Tin tức nổi bật
Thủ đô có một làng rèn qua năm tháng
(Ngày đăng: 07/04/2013   Lượt xem: 1529)
Nằm ở vùng ngoại ô cách trung tâm Hà Nội hơn 10km về phía tây, Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội nổi tiếng với nghề rèn lâu năm. Vất vả, hiểm nguy và ngày càng cũ kỹ trong nhịp sống hiện đại nhưng cuộc sống của họ vẫn từng ngày đi qua với mùi than, tiếng búa nện chan chát, để nghề rèn vẫn còn đến tận hôm nay.

Tiếng máy xập xình, tiếng búa nện inh tai, màu áo bạc màu lấm bẩn của những người đàn ông đeo kính, tay nhọ đen, mặt mũi nhem nhuốc là thứ đầu tiên chúng tôi bắt gặp khi đến làng rèn Xuân Phương.

Một điều đặc biệt, khi được hỏi về nghề rèn, từ bác xe ôm đến cô hàng nước hay anh lái taxi đều trả lời: “Trước kia nhà chúng tôi cũng làm rèn”. Họ giới thiệu tôi đến nhà ông Nguyễn Thế Mùi, người làm rèn lâu năm đã ngoài 80 tuổi. Trong làng thường gọi ông là ông Lí. Được trò chuyện với ông những câu chuyện làng rèn thực sự hé mở:

Làng rèn xưa

Ông Lí kể lại, từ lâu đời, Xuân Phương vẫn lấy sản xuất nông nghiệp làm nguồn sống chính, chủ yếu cấy lúa trồng ngô, khoai và chăn nuôi trong gia đình. Từ năm 1930 đến năm 1940 nghề dệt vải xuất hiện và phát triển ở vùng.

Cho đến khoảng thế kỷ XVII, theo gia phả họ Nguyễn Đắc ở Hòe Thị kể lại vào đời Lê, có ông Nguyễn Đắc Danh, thi đỗ Hương cống, làm quan tới tri phủ Thanh Hóa, có người em là Nguyễn Đắc Tài học được nghề rèn trở thành thợ giỏi về làng truyền nghề cho con cháu rồi phát triển ra khắp làng. Ông được coi là Tổ sư của nghề tại Xuân Phương.


Ông Nguyễn Thế Mùi kể về nghề rèn

Xưa kia, sau thời vụ cấy cày, những người thợ rèn ở Hòe Thị thường mang lò bễ đi khắp các vùng rèn thuê nông cụ và đồ dùng sinh hoạt như: cuốc, mai, liềm, hái, răng bừa, dao, kéo…

Sau đó, một số thợ rèn có vốn làm ăn di cư vào nội thành ở các phố Hàng Bừa, Sinh Từ, Kim Mã rèn nông cụ dao, kéo... Thời bấy giờ phố hàng Bừa nổi tiếng với nông cụ sản xuất, được nông dân các tỉnh về mua rất đông.

Cuối thế kỷ XIX, sản phẩm được trưng bày ở Hội đấu xảo bên Pháp. Những người thợ may ở Hà Nội rất ưa dùng chiếc kéo cắt vải mang hiệu Sinh Tài của Nguyễn Đắc Nghị và Sinh Lợi của Nguyễn Đắc Diêm ở phố Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến).

Sang đầu thế kỷ XX, nhu cầu xây dựng cầu sắt, đường sắt và những ngôi nhà lớn trong thành phố tăng lên. Lúc đầu các hãng thầu phải mua bu lông, ốc vít, cửa sắt hoa từ Pháp sang, về sau họ đặt mua ở phố Hàng Bừa. Ông Nguyễn Thế Tảo, hiệu Thế Long là người Hòe Thị đầu tiên làm bu lông và sắt hoa cho các nhà thầu của Pháp đạt yêu cầu kỹ thuật.

Từ đó những người chuyên rèn nông cụ ở phố Hàng Bừa chuyển sang sản xuất vật liệu xây dựng nên tên phố cũng đổi thành phố Lò Rèn, là nơi thờ Tổ làng nghề tại đình làng Rèn, số nhà 02, Lò Rèn, Hà Nội.

Ông Lí cho biết, hồi đó ở phố Lò Rèn có duy nhất hai người đến từ thôn Đa Sỹ, Thanh Trì, Hà Nội còn lại toàn bộ là người Xuân Phương. Ông kể: “Cụ Trần Duy Hưng kể lại đi đến đâu cứ có lò rèn là chắc chắn của người Xuân Phương”.

Việc sản xuất tại phố Lò Rèn thường được giao lại cho những người thợ rèn ở làng quê Hòe Thị sản xuất. Các cửa hàng chủ yếu là nơi giao dịch mua bán. Ông Lí chia sẻ: “Vào những năm 1941, 1942, Hà Nội trong thời kì Pháp thuộc, cứ 11h30 nhà ai còn lọc cọc làm rèn y rằng bị phạt. Nhiều chính sách lúc bấy giờ làm nghề rèn điêu đứng”.

Sau năm 1945, trong công cuộc xây dựng đất nước, người dân Hòe Thị chủ yếu sản xuất phục vụ cho việc xây dựng cầu Long Biên, các đường sắt Hà Nội- Vân Nam, Hà Nội – Sài Gòn, Hà Nội – Hải Phòng… và những ngôi nhà lớn trong thành phố. Trong những năm lụt úng, người dân lại tập trung rèn những rọ đá chống vỡ đê.

Làng rèn nay

Nghề rèn đầu tiên được sản xuất với việc sử dụng hoàn toàn bằng tay và sức lao động. Sau đó sự xuất hiện của quạt quay đến mô-tơ và bếp điện và ngày nay là hệ thống máy móc hiện đại đã góp phần chuyển hướng trong làng nghề. Nó góp phần giảm thiểu sức lao động của thợ nghề và cho ra những sản phẩm tinh vi, chọn lọc hơn.


Nghề rèn đòi hỏi sự tận tụy

Mô hình sản xuất tại Xuân Phương ngày nay chủ yếu là bán thủ công. Ông Nguyễn Xuân Kình chủ lò rèn lớn tại thôn cho biết: “Việc áp dụng khoa học kỹ thuật làm cho công việc diễn ra nhanh hơn và ít tốn nhân công lao động hơn. Xưa kia, một hộ gia đình không thể cam nổi việc sản xuất trong lò, phải thuê thêm người làm giúp.

Công việc gồm rất nhiều công đoạn và nhiều người tham gia: thợ cả, thợ phó, đánh búa, kéo bễ, xách nước. Những người đàn ông thường là thợ chính, còn phụ nữ trong thôn hầu như phải hỗ trợ làm việc phụ và kéo bễ. Còn giờ công việc được rút ngắn hơn rất nhiều, người phụ nữ không phải tham gia làm rèn nữa”.

Mặc dù vậy, giờ đây nghề rèn của Xuân Phương cũng bị mai một đi ít nhiều. Sự phát triển thương mại hóa, nhiều hộ dân chuyển sang kinh doanh, buôn bán. Nếu trước kia cả làng làm rèn thì giờ đây chỉ còn hơn 30 hộ gia đình còn gắn bó. Nhà cao tầng, shop thời trang, quán Internet, dịch vụ buôn bán được thay thế cho các lò rèn.

Đời rèn

Cuộc đời của ông Nguyễn Thế Mùi, sinh năm 1931, tại xóm 4, Hòe Thị, Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội gắn bó với nhiều kỉ niệm vui buồn của nghề rèn. Học hết lớp 4, bà nội bắt nghỉ học với lí do chỉ cần học đến đó để biết chữ là đủ. Theo ông chú ra phố Lò Rèn học nghề năm 1942, bắt đầu với công việc gánh nước, kéo bễ, đánh búa khi còn rất nhỏ, ông Mùi đã tích lũy cho mình rất nhiều trải nghiệm riêng.


Nghề rèn ngày nay không còn quá vất vả như xưa

Ông Mùi chia sẻ: “Một ngày làm việc bắt đầu từ 5h sáng dậy nhóm lò, 11h30 nghỉ trưa, và kết thúc có khi đã 9h, 10h tối. Ngày ấy đói ăn, tôi vừa bé vừa còi đứng kéo bễ mà mướt mồ hôi. Có những hôm đã quá giờ trưa, nồi cơm bắc trên bếp lò. Mùi cơm chín phả lên thơm lừ mà người vẫn phải quay búa, trong khi bụng đói meo cồn cào”.

Đời rèn để lại trên thân thể ông vết sẹo trên đỉnh đầu do một lần quay búa bị văng phải. Một mảnh sắt vẫn nằm nguyên trong mu bàn tay. Những cơn nhức đầu, thuốc nhỏ mũi, bệnh ghẻ cóc luôn ám ảnh ông suốt đời.

Khi được hỏi về thu nhập từ nghề, ông Mùi trầm ngâm: “Ráo mồ hôi lúc nào là hết tiền lúc đó. Công việc tốn sức lao động, đem thương tật trên mình, có khi tính mạng bị đe dọa”.

Ở Xuân Phương có rất nhiều người bị mất ngón tay và cụt chân vì nghề. Ông chú của ông Mùi cũng thiệt mạng do đó. Trong một lần hàn thùng phi xăng để giúp người dân bên bờ sông làm phao cứu hộ, do sơ suất nên gây nổ, chú của ông Mùi bị tử vong cùng một thanh niên khác.

Vất vả, hiểm nguy và ngày càng cũ kỹ trong nhịp sống hiện đại nhưng cuộc sống của họ vẫn từng ngày đi qua với mùi than, tiếng búa nện chan chát, để nghề rèn vẫn còn đến tận hôm nay.

Theo: Petrotimes


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

42
Đang xem:
72.654.182
Tổng truy cập: