Tin tức nổi bật
Mô hình “mỗi làng một sản phẩm”của tỉnh OiTa - Nhật Bản
(Ngày đăng: 12/04/2013   Lượt xem: 1588)
Langnghevietnam.vn ( LNVN ) - Hiện nay Phong trào “mỗi làng một sản phẩm” ở tỉnh Oita của Nhật Bản đã thực sự thu hút sự quan tâm, học hỏi và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Thái Lan, Trung Quốc, Cam puchia, Indonesia và Việt Nam. Đây là một điển hình về mô hình phát triển nông thôn của Nhật Bản. Được sự quan tâm tạo điều kiện của Hiệp hội Xúc tiến, trao đổi kinh nghiệm mỗi làng một sản phẩm của Nhật Bản. Hiệp hội làng nghề Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo và phát triển thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á do Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam làm trưởng đoàn, từ ngày 12 đến ngày 19/3/2013 sang thăm và làm việc tại tỉnh Oita - Nơi khởi xướng  mô hình “mỗi làng một sản phẩm”  phát triển khá thành công.


Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hôi Làng nghề Việt Nam cùng Đoàn tại Nhật Bản

Là một tỉnh nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản, Oita cách thủ đô Tokyo khoảng 500 km. Cuối những năm 70, khi Nhật Bản đã cơ bản thực hiện xong công cuộc Công nghiệp hóa đất nước, các ngành công nghiệp đã được hình thành và phát triển ở khu vực thành phố tạo nên sự thu hút mạnh mẽ về lao động từ các vùng nông thôn, trong đó có tỉnh Oita. Thế hệ trẻ sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề đều không muốn trở về vùng nông thôn nơi họ đã được sinh ra và lớn lên mà muốn ở lại thành phố và các trung tâm công nghiệp. Điều này đã dẫn đến tình trạng hoang tàn và giảm dân số nghiêm trọng ở vùng nông thôn nói chung và tỉnh Oita nói riêng - hầu như chỉ còn người già và con trẻ ở những khu vực này. Đứng trước tình hình đó, ngay sau khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu tỉnh Oita, Ngài Morihiko Hiramatsu đã đề xuất một loạt sáng kiến để khôi phục lại kinh tế của Oita, trong đó có phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”.

Theo ngài Tadashi Uchida, phó Giám đốc điều hành của “Ủy ban xúc tiến phát triển quốc tế của phong trào mỗi làng một sản phẩm” tỉnh Oita cho biết: có 3 nguyên tắc cơ bản để phát triển phong trào đó là: thứ nhất: Hành động địa phương nhưng suy nghĩ toàn cầu; thứ hai: tự tin, sáng tạo và cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực. Mỗi địa phương, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mình lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của địa phương để phát triển. Trong phong trào ở Oita, người ta có thể tìm ra những sản phẩm rất bình dị trong cuộc sống như nấm Shitake và các sản phẩm từ sữa bò, hàng gỗ mỹ nghệ ở thị trấn Yufuin, cam, cá khô ở làng Yonouzu, chè và măng tre ở làng Natkatsu hay các lại bánh ngọt…Trong 20 năm kể từ năm 1979-1999 với ý tưởng làm sống lại nghề truyền thống cùng với phong trào mỗi làng một sản phẩm đã tạo ra được 329 sản phẩm với tổng doanh thu là 141 tỷ yên/năm (trên 1.1 tỷ USD hay 19.000 tỷ đồng Việt Nam). Việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm có lẽ là một vấn đề luôn được quan tâm nhất, dù ở Nhật Bản hay Việt Nam của chúng ta.Với phong trào mỗi làng một sản phẩm ở Oita, đã có rất nhiều sáng kiến bán hàng được áp dụng.

Ông Lưu Duy Dần cho biết: Tại khu mua sắm Tokiwa, một trong số các chuỗi siêu thị lớn của Nhật Bản. Ở đây các sản phẩm của phong trào mỗi làng một sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp Oyama đã được trưng bày riêng một khu vực gọi là “Konohana Garten” và bán với hình thức các hợp tác xã đưa hàng đến giao cho siêu thị hàng ngày. Với các mặt hàng tươi sống (như rau chẳng hạn), nếu không bán hết và chất lượng có sự suy giảm sẽ được các Hợp tác xã thu lại trong những lần đến giao hàng tiếp theo. Chúng ta dễ nhận ra vô số các sản phẩm rất thiết thực cho cuộc sống hàng ngày ở đây, từ nhành hoa, bó rau, cây nấm…. đến các sản phẩm đã được chế biến như các loại rượu, nước ép trái cây, cá philê…Nét đầu tiên chúng ta có thể nhận ra như một yếu tố thành công của việc tiếp thị các sản phẩm của phong trào chính là yếu tố chất lượng. Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh ở công nghệ chế biến và bảo quản đã được giám định kỹ lưỡng bởi các cơ quan chức năng cũng như bởi ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao trong hành vi của người Nhật Bản mà còn thể hiện rất rõ ở nghệ thuật bao bì, đóng gói, luôn bắt mắt và thuận tiện cho việc vận chuyển, sử dụng của người tiêu dùng.

Phương thức bán hàng cũng rất ấn tượng – Ban lãnh đạo các hợp tác xã Oyama thay thay mặt các thành viên của mình để tìm kiếm thị trường, tổ chức giao hàng đến các điểm tiêu thụ. Trong trường hợp bán hàng tại “Konohana Garten” này, giá bán do HTX quyết định, trong cơ cấu giá bán đó HTX trả siêu thị 8% về chi phí thuê địa điểm, bán hàng…, hợp tác xã hưởng 12% chi phí giao nhận, tìm kiếm thị trường, còn lại 80% trả lại người sản xuất. Người phụ trách siêu thị nói: Chúng tôi chỉ thu 8%, thực tế không thể đủ trang trải chi phí thuê mặt bằng và chi phí bán hàng, tuy nhiên nhờ uy tín về chất lượng của các sản phẩm trong phong tào mỗi làng một sản phẩm, khách hàng đến với siêu thị chung tôi nhiều hơn và ngoài việc mua các sản phẩm của phong trào, khách cũng mua các mặt hàng khác của chúng tôi nhiều hơn. Không chỉ trưng bày bán hàng tại Tokiwa, hợp tác xã nông nghiệp Oyama còn mở một nhà hàng Konohana Garten ngay tại siêu thị này để chế biến những món ăn của phong trào phục vụ khách hàng.

Việc bán hàng còn được tiến hành có tổ chức rất tốt thông qua hệ thống 16 trạm dừng chân bên đường ở tỉnh Oita (mô hình này đang bắt đầu được triển khai thí điểm tại Việt Nam do JICA tài trợ) và 52 cửa hàng bán sản phẩm ngay tại địa phương.

Có thể nói, để tạo ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng được nhu cầu tiêu dừng của người Nhật Bản không phải là chuyện đơn giản, chính vì vậy, song hành với việc phát triển mỗi làng một nghề chính là việc phát triển các trung tâm nghiên cứu và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Đoàn đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng tre thủ công của tỉnh Oita. Trung tâm có 2 nhiệm vụ chính, thứ nhất là nghiên cứu các công nghệ sản xuất, bảo quản…nhằm tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao như vải tre, khăn mặt tre, than tre, các loại tre vuông, tre màu tự nhiên…đồng thời, với chức năng thứ 2, Trung tâm sẽ tiến hành đào tạo đội ngũ nghệ nhân và người thợ thủ công của Nhật Bản áp dụng các công nghệ đã được nghiên cứu vào sản xuất thực tế. Không như nhiều mô hình đào tạo ở các quốc gia khác, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng tre thủ công của Oita không tiến hành đào tạo cho mọi loại mặt hàng tre mà chỉ tiến hành đào tạo kỹ thuật sản xuất các mặt hàng tre thực sự là sản phẩm truyền thống gắn liền với lịch sử và văn hóa lâu đời của địa phương, đồng thời có những điều chỉnh cần thiết để phù hợp với nhu cầu hiện tại của khách hàng. Có thể thấy ở đây các giỏ hoa, khay đựng chè, giá để khăn…đã từng tồn tại từ thời kỳ Muromachi trong lịch sử của Nhật Bản. Các học viên được đào tạo tập trung rất kỹ lưỡng để hoàn thành từng loại sản phẩm từ những công đoạn đầu tiên như lựa chọn nguyên liệu, xử lý và pha chế nguyên liệu, các kỹ thuật đan như wakoami, maruami, yokoami, hiraami và ajiroami, kỹ thuật nhuộm, sơn mài, hoàn thiện…Mỗi khóa học như vậy thường được tổ chức trong 1 năm với kinh phí do chính quyền tỉnh hỗ trợ.Các chuyên gia đào tạo tại Trung tâm nói rằng, nguồn tài nguyên của bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ địa phương nào cũng có hạn, vì vậy nhiệm vụ của chúng ta là sử dụng nguồn tài nguyên đó một cách hiệu quả nhất để đem lại những giá trị tốt nhất cho cuộc sống. Họ cho rằng, trước sức ép của các mặt hàng đan lát giá rẻ đến từ các nước như Trung Quốc, Việt Nam,  Indonesia…cách duy nhất để hàng đan lát Nhật Bản tồn tại và giữ được bản sắc văn hóa chính là sự kết tinh các giá trị văn hóa trong từng sản phẩm, là việc phát huy tính sáng tạo của người thợ thủ công để sản xuất ra các mặt hàng độc đáo và có giá trị kinh tế cao.

Rời Trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng tre thủ công của Oita đoàn đã đến với Atelier Toki, một ngôi làng nhỏ mang đậm dáng dấp cổ xưa của ngôi làng Nhật với những bức tường, mái ngói mang dáng rêu phong của thời gian. Mặc dù đã được giới thiệu trên suốt hành trình về ngôi làng này nhưng thành viên trong đoàn vẫn không khỏi ngạc nhiên khi được chiêm ngưỡng một cảnh quan không gian thật là đẹp, một vẻ đẹp hết sức tự nhiên với những con đường không một vết bẩn, có chăng chỉ đó đây một vài cánh lá rơi trang điểm thêm dáng vẻ tự nhiên. Đã từ lâu, người dân của Atelier Toki đã lựa chọn mô hình du lịch sinh thái kết hợp với làng nghề như một mô hình phát triển mà toàn cộng đồng theo đuổi. 

Đoàn nghiên cứu còn ghé thăm Viện thiết kế của làng Atelier Toki. Gọi là Viện song những người làm việc ở đây đều là những nghệ nhân và cũng chỉ có khoảng 5 người làm việc để phát triển các sản phẩm cho làng nghề của mình. Làng nghề ở đây cũng không nhiều người như ai đó vẫn hình dung mà cũng chỉ là một nhóm 20-30 người, nhiều nơi thậm chí còn ít hơn 10 người.

Ông Tatsuo Tokimatsu, một nghệ nhân của viện đã giới thiệu với đoàn về các sản phẩm do viện làm ra, từ những chiếc bát, đôi đũa, bộ khay… Có đến hàng trăm loại sản phẩm, tất cả đều được bày biện một cách gọn gàng, và đặc biệt, đều được làm một cách hết sức tinh tế và đẹp. Ông nói, “Người dân Atelier Toki chúng tôi không bao giờ coi một cành cây gãy là vô dụng, chúng tôi có thể sử dụng để tạo nên rất nhiều sản phẩm từ những cành cây đó. Với cành cây to, chúng tôi dùng làm bát, đĩa… những mảnh nhỏ hơn, có thể dùng làm dĩa, thìa hay các loại gác đũa…”, Ông cũng cho biết thêm “để chặt một cây dùng để làm hàng gỗ mỹ nghệ, tất cả người dân đều có ý thức trồng mới ngay 10 cây, có như vậy thì mới có nguyên liệu để sản xuất lâu dài được” bởi vì, ông tiếp lời “ các bạn thấy đấy, nếu nhìn vào cuộc sống của chúng ta thì thật là có nhiều việc phải làm và chúng tôi luôn sản xuất các mặt hàng để đáp ứng kịp thời cuộc sống của các bạn”.

Đoàn đi thăm nhiều mô hình mỗi làng một sản phẩm ở Oita như mô hình trồng nấm Sitake ở thị trấn Yufuin, thưởng thức hương vị nấm nương tuyệt vời ở đây, rồi tới thăm trang trại nuôi bò sữa và chế biến các sản phẩm sữa của làng Tsukahara…, tất cả đều thật ấn tượng với ý chí vươn lên, tính tổ chức khoa học, việc sử dụng nguồn tài nguyên hết sức hiệu quả của người dân Nhật Bản trong xây dựng và phát triển cộng đồng.

Kết thúc chuyến công tác, Ông Lưu Duy Dần có nhận xét: Nhật Bản là một quốc gia vốn nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản, thảm họa thiên nhiên rình rập từng ngày mà giờ đây trở thành một đất nước phát triển hàng đầu thế giới. Mô hình phát triển nông thôn của Nhật Bản nói chung và phong trào mỗi làng một sản phẩm nói riêng. Những triết lý và bài học được đúc rút từ kinh nghiệm thực tế của người Nhật Bản như “Nguồn tài nguyên là có hạn nhưng sự sáng tạo là vô hạn”; “nếu bạn có kỹ năng và óc sáng tạo thì những nguồn tài nguyên tưởng như là bỏ đi sẽ trở thành những vật dùng quý giá, nhưng ngược lại, nếu bạn không có kỹ năng và sự sáng tạo, thì những nguồn tài nguyên quý giá nhất cũng sẽ trở thành vô dụng” và quan trọng là người dân Nhật bản rất coi trọng về mẫu mã, chất lượng mỗi một sản phẩm họ làm ra. Chuyến công tác Nhật bản còn đọng lại mãi ở các thành viên trong đoàn và tin tưởng làng nghề truyền thống Việt Nam chính là mỗi làng một sản phẩm có từ lâu đời của lịch sử Việt Nam nhất định sẽ tồn tại và phát triển bền vững. 

Nguyễn Vân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.666.890
Tổng truy cập: