Tin tức nổi bật
Lửa cháy bên lề và đường cái quan băng lạnh...
(Ngày đăng: 15/04/2013   Lượt xem: 1181)
Gặp Giáo sư Tô Ngọc Thanh ở hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú của Bộ VHTTDL về, tôi cứ buồn mãi. Vì cái khối tâm huyết hừng hực lửa nhưng đơn độc của ông làm sao nung chảy được cả tảng băng khổng lồ?

GS Tô Ngọc Thanh
GS Tô Ngọc Thanh

Cả tuổi mụ thì năm nay Giáo sư Thanh 80 tuổi rồi, ông nhỏ bé và gầy guộc, nhưng chí khí thì mạnh mẽ lắm. Trong hội thảo, ông đóng góp ý kiến thẳng thắn, ngoài hội thảo, ông nhiệt huyết trò chuyện với cánh báo chí chúng tôi. Ông lo cho các nghệ nhân dân gian, chờ được cái Nghị định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú của Chính phủ giao cho Bộ VHTTDL và các cơ quan ban ngành soạn thảo suốt 10 năm nay chưa xong, nhiều cụ đã đi rồi.

Cụ Mơn ca trù ở Hà Tĩnh, qua đời năm 2011 không ai hay, cụ Kim ca trù ở Thanh Hóa, trong Liên hoan ca trù năm 2011, người ta còn phát cho bằng khen, tưởng cụ ốm không ra Hà Nội nhận được, hỏi ra mới biết hóa ra cụ qua đời trước đó vài tháng rồi. Gần đây nhất là nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Họ từng được coi là những “báu vật nhân văn sống” nhưng đều ra đi trong nghèo khó, trong khi ấy, dự thảo Nghị định phong tặng danh hiệu cho họ soạn suốt 10 năm qua đang dừng ở mức... dự thảo lần thứ 3.

Khởi động từ cách đây 10 năm, nhưng cho đến hôm nay, Nghị định vẫn chỉ dừng ở mức dự thảo với vỏn vẹn 10 trang giấy A4, chia trung bình vị chi mỗi năm được 1 trang. Nhiều lần hỏi đến những vị có trách nhiệm của Cục Di sản thì được biết: “Chúng tôi đều biết vai trò của các nghệ nhân là rất quan trọng, rất mong muốn có một chính sách thỏa đáng đối với những người có công gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, nhưng muốn làm gì cũng phải dựa trên cơ sở pháp lý”.

Giáo sư Thanh buồn bã nói: “Đây là vấn nạn chung của các cơ quan công quyền rồi, không cứ gì chuyện này. Một mình Bộ VHTTDL cũng không quyết định được, còn Bộ Tài chính, Bộ Y tế nữa. Ví dụ thế này, bây giờ muốn có một cái thẻ bảo hiểm y tế cho các nghệ nhân cũng đâu có dễ, tôi đã 10 năm nay đi xin thẻ bảo hiểm cho các cụ mà vẫn không được”.

Một vị giáo sư khác, ông Hoàng Chương, cầm tập dự thảo Nghị định với quá nhiều chương, điều, thủ tục hành chính đã thốt lên: “Nhiều người đã chờ đợi để được phong tặng nhưng không chờ nổi rồi chết đi, như nghệ nhân Hà Thị Cầu, báu vật quốc gia nhưng có được hưởng gì đâu. Điều đó nói lên chúng ta chậm chân quá, phải nhanh chân lên, đừng bắt nghệ nhân kê khai những bộ hồ sơ ghê gớm mà nên lược bớt những thủ tục, cứ có tài, được nhân dân công nhận là đủ yếu tố phong tặng, còn bắt làm thủ tục dài dòng chẳng khác nào hành hạ họ”.

Trong dự thảo yêu cầu nhiều thủ tục hành chính lắm, nào là các nghệ nhân phải có bản khai thành tích, các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những  đóng góp gồm video clip, ảnh, bản sao công chứng quyết định tặng thưởng huân huy chương... Ông Thanh chua chát: “Tôi nói thật, phong tặng như thế quá là đánh đố các nghệ nhân. Người ta ở tận xó núi, xó làng, cả đời chẳng biết cái nghị định này là cái gì, khả năng tiếp cận đến bộ hồ sơ này của họ không dễ. Những người ở xó rừng lấy đâu ra bằng khen, huy chương với cả video clip mà chứng thực tài năng?”.

Hội Văn nghệ dân gian của ông Thanh đã nhiều chục năm nay phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian theo cách riêng của họ, không quan phương, không công quyền, rất gần dân và dựa vào dân. Đi đến từng làng, hỏi người dân là ra hết, này các ông các bà ơi, làng mình ai hát ví hay nhất nhỉ, người ta nói luôn: “Cụ Ba chứ còn ai nữa, cụ ấy hát mấy đêm cũng không hết bài, các ông có đủ máy mà ghi không?”.

Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu chết trong nghèo đói
Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu chết trong nghèo đói

Rồi giáo sư Thanh lo ngại: “Làm kiểu thủ tục hành chính thế này thì tới đây sẽ có hàng ngàn nghệ nhân được phong tặng, mà sẽ có cả các trường hợp “rởm” nữa, cứ trưng bằng khen ra là được, mà các cán bộ ở các trung tâm văn hóa chuyên đi thi đấu thì có nhiều bằng khen, huy chương lắm. Chúng tôi luôn coi các nghệ nhân là những người thầy lớn để trân trọng, còn các cơ quan nhà nước chỉ xem họ là những số phận thôi. Thôi thì xem họ là những số phận cũng được, nhưng phải nhớ rằng những số phận ấy đã mang theo toàn bộ những sáng tạo của các tiền nhân từ hàng chục thế kỷ, ví dụ nghệ nhân Hà Thị Cầu mất rồi thì xẩm còn ai? Thế nên nếu làm không nhanh, không kịp thì chúng ta là những người có lỗi”.

Tôi chia sẻ với nỗi lo lắng và nỗi buồn sâu thẳm của giáo sư Tô Ngọc Thanh, ông năm nay 80 tuổi rồi, làm bao nhiêu công trình khoa học rồi, nhưng vẫn khiêm tốn nhận là học trò nhỏ của các nghệ nhân. Ông quan tâm đến chế độ của các nghệ nhân bằng cái nghĩa “thầy trò”. Ông phát biểu đến mức “sùi bọt mép” ra những vấn đề tâm huyết về cuộc sống của các nghệ nhân đang hàng ngày giữ gìn di sản ở xó núi, xó rừng, xó làng. Cả đời họ chắc chưa từng biết đến cái Nghị định Bộ soạn thảo ròng rã suốt 10 năm nay phủ kín những 10 trang giấy A4.

Tôi càng buồn cho tâm huyết của những người như giáo sư Thanh, cứ hừng hực như lửa, vì nghệ nhân đều đang như nến trước gió nhưng trái lại, các cơ quan công quyền thì cứ lừ lừ như tàu điện, làm gì cũng phải đợi có luật.

Hỡi ôi, chúng ta dù có nóng như lửa đốt thì chúng ta cũng vẫn chỉ là những đám lửa bên lề thôi, đường cái quan băng phủ kín hết rồi.

                                                                                  Theo: Phụ Nữ Today
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.667.049
Tổng truy cập: