Tin tức nổi bật
Phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú: Lại vướng xin – cho
(Ngày đăng: 21/04/2013   Lượt xem: 1112)
Phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú: Lại vướng xin – cho

Những “đệ tử” nghề hát xẩm được Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc VN âm thầm “đào tạo” trong suốt chục năm qua - Ảnh: N.Đ.T

Trong khi  rất nhiều nghệ nhân dân gian đang mòn mỏi sống qua ngày và “trôi dần vào thế giới bên kia” thì bản Dự thảo Nghị định Quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý – sau gần 10 năm trăn trở, vướng mắc.

Tuần qua, bản dự thảo lần thứ 3 một lần nữa lại được xem xét, “mổ xẻ” với rất nhiều điều còn lúng túng, thiếu sự đồng thuận của các nhà khoa học cũng như của chính các nghệ nhân.

Ông tổ của đờn ca tài tử sẽ không được vinh danh?

Cũng giống như việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, tiêu chuẩn, quy trình xét tặng nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) cũng vẫn nặng về thủ tục hành chính một cách cứng nhắc, mang màu sắc của cơ chế xin - cho. Điển hình là những yêu cầu về thời gian làm nghề, bằng khen, huy chương; tài liệu chứng minh tri thức của mình... Nhiều ý kiến cho rằng, việc số hóa, lượng hóa thời gian làm nghề (đối với NNND là 25 năm, NNƯT 20 năm)  là thiếu thực tế. Nghệ nhân có đặc thù riêng, phần lớn là họ được  chân truyền và thực hành từ khi còn rất nhỏ. Lấy gì để làm căn cứ thời gian hành nghề của họ, trong khi đối với nhiều người, đến năm sinh, tháng đẻ của mình còn chẳng nhớ chính xác?

GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN dẫn chứng: Tôi biết ở Mường Tè có thanh niên Hà Nhì mới chỉ 25 tuổi nhưng hát các làn điệu truyền thống của dân tộc rất hay, anh này có thể hát liền 3-4 ngày mà các bài hát không trùng nhau. Rất nhiều người đến học anh hát. Vậy, tại sao phải đợi đến 20 năm sau mới xét tặng danh hiệu? Bên cạnh đó, phần lớn nghệ nhân âm thầm lưu giữ và truyền dạy nếu có người đến học, hỏi lấy đâu ra bằng khen với huy chương để mà đủ điều kiện làm hồ sơ? Việc này, ngay cả đối với các nghệ sĩ đương đại đang rất được công chúng mến mộ, nhưng không hoạt động trong các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng khó mà đáp ứng, chứ nói gì đến những nghệ nhân, phần lớn sống ở “rừng sâu, núi thẳm”? Điều gây phản cảm nữa là trong hồ sơ, “khổ chủ” phải tự làm đơn xin xét tặng, gửi kèm tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp trong việc bảo vệ di sản như: Video, clip, ảnh mô tả, huân chương, huy chương, giải thưởng...  Đây thực sự  là một quy định “đánh đố” nghệ nhân – cũng vì những lý do trên.

Trong Nghị định cũng nêu rõ, chỉ truy tặng đối với những nghệ nhân đã mất trong thời gian 5 năm trước ngày Nghị định này có hiệu lực. Đây cũng là điều phi lý và gây bức xúc đối với các nhà nghiên cứu. GS Tô Ngọc Thanh dẫn chứng, công lao của nghệ nhân Cao Văn Lầu hay nghệ nhân Nguyễn Quang Đại – người đặt nền móng cho bộ môn đờn ca tài tử và nhạc lễ Nam bộ - đã là người yêu văn hóa VN thì không ai không biết. Vậy theo quy định này thì hai ông không được truy tặng danh hiệu hay sao? Rồi với đà soạn thảo, Nghị định này, hàng loạt nghệ nhân nổi tiếng khác có lẽ cũng bị trượt ra khỏi “barem”, vì trong vòng chục năm qua, có đến phân nửa số nghệ nhân  đã “đi theo tiên tổ”. 

Nghệ nhân Hà Thị Cầu không đợi được đến lúc
Nhà nước vinh danh - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Thờ ơ với báu vật

Lâu nay, truyền thông vẫn (tự bảo nhau) phong cho các nghệ nhân danh hiệu “báu vật” của quốc gia, đồng thời lên tiếng đòi các cơ quan quản lý nhà nước phải có chính sách đãi ngộ thích đáng với các báu vật sống ấy. Thế nhưng, được khởi động từ gần chục năm nay, vậy mà quy trình, tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập như nói ở trên. Mặt khác, trong khi tiêu chuẩn xét tặng được lượng hóa một cách máy móc, cứng nhắc, thì chế độ chính sách đối với nghệ nhân lại được nhắc đến một cách chung chung, mông lung:  Khoản 1, điều 3 của Nghị định nói rõ: “...NNND, NNƯT được hưởng một số chính sách đãi ngộ được quy định tại Nghị định này”. Thế nhưng cả 5 chương với 21 điều không thấy nói rõ chính sách đãi ngộ ấy là gì.  

Bộ VHTTDL có giải thích sự chậm trễ trong việc xây dựng nghị định là vì có sự không thống nhất giữa Bộ Công Thương và Bộ VHTTDL. Cụ thể, trước 2009, việc phong tặng nghệ nhân được thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng. Điều 65 của luật này quy định rõ là việc xét tặng nghệ nhân chỉ dành cho lĩnh vực thủ công truyền thống, còn tất cả các nghề khác không được phong nghệ nhân, đồng thời việc phong tặng này cũng được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương làm chứ không phải là Bộ VHTTDL. Trước thực tiễn cần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân, năm 2009, Quốc hội  đã sửa Luật Di sản Văn hóa, đồng thời sửa Luật Thi đua khen thưởng. Điều 3 (sửa đổi) của Luật Thi đua khen thưởng đã nói rõ danh hiệu NNND, NNƯT để dành cho người có công, có tài trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Sau đó, Bộ VHTTDL được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các ngành liên quan xây dựng nghị định, nhưng rất tiếc năm 2012, việc này bị “đứt gánh” giữa đường do Bộ Công Thương vẫn dứt khoát “giữ” các nghệ nhân nghề thủ công truyền thống của mình như từ trước đến giờ, với sự đồng ý của Chính phủ. Trong khi đó, bộ VHTTDL lại cho rằng, nghề thủ công truyền thống  là một loại hình văn hóa phi vật thể. Chuyện cứ thế nhùng nhằng giữa hai bên, và đến giờ thì có thể nói chắc chắn là sẽ có 2 nghị định để áp dụng cho việc phong tặng NNND, NNƯT - một do Bộ Công Thương soạn thảo cho lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, một do Bộ VHTTDL soạn thảo cho 6 lĩnh vực còn lại của văn hóa phi vật thể: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống và Tri thức dân gian.

Mặc dù sự giải thích phần nào cũng có lý, nhưng không thể biện minh cho việc làm quá chậm trễ này. Đến nay, cho dù vấn đề đã ngã ngũ, nhưng bao giờ nghị định được hoàn thiện, trong bối cảnh vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều; bao giờ được thông qua; bao giờ mới có thông tư hướng dẫn? Thiết nghĩ, việc sớm có chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân là một việc “sáng như ban ngày”, vậy tại sao các cấp quản lý cứ mãi thờ ơ với những “quốc gia chi bảo” như vậy và bắt họ đợi đến bao giờ?
                                                                                               Theo: Lao Động
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

29
Đang xem:
72.683.725
Tổng truy cập: