Tin tức nổi bật
NSND Xuân Hoạch: "Làm tiếng tơ và nói tiếng lòng"
(Ngày đăng: 17/04/2013   Lượt xem: 1154)

Coi cây đàn như trái tim thứ hai của mình, cả cuộc đời NSND Xuân Hoạch gắn bó và say mê với những cây đàn.

Từ những vật liệu đơn giản như trúc phật bà, ống tre hay vỏ quả bầu nậm, quả dừa…nghệ sĩ nhân dân (NSND) Xuân Hoạch đã biến tấu thành những chiếc đàn nhị với dáng vẻ vô cùng độc đáo.

Với ông, từng chiếc đàn nhị như tiếng lòng được cất lên với những thanh âm hoàn toàn khác nhau. Có thể ông chưa đặt tên được cho tất cả những chiếc đàn mình làm ra bởi sự khác biệt về âm thanh nhưng tình yêu ông gửi gắm trong tiếng đàn, trong cách mày mò từng chi tiết cho chiếc đàn của mình thì không phải ai cũng làm được.

Sáng nào cũng vậy, công việc đầu tiên của Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch là “thăm đàn”. Hàng chục chiếc đàn bầu, đàn nhị được treo ngay phòng khách sẽ là những vị khách đầu tiên, rồi mới đến những chiếc khác ở tầng trên. Ông kể là ngồi đánh đàn đáy mà lõm hết cả ghế, làm vợ ông cứ kêu trời: “Ối giời, ông làm thế này thì  phá hết ghế của tôi còn gì nữa”.

Nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch bên cây đàn cổ

Yêu đàn, nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch bắt tay làm đàn, nhiều nhất là đàn nhị, rồi đến đàn bầu dưới dạng phục chế đàn cổ. Điều đặc biệt, dây đàn được ông tự làm bằng dây tơ chứ không phải dây ni lông hay dây sắt. Theo ông, xưa kia âm thanh của nhạc cụ dân tộc đều được ông cha ta làm bằng dây tơ. Sau này, do ảnh hưởng của văn minh phương Tây nên thay thế dây tơ là dây sắt hoặc là dây cước (tức dây ni lông). Mỗi loại dây có một thanh âm khác nhau nhưng tiếng tơ lại là tiếng gần gũi với dân tộc ta bởi nó được sinh ra từ sản xuất nông nghiệp.

“Trong như tiếng hạc bay qua - Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”. Tiếng đục này có ở trong tiếng đàn đáy vì dây tơ là dây tự nhiên, không vang. Tiếng đục của nó có, nó mang lại tiếng của ông cha ta. Khi con tằm nhả tơ, qua độ nước sôi thì kéo lên. Cả con tơ to, dài kéo suốt ra, về gỡ lấy rồi làm. Chất nhựa ấy khi quấn lại mới bám lấy nhau. Và có một chút gọi là công nghệ tự nhiên của những người làm về dây tơ mới cho nó xoắn lại, tròn lại được. Tai nghe, tay làm, có khi cả sợi tơ dài, chỉ cần búng lên một cái xem có chuẩn không. Xong thì se lại để nó quấn lại với nhau đến chặt để làm nên một dây đàn.

Ba bộ phận quan trọng để tạo nên một chiếc đàn là hộp cộng hưởng, dây đàn và vĩ kéo. Hộp đàn được làm từ vỏ quả dừa, quả bầu nậm - được bạn ông chọn mua từ Quảng Trị. Còn vĩ kéo đàn nhất định phải làm từ lông đuôi con ngựa bạch. Tiếng đàn từ dây tơ cũng như tiếng lòng, lúc trầm, lúc bổng mà khi kết thúc lời hát, tiếng đàn bằng dây tơ mới đem lại dư âm cho người nghe. Nghe ông miêu tả mới thấy thú chơi tao nhã này cũng cần thời gian mày mò, tìm kiếm mới có thể có những vật liệu để tạo nên một chiếc đàn chuẩn.

Không phụ công người làm ra, những chiếc đàn này đã đi cùng ông qua những năm tháng công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Trung Ương. Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch không chỉ được biết đến là nghệ nhân đàn đáy của nghệ thuật Ca trù mà còn là nghệ nhân hát Xẩm nổi tiếng Hà thành. Ông bảo: Người hát Xẩm phải là “tay đàn, miệng hát” cùng lúc, không thể người kia hát, người này kéo nhị, đánh trống. Vì thế hát Xẩm và kéo được nhị mới thấy tiếng lòng thứ hai của mình.

“Khi biết về nó mới thấy được cái hay, tức là anh diễn tả thế nào theo điệu hát. Ví dụ vừa hát vừa kéo theo. Hoặc không thì là những điểm xuyết, cũng có khi đang hát thì giả tiếng trống, búng vào dây. Có một mình thì không có cái gì kèm theo cả, ở dưới chân thì có một cái song loan, hai tay hai chân không có gì cả thì dúng tay búng vào dây thay cho tiếng trống và tiếng song loan để chuyển tải tình thần, lời hát của mình vào đó. Có những bài vui, bài buồn. Buồn thì phải xử lý như thế nào. Vì thế, giữa người hát và chiếc đàn nhị cũng như một người hai tim vậy.” – NSND Xuân Hoạch tâm sự.

Cùng với tiếng hát trời phú, những chiếc đàn nhị đã gắn bó với NSND Xuân Hoạch như những người bạn tâm giao. Chả thế mà, khi nhắc đến tên ông, Nghệ sĩ ưu tú Văn Ty - Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đều nhắc đến chuyện ông Xuân Hoạch trùm chăn tập kéo nhị, hát Xẩm những ngày mới bén duyên với môn nghệ thuật này. Ông và NSND Xuân Hoạch đã cùng hát rất thành công các bài: xẩm chợ, xẩm ba bậc, Anh Khóa – những bài xẩm mẫu mực cho lớp sau.

Là một trong ba nghệ sĩ của Việt Nam được tổ chức World Masters - Những bậc thầy thế giới (WMOC) công nhận là nghệ nhân thế giới, cả đời NSND Xuân Hoạch đã trăn trở với di sản văn nghệ của ông cha. Tâm huyết nhiều, cay đắng cũng lắm nhưng ở cái tuổi ngoại lục tuần, ông vẫn say hát, say đàn, tỷ mẩn với từng sợi tơ để đem lại tiếng vui cho lòng mình./.

                                                                                         Theo: VOV

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.666.777
Tổng truy cập: