Tin tức nổi bật
Làng còn, nghề thì mất
(Ngày đăng: 26/04/2013   Lượt xem: 1081)

Nghệ nhân Lê Ðình Nghiên của dòng tranh Hàng Trống.   

Đôi khi, chợt nhớ một bến đò, một con đường dẫn về góc làng. Nơi có một ngôi nhà, có người thân quen, đã từ lâu không gặp. Muốn về thăm, nhưng lòng lại ngại.

Không phải vì quên đường xưa, lối cũ. Cũng chẳng phải ngại người ấy không nhớ và nhận ra mình. Mà sợ sẽ không còn những gì lẽ ra không thể mất. Không thể nhận ra làng với nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm, đã từng nuôi sống bao kiếp người, hơn thế, còn làm rạng danh bao gương mặt với những sản vật không nơi nào có. Ðổi thay là lẽ tự nhiên. Nhưng đâu phải là đánh mất, chẳng còn lại những giá trị vô giá. Người còn đó mà nghề cổ truyền thì mất dần, mất hẳn. Có trở về chỉ thêm buồn lòng, tiếc nuối...

Xa xôi gì đâu, ngay trong lòng Hà Nội. Cuối con ngõ nhỏ, vẫn còn đó cổng làng trồng thuốc nam. Ngót mười thế kỷ có lẻ, nơi đây là vườn thuốc, kho thuốc cho những cửa hàng đầy ắp thuốc lá cây tươi, lá khô chợ Bắc Qua, Ðồng Xuân, Ngọc Hà hay Cửa Nam, Hàng Bè... Bệnh phát theo mùa, cả làng thuốc nam Ðại Yên đủ nguồn cung không bao giờ cạn. Rặt những cây thuốc dân gian nào hương nhu, mã đề, sài đất, chân vịt, lô hội, trinh nữ hoàng cung... "Nam dược trị nam nhân", ngày xưa là vậy. Làm gì đã có thuốc tây, kháng sinh, cảm cúm như thời buổi này. Ðến nay, đất làng thuốc ngày một co hẹp, teo tóp dần. Những gia đình cả chục đời cha truyền con nối sống bằng nghề làm thuốc, bốc thuốc, cũng rơi rụng dần. So với làng hoa Ngọc Hà đã mất đất, mất nghề từ mấy chục năm nay, làng thuốc nam Ðại Yên may còn giữ lại được vài mảnh vườn. Dọc lạch nước gần đình làng, sót lại dăm ba khu vườn nhỏ trồng thuốc. Ðứng bên cổng làng tróc lở vôi vữa, bợt bạt nắng mưa, chìm trong quên lãng, tôi tần ngần, thẫn thờ. Biết đi đâu, khi mà ở chỗ này ngày trước, chợ thuốc nam tấp nập người mua, kẻ bán, mà giờ, lưa thưa vài thúng, mẹt lá. Mấy ai còn gắn bó với cái nghề trồng thuốc vất vả, tỉ mẩn và công phu này. Mấy ai còn thuộc lòng hàng trăm loại cây, lá với công dụng chữa trị hàng chục thứ bệnh theo mùa, rồi còn nghe bệnh, bốc thuốc.

Người đàn bà ngày ấy, đã bước sang tuổi thất thập, tóc bạc xơ xác. Tình cảnh làng thuốc tiêu điều, xác xơ có kém gì. Cụ ngậm ngùi, một vài năm nữa trở lại đây, chắc ông không còn được thấy cây thuốc nào. Có lẽ khi tôi khuất bóng, làng này cũng mất nghề. Còn lại lèo tèo vài hộ trồng cây, bốc thuốc, nhưng mà lay lắt lắm. Vất vả, mà tiền bạc nhặt nhạnh có được bao nhiêu đâu. Vả lại, thuốc tây ê hề, còn ai đoái hoài mấy thứ lá cây nhì nhằng như cỏ dại này... Chầm chậm ra khỏi làng, chợt tôi ngoái lại, vẫn thấy bà cụ đứng bên cổng làng. Bóng già liêu xiêu trong chiều tắt nắng, như chiếc cổng làng tiều tụy, bơ vơ, trơ trọi giữa những ngôi nhà chen chúc mọc lên trong làn sóng đô thị hóa khó cưỡng lại. Cái làng thuốc nam nhỏ nhoi đến thế bị "nhấn chìm" như là một lẽ hiển nhiên, đành phải chấp nhận. Nhưng còn một làng nghề đã để lại cho hậu thế những bức tượng Phật, những chuông đồng tiếng vang còn ngân vọng tới mai sau, thì làm sao có thể biến mất nhanh đến vậy? Biết trước là sẽ mất từ hai chục năm trước mà chẳng ai có thể cứu vãn nổi. Hồi ấy, cả làng nghề đúc đồng Ngũ Xã quy tụ hàng trăm phường thợ lập nghiệp trên mảnh đất bán đảo, chỉ còn có hai người đắm đuối với nghề tổ tiên để lại. Là phận làm dâu, học lỏm đôi chút kinh nghiệm của nhà chồng, cộng với kiểu truyền khẩu của người bác ruột, vậy là chập chững bước vào nghề. Ðàn bà mà lại làm nghề tạo khuôn, mở lò đúc đồng nặng nhọc của đàn ông, hẳn phải có căn cớ gì. Bà bảo, mình có cơ duyên với nghề từ thời con gái. Mối tơ duyên ấy đã vận vào mình là khó dứt lắm, dù làng nghề ngày càng mai một, dù mọi nhà, mọi người đổ xô "nhảy" sang đúc nồi, xoong, chảo, ấm nhôm. Ðỡ mất công, tốn sức, chẳng cần tay nghề, trình độ cao siêu gì, mà lại kiếm tiền nhanh và nhiều. Nếu không có cơ duyên mặn mà, sâu nặng, thì làm sao đủ kiên nhẫn, kỹ lưỡng, công phu ngồi đắp khuôn. Hồi ấy, khi bà mới ngót năm chục tuổi, tôi đã mải mê ngồi suốt cả buổi xem bà lọc đất phù sa sông Hồng làm khuôn. Phải là thứ đất hồng tươi, có độ nở thoáng chứ không bí rị như đất sét. Ðất ấy được sàng lọc, rây kỹ lưỡng như làm bột bánh. Rồi hòa nước trộn với giấy bản vừa mềm, vừa dai. Cứ thế mà nhào nhuyễn cho thật dẻo, thật mịn, rồi đắp khuôn. Chẳng khác gì người nghệ sĩ đắp tượng, say mê, mải miết. Hai bàn tay người đàn bà mềm mại trát đất, miết vuốt khuôn đúc. Chẳng khác gì đắp đầy "da thịt" cho những đỉnh, lư, chuông đồng, tượng Phật... Phàm là đồ đồng, lại là đồ thờ tự đặt ở chốn linh thiêng, trang trọng, bà nói, bất luận đắt rẻ tôi cũng phải kén bằng được loại đồng đỏ nguyên chất, tuyệt nhiên không lẫn một thứ tạp chất nào. Lại phải trộn với thiếc nguyên chất. Có vậy mới có được nước đồng vàng óng chuốt khi nung nấu trong lửa than ngót nghìn độ. Có vậy, những chiếc lư, đỉnh, chân đèn càng để lâu càng lên "nước" đỏ au. Nhất là những tượng Phật, tượng Thánh, dù bao năm sau cũng không bao giờ bị xuống "nước", hoen ố hay mất mầu. Có lẽ cái chất nghệ nhân trong bà từ lúc chập chững bước vào nghề, sống với nghiệp suốt bao năm nay, chính là thứ đồng nguyên chất ở trong tâm không bị pha trộn, lẫn tạp chất. Ðằng đẵng chừng ấy năm gặp lại, sau một thoáng ngỡ ngàng, bà mới nhận ra người quen. Hầu như bà chẳng có thay đổi gì ngoại trừ mái tóc đã bạc trắng. Có thay đổi gì đâu, vẫn giọng nói điềm đạm, nhẩn nha, chậm rãi như ngày nào. Khi bước chân vào làng, lòng vòng giữa những con đường rối rắm với những căn nhà đã được nâng cấp, xây mới, tôi đi theo cảm tính, cuối cùng tìm được nhà bà. Nhiều người từ xa đến đặt hàng, hỏi nhà, hỏi tên "bà nghệ nhân", nhiều người làng lắc đầu, ngớ ra. Nhưng ở những nơi xa xôi, người ta lại biết đến tiếng bà qua tiếng chuông đồng trầm ấm, ngân vang và lắng đọng. Qua mầu đồng hun sậm đỏ mà thời gian chỉ càng thêm sắc nước, đượm mầu.

Mầu thời gian hiếm hoi còn đọng lại trên những thứ vững bền như đồng, nhưng cả trên những thứ mỏng manh, dễ rách nát như giấy dó. Ðó là mầu của đất, của cỏ cây, hoa lá nhuộm nên sắc màu dân dã trên những bức tranh Ðông Hồ. Suốt nhiều năm qua, trong mắt tôi vẫn tươi rói, chưa khô mầu vàng hoa hòe, dành dành; mầu đỏ hoa hiên, mầu than củi, cỏ tranh đen nhánh hay mầu vàng nghệ còn ướt nguyên trên những bức tranh mộc mạc vừa nhấc khỏi khuôn gỗ chạm khắc. Ở mãi vòng ngoài, xa hẳn tâm sóng đô thị hóa dồn dập, dữ dội, làng tranh dân gian vừa được gắn bằng Di sản văn hóa phi vật thể cũng không thể đứng vững. Sóng to, sóng nhỏ, lớp sau xô theo lớp trước triền miên, bền bỉ đã xói mòn cái nền đất cổ truyền dày và sâu hàng trăm năm. Một buổi chiều đã hết xuân, một mình lững thững trở về "Bên kia sông Ðuống", lòng se sắt buồn. Bên này con sông mùa nước cạn, triền đê cỏ xanh mượt mà. Bên kia, cánh đồng hoa cải rực sắc vàng mỏng manh, như tấm lụa màu mỡ gà sắp theo gió cuốn bay đi. Sông vẫn miên man chảy xuôi hững hờ, vô tình. Tần ngần đứng trên bờ đê nhìn xuống, ngôi chợ đầu làng lưa thưa bóng người, chỏng chơ lều, lán, chõng. Cả làng tranh Ðông Hồ có khác gì... chợ chiều. Lạ thật, cả làng đúc đồng Ngũ Xã giờ chỉ còn hai, ba người bám lấy nghề mà sống và cả làng tranh Ðông Hồ cũng còn sót lại đúng hai người. Khắp làng người ta đã đoạn tuyệt không nuối tiếc với nghề làm tranh, mà chuyển sang làm đồ hàng mã từ lâu rồi. Không thế thì làm sao cất lên nhà cao, cửa rộng, sắm sửa tiện nghi chẳng thua gì thành phố. Làng đã "lột xác" thành phố xá, hàng quán san sát, dịch vụ tràn lan. Lọt thỏm giữa những cửa hàng chất ngất đồ hàng mã, mới thấy tội nghiệp, xót xa cho thân phận người nghệ nhân đang còm cõi cùng con cháu mải miết pha mầu, in tranh. Tranh phơi đầy ắp sân, tranh treo kín tường, có thấy ai ngắm, ai mua...

Có những nghề truyền thống đã thành một phần máu thịt của làng quê. Nhắc đến tên làng là nhắc đến với những sản phẩm độc đáo hàng trăm năm tồn tại. Nhưng chỉ vài mươi năm đã mai một, mất dần. Một mai có ai nhắc đến, chỉ còn là hoài niệm.

                                                                                              Theo: Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
73.189.466
Tổng truy cập: