Tin tức nổi bật
Người "thổi hồn" cho đá
(Ngày đăng: 22/04/2013   Lượt xem: 1129)

 
Thầy giáo Tựa bên bộ sản phẩm làm bằng đá.

Dừng chân bên đường để chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, hoang sơ duy nhất ở vùng núi Sa Pa này, ít ai nghĩ rằng đây là những sản phẩm do chính tay người thầy giáo trẻ Đỗ Xuân Tựa làm nên. Năm 2004, tốt nghiệp khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ, anh quyết định lên vùng cao để thử sức mình. Sức trẻ đầy nhiệt huyết, khó khăn gian khổ không làm anh chùn bước. Anh kiên trì mang kiến thức của môn học mỹ thuật đến với các em nơi đây. Với đồng lương ba cọc ba đồng, khiến người thầy giáo trẻ phải suy nghĩ. Đã có nhiều lúc anh định chuyển công tác, nhưng rồi anh lại tự hỏi: "Người ta vẫn sống được với nghề, sao mình lại không?".

Hằng ngày đến trường trên con đường đá lởm chởm, bốn bên toàn đá là đá. Những hòn đá to đập vào mắt khiến anh đặt ra câu hỏi: Phải làm gì để biến chúng trở nên có ý nghĩa? Nhiều lần có dịp lên thị trấn Sa Pa, Tựa nghe khách du lịch "phàn nàn" rằng, Sa Pa không có được một mặt hàng, đồ lưu niệm nào mang đậm nét độc đáo vùng đất này.

Tưạ nhớ lại, thuở bé, anh được thừa hưởng nghề viết thư pháp từ ông nội, được ông hướng dẫn viết các câu đối thư pháp ngày Tết, ngày hội. Thế nhưng liệu có viết, vẽ được ở trên mặt đá không? Đấy là điều càng khiến anh trăn trở. Năm 2010, ý tưởng "gieo" chữ vào đá đã được thầy giáo Tựa bắt tay thực hiện trong sự háo hức. Ngoài thời gian lên lớp, anh đã cùng với vợ đi dọc bờ suối, ven mương để gom nhặt những cục đá cuội mang về nhà.

Ban đầu, anh viết, vẽ chữ thư pháp lên những hòn đá có bề mặt nhẵn bóng tự nhiên, nhưng qua thực tế, với cách thức này không mang lại nét độc đáo, mới lạ và không tạo được độ bền của màu. Anh lại nảy ra một ý tưởng mới là khắc hình, chữ lên đá rồi sau đó tô màu. Với ý tưởng này, sản phẩm thêm phần nổi bật và có độ bền cao hơn. Có được ý tưởng nhưng lại thiếu tiền mua máy cát đá, máy mài, mực viết, anh dành dụm tiền lương và vay mượn bạn bè để ý tưởng không bị bỏ dở giữa chừng.

Với vốn kiến thức, năng khiếu từ môn học mỹ thuật mà anh đang giảng dạy cùng với lòng đam mê, thầy giáo Tựa đã tạo nên những sản phẩm từ đá rất độc đáo, tinh tế. Viết chữ thư pháp lên đá, vẽ tranh phong cảnh lên đá, viết tên người lên đá là những sản phẩm đầu tiên "ra lò" được nhiều du khách thích thú và đón nhận. Nhận thấy đây là khu vực có nhiều bãi đá cổ rất đẹp, khó nơi nào có được nên anh tiếp tục học thêm nghệ thuật điêu khắc. Từ những khối đá to không hình thù, dưới bàn tay của người thầy giáo sau khi được mài, xẻ và khắc hình, tạc tượng đã trở thành những tác phẩm có hồn, mềm mại và bay bổng.

Hầu hết các sản phẩm bằng đá đều được Tựa làm bằng phương pháp thủ công như bộ 12 con giáp, tình mẫu tử, thần tài, phong cảnh thiên nhiên miền sơn cước... Tất cả đều được khắc họa rõ nét, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Anh cho biết: "Để làm được những sản phẩm này cần có cái nhìn tinh tế, tư duy nghệ thuật cao và sự kiên nhẫn, sáng tạo".

Không chỉ có niềm đam mê, sáng tạo trên những sản phẩm đá, Đỗ Xuân Tựa còn biết vận dụng những kinh nghiệm thực tế vào những giờ dạy cho học sinh. Ngoài kiến thức chuyên môn, Tựa còn dày công sưu tầm những câu ca dao, tục ngữ, những châm ngôn sống mang ý nghĩa triết lý khắc lên đá và giảng trong giờ học thực hành để giúp các em hoàn thiện nhân cách.

                                                                                                 Theo: Báo Biên Phòng

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

41
Đang xem:
72.683.798
Tổng truy cập: