Tin tức nổi bật
Ông lão "thổi hồn cho giấy"
(Ngày đăng: 01/05/2013   Lượt xem: 1301)
Làng chài Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) có một ông lão tài hoa được mệnh danh là người "thổi hồn cho giấy".

40 năm làm đồ chơi dân gian

Ông Nguyễn Văn Thảo ở cái tuổi ngót 80 nhưng đã có hơn 40 năm làm đồ chơi dân gian cho trẻ em. Căn nhà nổi cũ kỹ nằm nép mình bên bãi giữa sông Hồng trống huơ, trống hoác. Muốn đến nhà ông, phải đi bộ trên cầu Long Biên rồi đi bộ gần 1km qua bãi ngô xanh mướt.

Không phải ai cũng có dịp nói chuyện với ông, bởi ngày thường ông cùng vợ mưu sinh trong nội thành. Vợ đi nhặt giấy rác, chồng đi bán đồ chơi dân gian. Công việc cứ như vậy đã mấy chục năm nay ở cái đất Hà Thành này.

Ông Thảo hướng dẫn cách chơi để con rắn có thể chạy được.

Ông vốn không phải là người Hà Nội. Quê ông ở tận Nam Định. Ông bỏ xứ lên đây cũng 50 năm có lẻ. Với vợ chồng ông, quãng sông Hồng này chính là quê hương thứ hai, nơi ông tìm thấy cái duyên với nghề làm đồ chơi dân gian.

Ông Thảo tâm sự: “Cũng lâu lắm rồi, tôi đến với cái nghề làm đồ chơi cho trẻ em. Ngày ấy còn mấy cụ trong Khâm Thiên là bạn nghề nhưng bây giờ các cụ ấy về theo tổ tiên hết rồi. Còn mình tôi thi thoảng mới làm chứ già yếu rồi không có sức mà đi bán như trước nữa”.

Ngồi trầm ngâm, ông Thảo nhớ lại quá khứ cũng lắm gian nan của mình. Những thứ đồ chơi ông thường làm là cối giã gạo phỏng theo người phụ nữ xưa giã gạo chạy bằng sức gió, 12 con giáp trong thuyết ngũ hành có thể chạy trên nền đất… Đây đều là những đồ chơi dân gian truyền thống của Việt Nam những năm trước đây được trẻ em thích thú. Nhưng giờ đây những thứ đồ chơi này đã lùi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho những món đồ chơi điện tử hiện đại hơn. 

Ông Thảo kể lại những năm 1994, lúc đó vợ chồng ông còn sức khỏe, người bán hàng đồ chơi trẻ em ở chợ Khâm Thiên, chợ Đồng Xuân muốn có hàng để bán thì phải đặt hàng của ông. Nhất là vào dịp tết, lễ hội, ông phải làm hết công suất mới có đủ hàng đi bán. Cái xe đạp cà tàng mấy chục năm nay theo ông dạo quanh các cổng trường học ở quận Hoàn Kiếm, quận Long Biên, quận Ba Đình...

“Trước đây, cứ 5 giờ sáng tôi dậy chuẩn bị làm hàng, pha màu, cắt giấy, nặn đất đến khi trời bắt đầu nắng thì bắt tay vào công đoạn lắp ghép các bộ phận lại với nhau. Đến 3 giờ chiều thì chuẩn bị sắp hàng đi bán. Vì giờ tan tầm nên các phụ huynh mới mua cho các cháu. Ngày ấy chỉ 2 ngàn một con thôi. Ngày bán được mấy chục con đủ tiền đong gạo, ăn qua ngày chứ chẳng lãi lời gì cả”, ông Thảo chia sẻ.

Nói rồi, ông Thảo lục tìm trong hòm đồ những đồ chơi con vật ngộ nghĩnh sặc sỡ với đủ hình thù. Ngoài những con thường làm như con chuột, con rắn, con rùa, con rồng… ông còn sáng tạo ra các con vật khác để đáp ứng nhu cầu của đám trẻ con hiếu động.

Mấy năm về đây, ông ít lên bờ bán hàng vì một phần sức đã kiệt, mắt đã mờ. Ông cũng không làm nhiều như trước nữa. Thi thoảng thấy nhớ nghề cũ thì ông mới ngồi làm cho đỡ buồn. Ông Thảo cho biết, bọn trẻ bây giờ vẫn thích lắm nhưng bố mẹ chúng nó không muốn mua vì người ta có tiền, người ta mua các thứ đồ đắt tiền, sành điệu cho con chơi. Không mấy ai còn để ý đến những món đồ chơi bằng giấy này đâu. Cũng bởi thế mà ông không muốn làm nhiều, làm rồi để đó mà ngắm một mình thì cũng uổng.

Ông Thảo kể về một chuyện vui: “Mấy năm trước có đoàn người ở viện bảo tàng xuống nhờ tôi làm cho các mẫu trò chơi dân gian để trưng bày. Tôi cũng nhiệt tình làm giúp, chỉ hi vọng có người để ý, yêu thích mà giữ lấy cái đẹp của người Việt”.

Có lẽ thời gian xoay vần, những cái gì đã cũ, đã lạc hậu thì phải theo quy luật nhường chỗ cho những cái mới. Ánh mắt ông đượm buồn nhìn lên phía cây cầu Long Biên như muốn nói lên điều gì đó cho quá khứ. Một đời long đong đây đó để tìm tòi cái nghệ thuật trong giấy, khi về già chỉ biết bất lực nhìn những giá trị đó mai một theo tuổi già mà ái ngại.

Liệu trong dòng người vội vã kia, ai hiểu được điều ấy hay con cháu mình chỉ được ngắm nghía trong bảo tàng mà không bao giờ còn cơ hội được chơi cùng những thứ đồ chơi đó. Ở cái tuổi gần đất xa trời, tôi chỉ biết giữ được ngày nào hay ngày đó thôi chú ạ!”, ông Thảo phân trần.

Những con vật ngộ nghĩnh được ông Thảo thổi hồn từ giấy.

“Đó là gia tài quý nhất của tôi!”

Câu chuyện của ông cứ lật giở từng trang buồn vời vợi. Thi thoảng ông cười khà khà nhận mình là “người vô sản”, cả đời vợ chồng ông bươn trải trên đất Hà Thành này để rồi lúc về già không có một thứ gì đáng giá, không một thước đất cắm dùi.

Hơn 13 năm xuống đây tá túc, có lẽ chỉ có 40 năm kinh nghiệm làm các món đồ chơi dân gian là thứ quý giá nhất của ông. Ông cũng đã từng có một gia đình hạnh phúc, đã từ có khoảng thời gian đẹp đẽ để ước mơ. Đó là những quá khứ buồn mà chỉ mình ông với người vợ mới hiểu. Ông bảo: “Tôi cũng không muốn nhắc lại những điều buồn bã đó làm gì. Người ta bảo, đẹp đẽ thì khoe ra còn xấu xa thì đậy lại. Khổ cả đời rồi, khổ thêm chút ít thời gian nữa có sao đâu”. 

Có lẽ, điều đó chính là nguồn động lực duy nhất giúp ông bà động viên nhau sống có ý nghĩa nơi xóm nghèo ven đô. 

 Ông Thảo luôn trăn trở về sự mai một của những món đồ chơi dân gian.

Với ông Thảo, chỉ cần ai yêu những món đồ chơi giản dị này, thích giữ nghề thì ông sẵn sàng truyền lại cho vốn liếng bao năm. Cũng bởi yêu nghề, yêu quý trẻ con nên ông mới nặng lòng với nghề.

Những thứ làm nên một món đồ chơi giật dây này rất đơn giản, chỉ cần giấy, đất, tre và màu nước là đủ. Nhìn vào thì ai cũng thấy dễ làm, dễ học nhưng khi bắt tay vào làm mới biết được sự tinh tế và khéo léo cần có của người thợ.

Ông chỉ cho tôi từng bước làm một con giáp trong số 12 con giáp ông vẫn thường làm, khó nhất là con rồng. Bước đầu tiên là tạo hình con vật. Đây cũng là công đoạn khó nhất. Để tạo hình cho giống, cho đẹp thì đòi hỏi người làm nghề phải có chút năng khiếu vẽ vời, hội họa. Tiếp đó là phần tô màu đậm nhạt để khi nào con vật chạy phải uốn lượn như thật thì mới thành công.

Ngày trước khi chưa có màu nước, ông phải lấy bột nghệ, bột ve… và chỉ khi trời nắng mới làm được. Để con vật có thể chạy được thì cần phải có con xoay, hoạt động trên cơ sở sự co giãn của dây cao su được nối qua mẩu đất nung vo hình trụ. Mỗi một con vật làm xong là một phần hồn tinh tế của người làm thổi vào. Những người không có tính kiên trì thì không thể làm được.

Chia tay ông, tôi đem theo bao câu hỏi chưa có lời giải. Số phận của những thứ đồ chơi dân gian truyền thống mà ông đang ngày ngày gìn giữ liệu có cơ hội tồn tại?
                                                                                           Theo: Kienthuc.net.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
73.189.517
Tổng truy cập: