Tin tức nổi bật
“Điêu đứng” vì hàng nhập ngoại
(Ngày đăng: 22/04/2013   Lượt xem: 1012)

Sự “oanh tạc” của hàng ngoại nhập đang tạo thêm gánh nặng cho các DN vật liệu xây dựng của nước ta trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Theo lộ trình, một số hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ vào năm 2015, nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ, DN sẽ không thể cạnh tranh được với hàng ngoại.


Nâng cao sức cạnh tranh là giải pháp lâu dài và là cái đích cần hướng tới của DN
Nâng cao sức cạnh tranh là giải pháp lâu dài và là cái đích cần hướng tới của DN

“Thoi thóp” vì hàng nhập

Báo cáo phục vụ Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) sẽ được tổ chức vào ngày 25-4 cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành thép chưa bao giờ khó khăn như năm vừa qua. Không nằm ngoài tình hình chung của ngành và các DN khác, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty năm 2012 gặp vô vàn khó khăn.

Có những tháng tỉ lệ tồn kho/tiêu thụ của các đơn vị thành viên của tổng công ty tăng trên 60%, dẫn đến chi phí tài chính tăng trong khi các đơn vị liên tục phải hạ giá bán, có lúc giá bán các mặt hàng thép giảm mạnh không đủ bù đắp chi phí cấu thành sản phẩm. Đặc biệt, lượng thép cán nguội giá rẻ nhập từ Nga, Trung Quốc và các nước trong khu vực cũng gây ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ của ngành thép nói chung và Tổng công ty nói riêng.

TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam chia sẻ: Đến nay ngành công nghiệp vật liệu xây dựng của nước ta đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trong nước và có nhiều khả năng XK ra nước ngoài. Nhưng trong năm qua, bên cạnh việc đầu tư xây dựng trong nước giảm thiểu thì hàng vật liệu xây dựng như gốm sứ xây dựng, kính xây dựng, đá ốp lát, sơn các loại, tấm lợp kim loại,... lại ồ ạt NK vào Việt Nam, bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, làm cho hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước tồn kho lớn, các DN sản xuất cầm chừng, dừng sản xuất, chỉ khai thác được 60 - 80% năng lực sản xuất.

Cùng chung “tâm tư” với nhiều ngành hàng khác, ngành gốm sứ xây dựng cũng là ngành có những động thái rất mạnh mẽ khi lên tiếng về sức “công phá” của hàng nhập ngoại đối với hàng trong nước. Hồi tháng 8-2012, ban lãnh đạo của Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã đề nghị Chính phủ thành lập Tổ liên ngành kiểm tra đầu nguồn NK do Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam phụ trách gồm các đại diện: Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, VCCI.

Lí do mỗi năm Việt Nam NK khoảng 50 triệu USD gốm sứ xây dựng giá rẻ từ Trung Quốc khiến ngành gốm sứ xây dựng trong nước lao đao. Theo đó, Tổ kiểm tra đầu nguồn sẽ định kỳ đến các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc theo đề nghị của chủ hàng NK Việt Nam, hoặc chủ hàng XK trực tiếp Trung Quốc để kiểm tra các chỉ tiêu đã định tại hiện trường và cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam nếu đạt được các chỉ tiêu kiểm tra.

“Hàng rào” là biện pháp tối ưu?

Trước sức ép cạnh tranh, nhiều DN đã lên tiếng đề nghị Nhà nước lập “hàng rào” kĩ thuật để bảo hộ hàng trong nước. Ông Trần Văn Huynh cho rằng: Cần thi hành các biện pháp nhằm hạn chế NK các sản phẩm gốm sứ, kính xây dựng, đá ốp lát, tổ chức kiểm tra đầu nguồn các sản phẩm NK vào Việt Nam, tăng cường và quyết liệt hơn trong công tác chống nhập lậu và thực hiện tốt các hàng rào kĩ thuật đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng.

Theo phân tích của các chuyên gia, lập hàng rào kĩ thuật bảo vệ hàng trong nước là động thái mà quốc gia nào cũng thực hiện. Nhưng trong khi các nước đều khá “thành thạo” trong việc này thì việc khéo léo thực hiện các biện pháp kĩ thuật của phía Việt Nam lại còn khá hạn chế. TS Lê Đăng Doanh nhận xét: Bộ máy quản lí Nhà nước của chúng ta hiện nay đang quá chậm chạp trong việc bảo vệ cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Khi hàng rào thuế quan giữa các nước ASEAN và ASEAN với Trung Quốc được dỡ bỏ vào năm 2015, Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu nhiều thách thức nhất.

Song hàng rào kĩ thuật bảo vệ sản xuất trong nước chỉ là một biện pháp, bản thân các DN nội cũng cần phải nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình trên thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế. Đó mới là giải pháp lâu dài và là cái đích cần hướng tới trong quá trình phát triển của các DN Việt, không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. TS Nguyễn Anh Dương (Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương) cho rằng: Áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng đối với DN Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn từ 2015.

Do đó ứng phó của DN rất quan trọng cho sự phát triển của hoạt động thương mại trong nước. Điều quan trọng là các DN cần phát triển hệ thống phân phối, thúc đẩy hình thành những DN phân phối lớn của nước ta với các cơ sở kinh doanh hiện đại, có khả năng cạnh tranh và dẫn dắt thị trường. Chẳng hạn cần khuyến khích hình thành những DN là đồng sở hữu giữa người nông dân sản xuất nguyên liệu, cơ sở chế biến và nhà phân phối.

Ngoài ra, DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là vấn đề sống còn đối với DN trong điều kiện hội nhập sâu, toàn diện vào nền kinh tế thế giới. DN cần chọn chiến lược kinh doanh đúng đắn trong điều kiện mới trên cơ sở những định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm và lộ trình hội nhập mà chính phủ đã công bố. Xây dựng chiến lược kinh doanh là xác định một hướng đi đúng đắn, một kim chỉ nam cho mọi hoạt động của DN trong tương lai.

Trên cơ sở chiến lược kinh doanh, DN tổ chức lại sản xuất kinh doanh nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra những sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, mẫu mã phù hợp với thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Đây có thể coi là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại, vị thế của DN trong môi trường hội nhập.

                                                                                         Theo: Hải Quan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.683.737
Tổng truy cập: