Tin tức nổi bật
Phong tặng nghệ nhân: Không nhanh sẽ muộn
(Ngày đăng: 10/04/2013   Lượt xem: 1389)
Bộ VHTT&DL vừa hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu nghệ nhân và đang gấp rút lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Dự kiến Nghị định sẽ được ban hành trong năm 2013.


Nghệ nhân hát xoan
104 tuổi Lê Thị Đá 

1.
Trong Dự thảo Nghị định lần này, việc xét đặc cách và truy tặng danh hiệu cho nghệ nhân dân gian: bao gồm nghệ nhân nhân dân (NNND) và nghệ nhân ưu tú (NNƯT) là những nội dung được chú ý. Từ nhiều năm nay, những nghệ nhân dân gian hội đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT theo luật định nhưng do tuổi cao, sức yếu hoặc đã mất thì có được xét đặc cách hoặc truy tặng danh hiệu NNND, NNƯT hay không? Giải đáp vấn đề này, Dự thảo Nghị định đã đưa ra những nội dung cụ thể.

Theo dự kiến, Nghị định sẽ được ban hành trong năm 2013 này, nhưng người ta không khỏi băn khoăn, lo lắng  khi mà các nghệ nhân dân gian hiện nay đều đã ở độ tuổi gần đất xa trời. Nhiều năm nay, trong khi chờ đợi chính sách, cơ chế đãi ngộ của nhà nước, các nghệ nhân lần lượt ra đi lặng lẽ. Trường hợp nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu vừa qua đời là một ví dụ về cuộc đời của những người "có tiếng” mà không "có miếng”- bởi những đóng góp lớn của cụ Cầu trong việc gìn giữ một loại hình âm nhạc dân tộc đã được ghi nhận. Chiểu theo Dự thảo Nghị định mới này, cụ Cầu sẽ có trong danh sách được truy tặng. Tuy nhiên, trong dự thảo, phần quy định đối với những đối tượng được truy tặng, cụ thể như "đã mất trong thời gian 5 năm trước ngày Nghị định có hiệu lực” liệu có phải  là quá khô cứng, máy móc? Và ít nhiều nó cũng sẽ gây ra sự thiệt thòi với những nghệ nhân đã mất trước thời điểm 5 năm ngày Nghị định có hiệu lực.



Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Tuệ với nghệ nhân sử thi Rơchăm Bin

2. Để vá "lỗ thủng” cho cơ chế phong tặng nghệ nhân, Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam đã mang lại niềm vui cuối đời cho hàng trăm nghệ nhân. Rồi các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ… cũng đã có chế độ đãi ngộ nghệ nhân hợp lý- khi mà thực tế, nghệ nhân hát Xoan cổ ở Phú Thọ chỉ còn 69 người, trong đó có 8 người còn đủ sức khỏe và khả năng truyền dạy. Hiện nghệ nhân hát xoan cao tuổi nhất là 104 tuổi. 

Và trong khi chờ đợi được tôn vinh và ghi nhận ở cấp cao hơn, thì năm 2010, tỉnh Bắc Ninh đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh cho 41 cá nhân tiêu biểu, kèm theo số tiền thưởng 5 triệu đồng mỗi nghệ nhân. Sau 3 năm, đã có 6 cụ về với tổ tiên, những người còn lại, ít tuổi nhất cũng đã 82 tuổi và nhiều nhất là gần 100 tuổi. Ông Nguyễn Thừa Kế năm nay đã bước sang tuổi 93, gắn bó với Quan họ từ năm 1938, nghĩa là ba phần tư thế kỷ ông gắn bó với những làn điệu của quê hương. Suốt mấy chục năm qua, ông Kế đã có nhiều đóng góp quan trọng cho việc khôi phục và thổi sức sống cho những bài Quan họ cổ. Người ta gọi ông là người "giữ lửa” cho quan họ. "Có lẽ đến giờ Bộ VHTT&DL vẫn chưa biết đến sự tồn tại của chúng tôi. Họ chưa một lần ghi nhận sự đóng góp của chúng tôi. Và mong muốn của tôi bây giờ là có một sự công nhận của Nhà nước. Chúng tôi già và cũng sắp về với tổ tiên, sự ghi nhận ấy là để con cháu phát huy truyền thống của cha ông”, ông Kế ngậm ngùi.

3. Ở một loại hình nghệ thuật khá đặc biệt là sử thi Tây Nguyên, khi thực hiện một dự án bảo tồn sử thi, GS.TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng: "Tình trạng thưa thớt và tuổi tác của các nghệ nhân, khiến công tác phiên âm, biên dịch trở thành khâu khó khăn nhất hiện nay”. Theo thống kê, chỉ có hơn 10 nghệ nhân biết hát kể, phiên âm và biên dịch do các nghệ nhân tuổi cao sức yếu lần lượt qua đời. Qua đó, cho thấy nếu không làm khẩn trương, chẳng bao lâu nữa, những pho sử thi sống về với tổ tiên, đó là tổn thất rất lớn không thể bù đắp được. 

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quang Tuệ  (Sở VHTT&DL  tỉnh Gia Lai) trăn trở: "Dường như chúng ta chưa giúp gì nhiều cho các nghệ nhân. Họ vẫn sống một cuộc đời lặng lẽ, rồi đến một ngày nào đó lại lặng lẽ ra đi. 

Thực tế đã cho thấy, những đóng góp của những nghệ nhân là vô giá. Và sự đối đãi, ứng xử với những "báu vật nhân văn sống” cần sớm được thực hiện. Đừng để khi quy chế về nghệ nhân được ban hành, e rằng chẳng còn ai để phong tặng. Như nghệ nhân quan họ Nguyễn Thừa Kế từng chia sẻ, ông không muốn lễ phong tặng biến thành lễ truy tặng.

Theo: Đại Đoàn Kết

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

39
Đang xem:
72.654.085
Tổng truy cập: