LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Niềm vui của cụ ông chuyên làm lồng đèn khổng lồ Tết Trung thu
(Ngày đăng: 06/09/2014   Lượt xem: 507)
Cứ mỗi độ trung thu về, các con hẻm dẫn vào xóm đạo Phú Bình lại nhộn nhịp hẳn lên, cảnh người mua kẻ bán tấp nập, đông vui như hội. Không chỉ ở Sài Gòn, lồng đèn ở đây còn được bán đi khắp các tỉnh

“Xóm” lồng đèn nổi tiếng một thời

Sắp đến Tết Trung thu, hai bên con hẻm từ đường Lạc Long Quân (phường 5, quận 11 TP.HCM) vào nhà thờ Phú Bình đỏ rực bởi màu sắc từ hàng ngàn chiếc lồng đèn được bày bán. Nơi đây bán đủ các loại, từ những chiếc lồng đèn đơn giản như ông sao, tàu thuyền đến các loại cầu kỳ hơn như rồng, thiên nga, con gà, phượng hoàng… đủ màu sắc, kích cỡ và hình dáng.

Lồng đèn được bày bán đỏ rực cả khu phố ở xóm đạo Phú Bình

Cửa hàng bày bán nhiều là thế nhưng số hộ sản xuất lồng đèn thủ công nơi đây chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Dò la từ một chị bán lồng đèn đầu hẻm, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Mạnh Uyển. Ông là một trong số ít hộ gia đình vẫn còn duy trì nghề làm lồng đèn tại xóm đạo Phú Bình. Di cư từ Bắc vào Sài Gòn từ năm 1954, nhưng mãi đến những năm 1980 gia đình ông Uyển mới bắt đầu kiếm sống với nghề làm lồng đèn này.

Làng nghề làm lồng đèn Phú Bình nơi đây bắt nguồn từ những nghệ nhân từ thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Họ di cư vào Sài Gòn, lập nghiệp tại xóm đạo Phú Bình, họ mang theo nghề làm lồng đèn truyền thống rồi từ đó nhân rộng và phát triển. Cứ thế theo thời gian, làng lồng đèn Phú Bình trở thành làng nghề truyền thống nổi tiếng ở đất Sài thành.

Đủ màu sắc, hình dáng và kích cỡ

Người dân xóm đạo Phú Bình bắt đầu làm nghề lồng đèn từ hơn 50 năm trước, nhưng đến những năm 1980 mới được cho là thời “ăn nên làm ra” nhất. “Bất kể ngày đêm, nhà có bao nhiêu người đều ngồi vào làm lồng đèn hết. Thời đó cứ qua dịp trung thu ngồi tính lại mỗi nhà bán được hàng chục ngàn lồng là chuyện bình thường”, ông Uyển kể.

Hướng đi riêng

Một thời hưng thịnh là thế nhưng đến nay, ngoài những hộ chuyển hẳn sang bày bán, kinh doanh lồng đèn thì chỉ còn một số ít hộ gia đình như ông Uyển còn giữ được truyền thống sản xuất thủ công. Tuy đã hơn 60 tuổi nhưng trong từng động tác vót tre, dán giấy bóng kính, ông Uyển làm một cách thuần thục.

Để làm được một chiếc lồng đèn phải qua các công đoạn như vót tre, tạo khung, dán giấy bóng, cọ vẽ, gắn đồ trang trí…dưới bàn tay của người nghệ nhân già từng động tác được thực hiện một cách thanh thoát. Đằng sau những lồng đèn xinh xắn mang lại tiếng cười cho trẻ thơ là những người vẫn còn say mê với giá trị văn hóa truyền thống , là những người còn nặng lòng với nghề làm lồng đèn thủ công như ông Uyển.

Làm khung lồng đèn

Vài năm trước khi lồng đèn Trung Quốc tràn ngập, chiếm lĩnh thị trường với thế mạnh đủ mọi kiểu dáng, màu sắc lung linh không kém, giá thành lại rẻ hơn nửa so với lồng đèn nội địa, lại thêm loại đèn điện tử phát ra tiếng nhạc, khiến người làm lồng đèn truyền thống Phú Bình rơi vào tình thế sản xuất nhiều nhưng không có người mua. Rồi từng hộ bỏ nghề, một số chuyển sang làm công việc khác, số còn lại nhà  có mặt tiền thì cho thuê hoặc kinh doanh.

Đứng trước nguy cơ nghề thủ công truyền thống bị “khai tử”, ông Uyển đã có hướng làm riêng. Gia đình ông được biết đến là hộ chuyên sản xuất những loại lồng đèn khổ lớn, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách hàng riêng. Ông Uyển chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng, khách hàng là những người sử dụng lồng đèn để trưng bày ở cửa hàng, khách sạn ở TP.HCM hay mối lái từ các tỉnh.

Mỗi chiếc lồng đèn như ngôi sao, con voi, cá, thuyền…to nửa thân người được ông Uyển bán ra có giá từ 250 ngàn đồng. Những loại đòi hỏi sự cầu kỳ như lồng đèn rồng, thiên nga có giá từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Mùa trung thu năm nay, gia đình ông Uyển bán hết 1.500 lồng đèn các loại. “Tôi không làm lồng đèn cỡ nhỏ giống như nhiều hộ vì thị trường có rất nhiều. Phải tìm hướng đi khác mới làm phong phú và thu hút được nhiều loại khách hơn”, ông Uyển nói.

Ông Uyển là một trong số ít người còn bám trụ với nghề ở xóm đạo Phú Bình

Với kiểu sản xuất theo đơn đặt hàng nên càng cận ngày Tết Trung thu gia đình ông Uyển không còn bận rộn như các hộ khác mà đã ngưng làm. Ông cho biết, các hộ sản xuất lồng đèn cỡ nhỏ theo lối truyền thống ở xóm Phú Bình này vẫn miệt mài làm quanh năm suốt tháng. Riêng gia đình ông chỉ làm lồng đèn để bán vào hai dịp là Tết Trung thu và lễ Giáng sinh.

“Trẻ con bây giờ rất thích các loại lồng đèn giấy in hình siêu nhân, công chúa hay đèn điện tử phát tiếng nhạc. Nhưng không vì thế mà lồng đèn truyền thống Phú Bình bị mai một, bằng chứng là những năm gần đây số hộ quay lại làm nghề ngày một tăng. Hi vọng trong tương lai lồng đèn truyền thống vẫn được trẻ con khắp nơi vui rước mỗi dịp trung thu về, để làng nghề Phú Bình được lưu giữ”, ông Uyển giọng hồ hởi.

                                                                                    Theo : infonet.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.670.161
Tổng truy cập: