Tin tức nổi bật
Nghệ nhân tranh Đông Hồ tránh nghèo bằng… hàng mã
(Ngày đăng: 02/04/2013   Lượt xem: 1351)
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 1.500 làng nghề, trong đó có 300 làng nghề truyền thống, hàng năm mang lại doanh thu khoảng 600 triệu USD.

Cái lớn hơn chính là các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống phần lớn được lưu giữ tại các làng nghề này. Thế nhưng, nguy cơ biến mất của các làng nghề truyền thống trước sức ép của kinh tế thị trường đang ngày càng hiện hữu.


Ở làng tranh Đông Hồ, số hộ gia đình có thu nhập cao từ nghề làm hàng mã không hiếm.

Sức ép vô hình

Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, sự lay lắt của nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng là một thực trạng đáng buồn. Làng nghề chuyên làm giấy cho các triều đại vua chúa xưa làm sắc phong, làng Nghĩa Đô, hiện chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lại Phú Bàn nhờ có được bí quyết gia truyền. Ông Bàn tuổi đã cao, chẳng biết truyền lại bí quyết cho ai, khi con cháu trong làng chẳng mấy người còn muốn theo nghề. Nguy cơ mai một nghề giấy ở làng Nghĩa Đô là điều khó tránh khỏi. Làng Vòng vốn nổi tiếng với nghề làm cốm. Trước thời kỳ đổi mới, hơn 80% người dân làng Vòng làm cốm, nay chỉ còn lại số người đếm trên đầu ngón tay.


Các làng nghề truyền thống như làng đồng Ngũ Xá, làng thuốc nam Đại Yên (Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hà Tây cũ), tranh làng Sình (Huế),... cũng đang trong tình trạng “sống dở chết dở”. Nhà ông lang gia truyền Vũ Văn Sử ở làng Đại Yên tuy vẫn còn túc tắc bắt mạch, kê đơn cho một số người già, nhưng cũng chỉ làm tranh thủ kiếm thêm, âu cũng là việc cho đỡ nhớ nghề mà thôi. Làng tranh Hàng Trống, nổi tiếng một thời với những nét văn hóa Hà thành,  nhưng hiện nay được xem là một “vẻ đẹp bị lãng quên”. Dẫu biết rằng trong mỗi bức tranh Hàng Trống đựng những nét độc đáo và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người dân chốn kinh kỳ xưa, rất cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Ông Kiều Văn Hiền, chủ cửa hàng của dòng tranh dân gian này cho biết: Cách đây vài năm trên phố Hàng Trống còn có vài nhà bán tranh nhưng nay không còn nữa. Trước kia, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, mỗi gia đình Hà Nội lại tìm mua một bức tranh Hàng Trống như một lời cầu chúc cho năm mới bình an thuận hòa. Còn bây giờ, trên con phố Hàng Trống chỉ còn lại một cửa hàng duy nhất của ông bán loại tranh này ở địa chỉ số 44 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.


Nghệ nhân duy nhất còn lại của tranh Hàng Trống, ông Lê Đình Nghiên tâm sự: “Đến bây giờ tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng về sự biến mất nhanh chóng của cả một dòng tranh dân gian nổi tiếng một thời. Hiện người ta chỉ còn thấy nó trong những viện bảo tàng, hoặc trong ký ức của các bậc cao niên”. Cũng theo ông Nghiên, chỉ trong vòng 50 năm mà trong những gian hàng lưu niệm bày dọc các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, thậm chí ngay cả trong những cửa hàng bán tranh trên phố Hàng Trống đều không còn xuất hiện bóng dáng của dòng tranh này.

 Xa hơn đôi chút, làng tranh Đông Hồ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, bây giờ phần sáng tác mẫu mới xem ra  không còn. Có chăng chỉ là in sao lại các mẫu tranh cũ do ông cha để lại. Phần lớn người dân ở đây từ nhiều năm nay đã chuyển sang in sớ, vàng mã, tiền âm phủ, mặt nạ đủ các loại... Được biết, làng Đông Hồ hiện chỉ còn vài gia đình làm tranh cổ, nhưng chủ yếu là người cao tuổi gắn bó với nghề như gia đình cụ Nguyễn Hữu Sam, ông Nguyễn Đăng Chế, hiện nay cũng đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.


Số người dân làng Vòng làm cốm hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đâu rồi sắc màu dân tộc?

Làng cổ và nghề cổ là một mô thức văn hóa đã định hình trong lịch sử tồn tại và phát triển của một cộng đồng người sống trong một không gian nhất định. Trong xu hướng hội nhập hiện nay của nước ta, dù cho mô thức văn hóa ấy có bền chặt và tốt đẹp đến đâu cũng khó tránh khỏi nguy cơ bị xô lệch, biến dạng, thậm chí bị phá vỡ từ sức ép của sự phát triển, như một tất yếu khách quan.

Vẫn biết rằng, trước đây các thế hệ ông bà, cha mẹ chỉ quen sống trong lũy tre làng, còn nay nhiều “trai quê”, “gái làng” đã ra TP, thậm chí là ra nước ngoài để học tập, lao động với đủ thứ nghề. Đối với lớp trẻ hiện nay, phần lớn đã quen với quần âu, quần jeans, áo phông, váy ngắn và dường như đã quên dần áo cánh nâu sồng, quần ống, khăn mỏ quạ,... Ấy là chưa kể đến các tệ nạn xã hội cũng đang ùa vào các làng cổ.


Một nghệ nhân làng Đông Hồ đang làm khuôn tranh.

Anh Nguyễn Đăng Tâm, con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ở làng Đông Hồ cho biết: Ở làng Đông Hồ, hàng mã chẳng thiếu thứ gì. Số hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi năm từ nghề làm hàng mã không còn là chuyện hiếm. Nếu như những năm 1995, số hộ trong xã có xe máy chỉ đếm trên đầu ngón tay, nay mỗi nhà có từ 2- 3 chiếc là chuyện thường, cả xã đã có 35 gia đình mua được ôtô, trong đó có nhiều xế hộp lên tới cả tỷ đồng. Còn anh Nguyễn Đăng Nhân, GĐ một Cty mang tên “Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống” ở Đông Hồ nói: “Thú thực, mấy năm nay kinh tế khó khăn, việc đảm bảo hoạt động của Cty và vì giữ nghề nên còn làm, chứ tranh bán ế lắm. Những bức tranh giá vài trăm nghìn đồng, hầu như khách không hỏi tới, nói gì đến tranh tiền triệu”. Một cụ bà trong làng ngao ngán chép miệng khi gặp khách đến mua tranh: “Tranh chết rồi cháu ạ. Hàng mã đã đuổi tranh đi…”. Còn cụ Sam, một trong hai nghệ nhân cao niên nhất làng nghẹn ngào và chua chát: “Tranh Đông Hồ ngày nay vẫn giữ nội dung và thực hiện những thao tác thủ công truyền thống ấy, nhưng do sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí khác, nên người ta quên tranh Đông Hồ rồi...”.

Phó Chủ tịch UBND xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Tuân cho biết: “Làng tranh Đông Hồ giờ chỉ còn tiếng thôi, chứ thực thì chỉ còn có 3 hộ làm, trong đó có 1 hộ làm với quy mô lớn, 2 hộ còn lại cũng chỉ làm túc tắc, mặc dù chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để khuyến khích người dân giữ nghề, nhưng xem ra cũng khó”. Có lẽ nhận định của Trưởng phòng VH-TT huyện Thuận Thành, ông Lê Xuân Bắc sẽ cho chúng ta một câu trả lời tuy chua chát nhưng có vẻ sát với thực tế không chỉ với làng tranh Đông Hồ, mà còn với nhiều làng nghề trong cả nước: “Gần chục năm về trước, các hộ trong làng lần lượt bỏ tranh hoặc làm cầm chừng, đến nay thì họ đã chuyển hẳn sang làm hàng mã. Lãi không nhiều, nhưng còn đủ sống, thế cũng là điều đáng mừng rồi…” (!)

                                                                                                       Theo: PL & XH
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

36
Đang xem:
72.658.935
Tổng truy cập: