LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Có còn...“phường” cắt tóc Kim Liên?
(Ngày đăng: 17/10/2014   Lượt xem: 461)
Bất kể ai là người dân làng Kim Liên đều tự hào về nghề cắt tóc. Mặc dù nghề của làng đã trải qua nhiều bước thăng trầm

Ở Hà Nội, người ta vẫn nghe và biết đến làng Kim Liên (thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội) với di tích lịch sử nổi tiếng Đình Kim Liên - một trong Tứ trấn Thăng Long xưa. Tuy nhiên, Kim Liên còn là một làng nghề truyền thống vô cùng độc đáo, có lịch sử hàng trăm năm mà rất ít người biết, đó là làng nghề… cắt tóc.


Làng chuyên “vít đầu, vít cổ thiên hạ”

Một thợ cắt tóc cao niên ở làng Kim Liên với gần 60 năm cầm kéo, lược - ông Phạm Duy Cốc - 77 tuổi chia sẻ, có lẽ từ thời Pháp thuộc, do ảnh hưởng từ xã hội phương Tây, nghề cắt tóc, cạo mặt mới được du nhập vào Việt Nam. Ngày đó, chính những người con của làng Kim Liên đã tiếp cận nghề cắt tóc rất sớm bằng việc vào Hoàng thành Thăng Long học nghề từ binh lính Pháp.

“Ngày trước, người làng Kim Liên muốn học nghề không có trường, lớp đào tạo. Người mới cũng không được vào ngay cửa hiệu học nghề như bây giờ, họ phải tìm đến những người thợ cắt tóc ở bến tàu, bến xe xin học và tiếp cận vô số khách hàng bình dân trong một vài tháng. Khi đã biết cắt, người thợ phải tự đi cắt tóc dạo khắp các phố phường, làng xã rồi mới xin được “tập sự” ở những cửa hiệu ngoại thành. Chỉ khi tay nghề đã “cứng”, người thợ mới đủ điều kiện được làm việc ở những hiệu cắt tóc nổi tiếng đất Hà Thành”, ông Cốc tâm sự về nghề của mình.

Những người cao tuổi ở làng Kim Liên ngày nay cho biết, sau Cách mạng tháng Tám, người làng Kim Liên làm nghề cắt tóc với số thợ lên đến hàng nghìn người, có gia đình 3 - 4 thế hệ cùng làm nghề. Hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều có hiệu cắt tóc nổi tiếng của những người con gốc làng Kim Liên.

Theo tiến trình của thời cuộc, từ chỗ cắt tóc chỉ phục vụ nhu cầu thoáng gọn, không đề cao tính thẩm mỹ, mọi người đều có kiểu tóc chung nên nhìn ai cũng giống ai. Càng về sau, nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng lên, mái tóc phải phù hợp với từng khuôn mặt, phong cách, nghề nghiệp của mỗi người, từ đó sinh ra những kiểu cách khiến nghề tóc ngày càng tinh tế.

Cơ chế thị trường mở cửa, các salon phục vụ nhu cầu làm đẹp của mọi giới phát triển mạnh đã khiến nghề truyền thống của làng Kim Liên bị tác động mạnh mẽ và đang dần mai một. Số thợ cắt tóc của làng đến nay cũng chỉ còn vài chục người, thợ cắt tóc của làng có xu hướng bỏ nghề, bán cửa hàng đi làm công việc khác.


Để khôi phục, duy trì cũng như phát huy nghề truyền thống, trong 10 năm trở lại đây, vào dịp ngày 15/3 hàng năm, chính quyền phường Phương Liên, người dân làng Kim Liên đã duy trì lễ hội làng nhằm tôn vinh nghề cắt tóc, tổ chức cuộc thi chọn những tay kéo cừ khôi khỏe mạnh nhanh nhẹn. Người thợ cắt tóc tham gia cuộc thi chủ yếu dùng kéo thực hiện việc cắt và hoàn thành mái tóc trong thời gian 5 phút. Ban Giám khảo luôn là những bậc lão thành trong nghề có con mắt nghệ thuật và giàu kinh nghiệm.

Chưa có nghệ nhân - khó vinh danh làng nghề

“Bất kể ai là người dân làng Kim Liên đều tự hào về nghề cắt tóc. Mặc dù nghề của làng đã trải qua nhiều bước thăng trầm, tuy nhiên chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện cho đội ngũ những người làm thợ có điều kiện phát huy và nâng cao tay nghề”, ông Phạm Gia Ngọc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội phường Phương Liên cho biết.

Ông Ngọc cũng chia sẻ, hiện nay việc thành lập được một hợp tác xã làng nghề vẫn cũng còn gặp nhiều khó khăn. Do quá trình đô thị hóa, kinh tế phát triển, phần lớn lớp trẻ người làng đi tìm con đường phát triển kinh tế mạnh hơn mà không muốn theo nghề truyền thống của các lớp cha ông. Bên cạnh đó, những người còn theo nghề hiện nay cũng đang chạy theo xu hướng mới với việc mở ra những salon tóc hiện đại, do vậy lớp trẻ của làng gần như không hưởng ứng lắm về nghề của cha ông.


“Lớp trẻ hiện nay ở làng đang theo nghề cắt tóc đều có ước muốn chung là được cống hiến năng lực, tài năng của bản thân phục vụ nhu cầu làm đẹp của xã hội. Họ muốn có một chỗ đứng, có vị trí, có thương hiệu, được tạo điều kiện hoạt động rộng hơn. Ngoài ra, những đội ngũ thợ trẻ này còn mong muốn được truyền dạy nghề cho những thế hệ tiếp sau nhằm củng cố nghề tránh bị mai một thất truyền. Điều này gợi ý cho chính quyền địa phương có phương châm mở ra những lớp đào tạo nghề cắt tóc”, ông Ngọc trao đổi về định hướng.

Được biết từ nhiều năm qua, chính quyền phường Phương Liên đề xuất UBND quận Đống Đa cho phép làng nghề sử dụng vỉa hè một số tuyến phố, tạo điều kiện về mặt bằng cho những người thợ cắt tóc làng Kim Liên hoạt động. Ngoài ra, phường còn muốn tạo mọi điều kiện cho giới trẻ phát triển nghề truyền thống, tạo cơ hội giao lưu với các ngành nghề truyền thống khác với quyền bình đẳng, dân chủ và được công nhận về mặt tổ chức nhà nước.

Các cấp lãnh đạo phường Phương Liên cũng phối hợp với các trường đào tạo nghề tăng cường đào tạo nghề cắt tóc nhằm thu hút lực lượng thợ cũng như những người có niềm đam mê đối với lĩnh vực làm đẹp, phù hợp với xu thế chung hiện nay vừa hội nhập vừa phát triển, văn minh hiện đại nhưng vẫn mang tính truyền thống của cha ông từ xa xưa.

Tuy nhiên, ông Ngọc cũng bày tỏ, làng Kim Liên chưa được công nhận là một làng nghề vì chưa có nghệ nhân. Theo quy định, với yêu cầu phải có 50 hộ trở lên sống bằng nghề cắt tóc, làng mới đủ điều kiện vinh danh nghệ nhân và làng nghề chính thức. Đây là vấn đề còn gặp nhiều khó khăn và cũng là quá trình còn tốn nhiều thời gian”, ông Ngọc chia sẻ.

                                                                  Theo : vov.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.687.884
Tổng truy cập: