy cơ thất truyền.

Giữ nghề cho dân làng

“Thật khó nếu như anh cứ muốn hỏi về làng dệt Đình Cả, nghề dệt chúng tôi đã không còn từ lâu rồi. May ra cả làng ấy chỉ còn hộ bà Ngừng làm nghề”, ông Nguyễn Hoàng Cúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nội Duệ, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy về sự mai một của làng nghề.

Theo lời ông Cúc, chúng tôi tìm về làng Đình Cả, với mong mỏi gặp hộ cuối cùng làm nghề. Đó là bà Nguyễn Thị Ngừng, 55 tuổi. Trong gian nhà nhỏ, lẫn tiếng thoi đưa lách cách, tiếng máy rào rào, chúng tôi cứ ngỡ đang bước vào một công trường tơ lụa thu nhỏ. Ở chính giữa gian phòng, bà Ngừng cùng thợ thuyền miệt mài, chắt chiu gỡ từng sợi tơ đang quay tròn trên giá.

Bà Ngừng tâm sự: Thế hệ bà khi mới sinh ra đã được cha mẹ dạy cách phân biệt sợi tơ, sợi mành, sợi mốt, lớn lên thì được dạy cách xe tơ, kéo sợi. Ký ức của bà là những cánh đồng dâu xanh mướt ngút ngàn, là những đêm trăng sáng, nam nữ thanh niên cả làng ngồi dưới sân để kéo sợi.

Bà Ngừng cho hay, ngày đó dâu tằm là cây chủ lực, có giá trị cao nhất của vùng đất Kinh Bắc ven sông Cầu. Người dân quê bà có thể bỏ trồng lúa chứ không thể bỏ cây dâu tằm.

Bước sang thời cơ chế thị trường, mạnh ai nhà đó làm. Từ việc đang làm khoán sang tự lập, nhiều hộ dân vướng mắc, không có đầu ra. May mắn, lúc bấy giờ, chồng bà - ông Nguyễn Ngọc Hường - đang làm cho Công ty Dâu tằm Bắc Ninh. Thấy bà con quê mình nông nhàn mà không có việc làm, bà đã mạnh dạn nhận tơ về gia công tại nhà. Mới đầu bà Ngừng nhận 100 kg tơ về phân phát cho 10 hộ dân trong làng, mỗi hộ năm kg. Các hộ dân quay tơ thành sợi, quấn từng ống gửi cho bà. Bà Ngừng phân loại sợi to, sợi mành, sợi mốt, cứ ba ống một xe lại với nhau thành một sợi lớn rồi đem trả cho công ty.

Chính ông bà cùng không ngờ được người dân Đình Cả lại ham nghề đến như thế. Từ chỗ 10 hộ nhận làm tơ, nhiều gia đình đã đến tận nơi xin bà Ngừng giao tơ để về làm, người thì hai kg, người thì năm kg... cứ cuối tháng lại mang ống tơ đến rồi lấy tiền công. Từ một vài hộ, chỉ ba tháng sau bà Ngừng đã lập được 12 đội quay tơ, với hơn 100 khung cửi, chủ yếu là người trong làng Đình Cả.

Nhớ lại ngày ấy, bà Ngừng tâm sự: “Vui sướng nhất là nhìn thấy bà con ai cũng có việc để làm, từ cụ già, nam thanh nữ tú, cho đến trẻ em cũng quay tơ. Đi đến nhà nào cũng nghe tiếng thoi đưa lóc cóc, tiếng máy quay rào rào. Phong trào lên cao khi dân làng Đình Cả tham gia hội thi dệt ở Hội Lim để chọn ra những người khéo tay và thúc đẩy giao thương sản xuất nghề dệt truyền thống. Vừa thi dệt vừa hát quan họ. Tôi mê quan họ cũng nhờ dệt lụa đấy thôi”.

Cái khó mới ló cái khôn

Đầu năm 2000, Công ty Dâu tằm Bắc Ninh làm ăn khó khăn. Công ty hết hàng, người làng Đình Cả cũng không còn tơ để làm nữa. Để duy trì nghề, bà Ngừng về các vùng trồng dâu ở Tam Giang (Bắc Ninh) để đặt họ ươm tơ, mỗi hộ phải đặt cọc 200 nghìn. Để tìm đầu ra, vợ chồng bà Ngừng lặn lội lên Hà Nội để tìm khách hàng nhưng không được là bao.

Một hôm, người cháu của bà ở bên Lào về bảo “Cháu giới thiệu cho cô một khách hàng lớn ở bên Lào”. Đêm hôm sau, ông bà tức tốc khăn gói bắt xe sang Lào để gặp vị khách hàng. Đó là một nữ doanh nhân ở Viêng Chăn muốn làm ăn lâu dài. Hai bên thỏa thuận một kg tơ giá 14 đô-la. Về nhà, bà Ngừng huy động người trong làng quay tơ cho kịp chuyến hàng. Chuyển tơ sang Lào một thời gian và lấy nửa số tiền là 65 triệu đồng, đến lúc đòi nốt số tiền còn lại thì được trả lời, người ta chỉ bán được với giá 7,5 đô-la. Bà Ngừng mất trắng hơn 60 triệu đồng, phải đến mấy năm sau, bà mới làm đủ tiền trả hết cho người dân trong làng. Bài học cay đắng ấy bà không bao giờ quên.

Thấy rằng để làm ra một ống tơ mất rất nhiều thời gian, bà Ngừng nghiên cứu cải tiến sang máy dệt gia công. Trước đây một máy chỉ đóng được 10 ống sợi thì nay là 24 ống, có thể đứng máy chứ không phải ngồi, trên mỗi máy bà thiết kế thêm hai tay vượn, có thể làm bất cứ nơi đâu vì không cần điện. Bà đã đầu tư được 50 máy gia công như vậy để gửi về các đội trong làng. Hiệu quả trông thấy, chỉ một tuần thôi nhiều gia đình đã đến giao tơ cho bà.

Những năm 2000, phong trào dệt lụa Đình Cả phát triển mạnh mẽ, nhiều gia đình đã tự lập đứng ra lập xưởng sản xuất. Có sản phẩm, người dân bắt đầu biết cạnh tranh tìm kiếm thị trường. Xã Nội Duệ đã thành lập hợp tác xã Tơ tằm. Lúc bấy giờ, tiếng về tơ lụa Huê Cầu vang xa, khách hàng khắp nơi về đặt hàng.

Để hội nhập xu thế thị trường, bà Ngừng mạnh dạn mở rộng nhà xưởng lên gần 200m2, đầu tư máy dệt công nghiệp chạy tự động, mỗi máy 200 triệu đồng. Bà thuê 40 nhân công về làm. Để nâng cao tay nghề cho thợ thuyền, biết ở Hải Dương có công ty tơ lụa của Triều Tiên, bà Ngừng về thuê 20 người thợ Triều Tiên về dạy nghề cho nhân công của bà. Dưới bàn tay và thị hiếu cầu tiến của bà Ngừng, lần đầu tiên ở làng dệt Đình Cả cho ra đời những sợi tơ nhẹ, nhiều vải, với giá thành rẻ điều mà những sản phẩm ngoại nhập từ Trung Quốc lúc bấy giờ không thể sánh được. Tơ lụa Đình Cả đã có mặt ở một số nước trên thế giới.

Khắc khoải giữ nghề

Nhưng niềm vui chẳng tày gang, khi cơn lốc đô thị hóa diễn ra trên quê hương bà.

“Đến từng nhà nhìn thấy khung cửi xếp xó dưới bếp, người già dửng dưng, lớp trẻ bỏ làng đi làm các khu công nghiệp, dịch vụ. Tôi xót xa lắm. Nhưng biết sao được quy luật là vậy”. Bà Ngừng tâm sự.

Mấy năm trước, để vực dậy phong trào làng nghề bà Ngừng còn mạnh dạn lên xã đề xuất tổ chức hội thi dệt cho dân làng. Bà tự bỏ tiền túi tài trợ, làm công tác tổ chức. Nhưng cũng chỉ duy trì được một vài năm, bởi không ai mặn mà. “Thấy tôi cứ đi mời gọi, người ta lại bảo tôi dở người”, bà Ngừng xót xa.

Bà Ngừng cho biết thêm, khó nhất bây giờ là tìm đầu ra cho sản phẩm, thứ hai là sự xâm nhập của các sản phẩm tơ lụa giá rẻ Trung Quốc. Để tìm đầu ra, hai con trai và con dâu của bà hiện nay đều lập cửa hàng ở Lào, Thái-lan. Để không phải nhập nguyên liệu Trung Quốc, hằng quý, bà Ngừng lặn lội đi đặt dâu tằm tận Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Lâm Đồng… Mỗi năm, xưởng của bà đều duy trì dệt được hơn 10 tấn tơ lụa, trừ đi chi phí cũng thu nhập được gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, bà còn tạo công ăn việc làm cho 25 lao động, với mức lương 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Dành trọn cả đời cho nghề dệt, đã nhiều lần bà Ngừng được tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua, vinh dự là người phát động phong trào trồng dâu nuôi tằm trong toàn quốc, được nhận Huân chương Lao động hạng ba của Nhà nước.

Dẫu vậy, bà Ngừng vẫn mong thấy mình với áo tứ thân, hát quan họ và thi dệt. Bà lại hát câu ca một thời: “Hỡi cô thắt lưng bao xanh. Có về Đình Cả với anh thì về. Đình Cả có lịch có nề. Có ao tắm mắt có nghề cửi canh”.

                                                                    Theo : nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.688.455
Tổng truy cập: