Tin tức nổi bật
Về làng nổi tiếng "đinh tai nhức óc"
(Ngày đăng: 19/04/2013   Lượt xem: 1140)
Nằm ven đô, có một làng nghề nổi tiếng chuyên rèn các dụng cụ phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân từ bao đời nay. Những vật dụng quen thuộc như dao, kéo, búa, rìu, cày, cuốc, thuổng… được người dân dày công thức khuya dậy sớm để cho ra những sản phẩm mộc mạc.

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường nhiều sản phẩm dao, kéo từ các nước Trung Quốc, Thái Lan…cạnh tranh, nhưng người làm nghề Đa Sỹ (quận Hà Đông – Hà Nội) vẫn trụ bám nghề và sống được từ nghề. Hoạt động của các cơ sở rèn ở Đa Sỹ bắt đầu từ tờ mờ sáng, đèn điện sáng choang. Người lạ đến làng đôi khi giật mình bởi âm thanh từ những xưởng rèn, nhưng người dân Đa Sĩ đã quen tiếng búa đập sắt từ lâu, với họ đó chính là một phần của cuộc sống.

PV Infonet tìm đến cơ sở làm dao, kéo của anh Hùng Hương đến nay đã qua 4 đời làm nghề. Sản phẩm chính của gia đình ông là các loại dao thái, chặt, kéo, cuốc... Cầm trên tay con dao sắc lẹm anh Hùng chặt vào thanh sắt tóe lửa mà lưỡi dao vẫn y nguyên không sứt mẻ gì. Anh  bảo, dao này mà chặt xương bò, xương lợn thì ngọt như chặt chuối…

Về Đa Sý người ta bắt gặp nhiều cơ sở vẫn sống được từ nghề

Theo anh Hùng, một ngày làm việc của cơ sở bắt đầu từ tờ mờ 4 – 5h sáng. Khi nhóm lò rực lửa là bắt đầu anh đưa nguyên liệu sắt vào luyện. Khi đến đủ độ “già” có thể luyện ra các loại dao, thuổng, cuốc, búa, rìu… là anh đưa ra chuốt bằng máy làm. Anh Hùng cho biết, dao kéo mà chuốt bằng máy thì không thể sắc bằng đập búa bằng tay, như thời trước cha ông tôi làm thủ công…

Nếu như trước kia, người làm nghề rèn dao, kéo bằng công đoạn thủ công, rất lâu và mất nhiều sức thì nay phần lớn đã chuyển sang làm bằng máy. Các loại máy cắt, máy dập, chốt… được đưa vào làm nghề để cơ giới hóa, giảm công sức lao động.

“Nếu làm đầy đủ thì nghề cũng cho thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm thì hàng không kịp làm ra để bán, mặc dù cơ sở của anh mỗi ngày làm tới vài trăm sản phẩm các loại.” – Anh Hùng cho biết.

Chúng tôi tìm vào gia đình nhà ông Nguyễn Văn Sử làm nghề rèn dao kéo đã 5 đời nay. Bố ông từng là thợ rèn bậc cao, chuyên làm mẫu sản phẩm cho các gia đình học tập, hoặc chế sản phẩm theo bản vẽ của khách hàng. Điều kỳ lạ là trong khi các hộ làm nghề đều đầu tư máy móc thì ông Sử là người duy nhất trong làng vẫn rèn dao kéo thủ công, kiên trì quai búa bằng tay. 

Các loại dao, kéo sản phẩm của làng nghề Đa Sỹ

Vợ và các con ông cùng tham gia vào công đoạn sản xuất. “Nhiều đời nay làm rèn thủ công gia đình tôi đã quen với tiếng đập búa rồi. Bản thân tôi cũng thế, mỗi một nhát đập búa xuống miếng phôi thép đỏ lừ nóng rực để rèn ra con dao cái kéo còn có tình cảm của người làm nghề trong đó nữa, sản phẩm làm ra như thể có hồn” – Ông Sử cho biết.

Một ngày làm việc của gia đình ông Sử bắt đầu từ 6 giờ sáng. Bếp than được đốt lên, chiếc quạt điện mi ni thổi thay cho cái bễ, phôi thép được nung hồng lên rồi đặt lên đe, vợ ông nâng búa tạ đập dẹt thành hình con dao và 3 lần nung đập như vậy thì cơ bản rèn xong bản thô một con dao. Nhiều người khuyên ông mua máy cho nhàn nhưng ông muốn giữ nghề truyền thống này bằng chính những sản phẩm chất lượng chứ không chạy theo số lượng.

Theo ông Sử, khi những sản phẩm thô đã qua giai đoạn làm phôi, nung, rèn, thì đến giai đoạn "dẻo", để tạo thành hình dáng hoàn chỉnh của sản phẩm, sau đó được cho vào lò nung lại cho đỏ trắng rồi "tôi" qua nước trắng khoảng 10 - 15 độ hoặc dầu để lấy màu rồi đến công đoạn gọt cánh. Các công đoạn tiếp theo là mài nước, gạt màu, đánh phớt bóng, bôi dầu, tra cán…


Chính vì vậy, nghề rèn Đa Sỹ thu hút nhiều phụ nữ, trẻm em tham gia. Ở làng rèn Đa Sỹ, mỗi gia đình đều có ký hiệu riêng để khẳng định thương hiệu sản phẩm của mình và trong làng có rất nhiều nghệ nhân, mỗi người giỏi một thứ. Nghệ nhân Hoàng Văn Trụ thì chuyên về rèn bào, nghệ nhân Bính Nga giỏi rèn rừu, búa…

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, một số gia đình chạy theo số lượng đã bỏ đi một số công đoạn nung sản phẩm làm cho “già” dao, kéo, búa… để cho ra nhiều sản phẩm, nhưng chất lượng kém nên đã ảnh hưởng đến danh tiếng của làng nghề.

Thậm chí, theo tìm hiểu một số hộ còn chạy theo lợi nhuận “ngầm” rèn cả đao, kiếm, mã tấu… theo đơn đặt hàng với giá từ vài trăm đến 1 triệu đồng/chiếc. Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã đến từng hộ dân làm nghề ký bản cam kết không rèn những loại “hung khí”, nếu vi phạm sẽ có các hình thức xử lý…




Những sản phẩm từ làng nghề

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

38
Đang xem:
72.683.495
Tổng truy cập: