Tin tức nổi bật
Làng cổ của người Ba Na
(Ngày đăng: 01/04/2013   Lượt xem: 1327)
Nằm ven bờ sông Đăk Bla thơ mộng, làng Kon K’Tu thuộc xã Đăk Rơ Wa của người dân tộc Ba Na được xem là làng cổ nhất trên địa bàn TP Kon Tum hiện nay. Hàng chục nhà sàn vây quanh ngôi nhà rông truyền thống, cùng với đó là các phong tục, tập quán, những điệu múa xoang, tiếng cồng chiêng được bảo tồn… đã tạo nên một không gian văn hóa độc đáo.
 
Làng Kon K’Tu 

Hầu hết các làng ở khu vực Tây Nguyên do chịu sự tác động của phát triển kinh tế - xã hội, đã dần đánh mất nét văn hóa đặc sắc, mất đi kiến trúc đặc trưng của làng. Tuy nhiên, làng Kon K’Tu của người Ba Na vẫn ít nhiều giữ được kiến trúc làng tròn với mô hình các nhà đều xây dựng xung quanh nhà rông chính của làng. Đây là kiến trúc cổ của các làng dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh Kon Tum mà rất ít làng còn giữ được. Đặc biệt, làng Kon K’Tu hiện vẫn còn trên 20 ngôi nhà sàn được dựng theo kiến trúc truyền thống của người Ba Na. Nhà sàn của đồng bào Ba Na hình chữ nhật với chiều dài trung bình khoảng 10m. Mỗi căn nhà gồm 12 cây cột, chia đều hai bên, tạo nên sự vững chãi, cân bằng cho ngôi nhà. Trong những ngôi nhà dài, có ba đến bốn đời người Ba Na sinh sống, thể hiện sự gắn kết cộng đồng dân tộc của người Ba Na.

Người Ba Na Kon Tum có vốn văn hóa dân gian cổ truyền khá đậm đà, ngoài cồng chiêng còn có nhiều nhạc cụ truyền thống độc đáo như đàn T’rưng, Ting glinh (đàn nước), Tingning (đàn quả bầu). Bên cạnh đó, người Ba Na còn có nhiều làn điệu dân ca giao duyên mượt mà đằm thắm cùng với nhiều kiểu hát kể phong phú như Hri ‘Nhoi (hát đồng dao), Hri Mơ’Mon, Hri HơNhoông, Hri Cheo, Hri Troôm… đặc biệt nhất là Hri Hơ’Mon (hát kể sử thi Ba Na)… Kon K’Tu vẫn bảo tồn được khá đầy đủ những giá trị nguyên gốc của các lễ hội truyền thống. Làng vẫn duy trì được đội cồng chiêng, múa xoang, đặc biệt là giữ được nguyên vẹn lễ hội bắt giọt nước K’lang T’nglang.

Nhiều người Ba Na kiêu hãnh với Kon K’Tu không vì làng giàu có về vật chất mà bởi làng vẫn giữ được những nét cổ kính, hùng vỹ và hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng; cũng như những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Theo Giám đốc công ty TNHH một thành viên du lịch Kon Tum Huỳnh Đức Tiến, đến Kon Tum ngoài các điểm du lịch khá nổi tiếng như: nhà thờ gỗ, tòa giám mục, ngục Kon Tum… thì làng văn hóa cổ Kon K’Tu cũng là lựa chọn của nhiều người, đặc biệt với khách nước ngoài. Bởi đến Kon K’Tu cũng chính là đến với điểm nhấn của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ông A Tảo, trưởng thôn cho biết: hiện nay dân làng thường xuyên đón khách đến thăm và chứng kiến sinh hoạt của người dân trong làng. Nhiều người xin ở lại, ngủ tại nhà rông để tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa của người Ba Na; hòa mình vào tiếng cồng, tiếng chiêng, cùng múa xoang quanh bếp lửa bập bùng. Khách cũng có thể xem hoặc tham gia dệt vải, đan gùi, đi thuyền độc mộc xuôi theo dòng Đăk Bla thơ mộng uốn quanh dãy núi Kong Muk… Ngoài việc hàng ngày lên nương làm rẫy, giờ đây người dân nơi đây còn chú trọng làm nghề truyền thống, dệt các mặt hàng thổ cẩm để phục vụ cho mình và khách du lịch. Thanh niên được đào tạo làm hướng dẫn viên để có thể trực tiếp giới thiệu về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình…

 
Làng Kon K’Tu, Kon Tum

Bà Mari Helene Hauze (Pháp) ấn tượng trước vẻ đẹp yên bình của núi rừng và sự thân thiện, hiếu khách của người dân Kon K’Tu nói riêng và người Kon Tum nói chung. Bà mong muốn địa phương có những chính sách để bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán của bà con nơi đây để khách trong và ngoài nước có cơ hội được khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp mộc mạc và bình dị của núi rừng.

Để bảo tồn và phát huy thế mạnh về văn hóa, du lịch của làng Kon K’Tu, tỉnh Kon Tum đang tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ văn hóa truyền thống của mình; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho dân làng phục hồi các lễ hội truyền thống; duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống… Làng đã được UBND tỉnh Kon Tum quy hoạch thành địa chỉ du lịch sinh thái, du lịch văn hóa trên địa bàn thành phố Kon Tum. Nhiều công ty du lịch trên địa bàn đã đưa Kon K’Tu vào danh sách các điểm đến thú vị trong tour du lịch của mình. Hy vọng, làng cổ Kon K’Tu cũng như các giá trị văn hóa của người Ba Na sẽ ngày càng được nhiều người biết đến, nhưng sẽ không bị tan biến bởi tác động của du lịch và sự phát triển kinh tế - xã hội như rất nhiều ngôi làng khác ở Tây Nguyên.

Theo: Đại Biểu Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.644.525
Tổng truy cập: