Tin tức nổi bật
Một mình giữ nghề truyền thống cho làng
(Ngày đăng: 31/03/2013   Lượt xem: 1377)
Dưới ngọn gió bấc se lạnh, người thợ gốm Đặng Văn Trịnh vẫn hì hục với công việc ở cái lò gốm duy nhất còn lại ở làng gốm Mỹ Thiện (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) của mình. “Tui cố làm sớm để giữa tháng này có đủ đồ cho vô lò nung. Một tháng mà không đốt lò là mình thấy buồn lắm”, người thợ gốm tuổi đã ngũ tuần với gần 35 năm theo nghề gốm đã nói như vậy trong khi hàng trăm hộ của làng gốm có tuổi trên 200 năm đã không còn theo nghề của ông cha...

Nghệ nhân Trịnh với chiếc bình phủ men có đắp hình rồng được anh làm cách đây trên 20 năm. Gốm men Mỹ Thiện có phong cách riêng, nét đẹp riêng, rất được ưa chuộng.

Thị trấn Châu Ổ nằm ngay trên quốc lộ 1A, nhà của nghệ nhân Trịnh tuy cách mặt đường chỉ hơn 200m, nhưng phải vòng qua những con hẻm chật chội. Lội vào một lối đi hẹp, hai bên được chất đầy củi và những đống đất sét dự trữ, ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé và cái lò nung của anh Trịnh hiện ra trên một mô đất cao nhất của làng.

Đam mê với nghề gốm

Quần cộc, áo ngắn tay, mồ hôi lấm tấm, nghệ nhân Trịnh dùng xẻng xén đất sét thô mang đến hố nhồi cùng con trai, sau đó, anh lại giúp vợ chuốt những chiếc lọ để đem phơi. “Nghề gốm vất vả, lại phải khéo tay chuốt – tạo hình, phải biết kỹ thuật pha trộn đất, đốt lò, biết đắp hình trang trí trên sản phẩm. Nhưng khó nhất là phải biết tạo màu men, biết cách phủ men lên sản phẩm. Gốm Mỹ Thiện mình nổi tiếng, được người ta ưa chuộng là nhờ đồ sành, đặc biệt là đồ men. Bởi vậy, nên ngay cả thời gốm Mỹ Thiện còn hưng thịnh, số thợ làm được đồ men ở đây cũng không có mấy người”, anh Trịnh giải thích.

Gian nan, vất vả, anh Trịnh đã bao lần thao thức trước quyết định giữ lại nghề của làng mỗi khi đối mặt với những khó khăn, túng thiếu và nhìn những người trong làng lần lượt giàu lên sau khi bỏ nghề gốm. “Cứ mỗi khi trăn trở, tui lại động viên mình quyết phải cố sống với nghề, phải làm sao giữ cho được cái nghề của làng, của ông cha mình”, anh Trịnh tâm sự. Anh cho biết hàng gốm của anh làm ra bao năm nay được bạn hàng mua để bán ở nhiều nơi như: vào Bình Định, lên Tây Nguyên, ra đến Hội An, Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị. “Tuy cả làng Mỹ Thiện từ 22 năm nay chỉ còn một mình tui giữ nghề, nhưng các sản phẩm tui bán ra thì ai cũng gọi là gốm Mỹ Thiện. Cho nên, tuy mình còn khổ, nhưng cái tên làng nghề của mình còn tồn tại là mình sướng rồi”, anh nói.

Lấy một chiếc bình phủ men mỏng do chính mình làm ra hơn 20 năm trước, anh Trịnh cho biết tay nghề anh có được là do ông nội anh đã dạy cho anh từ cách đắp hình trang trí đến cách pha chế và phủ men lên sản phẩm để đồ men của gốm Mỹ Thiện có nét đẹp đặc thù ngay khi anh còn là học sinh cấp 2. Bị cuốn hút bởi cái đẹp của sành sứ, lúc năm 17 tuổi, anh Trịnh ngưng chuyện học hành để theo nghề gốm mà mình đã chọn.

Giữ cho nghề không bị mai một

Lục tủ, nghệ nhân Trịnh lấy ra chiếc phong bì, trong đó có chứa nhiều hình ảnh được gởi đến vợ chồng anh hồi tháng 8.2007 từ đôi vợ chồng người Mỹ ở tận thủ đô Washington. Anh Trịnh lấy một tấm ảnh, trong đó có chụp một chiếc lọ sành cổ rồi giải thích: “Đó là chiếc lọ mà đôi vợ chồng người Mỹ này chụp ở một bảo tàng ở bên Mỹ. Từ chiếc lọ này, họ qua Việt Nam, để cố tìm cho ra cái làng gốm nào đã làm ra nó. Sau khi đi qua nhiều làng gốm, cuối cùng họ tìm đến Mỹ Thiện và dừng lại ở nhà tui. Sau khi xem xét, so sánh, họ ôm lấy vợ chồng tui mừng rỡ nói rằng, cái lọ sành họ có ở cái bảo tàng bên ấy đích thị là do làng gốm Mỹ Thiện làm ra ngày trước”.

Thán phục đồ sành sứ Mỹ Thiện, đôi vợ chồng người Mỹ – Louis Cost và Leedom Lefferts – chuyên viên từ các bảo tàng Freer Gallery of Art và Arthur M. Sackler Gallery – nói với anh Trịnh rằng, họ tự hào có được một sản phẩm gốm sành của làng gốm cổ truyền này và họ rất quý nó, bởi vì, gốm sành Mỹ Thiện bền chắc, có da láng, màu tươi, có kiểu dáng và hoa văn thanh nhã.

Thế nhưng, từ những lời khen ngợi của đôi vợ chồng người Mỹ này dành cho làng gốm Mỹ Thiện, nó như ngọn lửa nhiệt tình thôi thúc anh Trịnh tiếp tục đam mê gắn bó với nghề gốm sứ không biết mệt mỏi, ngay cả khi những lúc anh gặp khó khăn, tưởng chừng phải từ bỏ nghề gốm. Anh Trịnh kể, cơn bão số 9 năm 2009 đã quật nát lò nung gốm của anh, làm cho anh gần như bị trắng tay. Thế nhưng, không chịu thua, anh Trịnh chạy đi vay mượn vốn của các nơi. Và điều anh không ngờ là, ông bà Louis Cost – Leedom Lefferts đã điện đến anh thăm hỏi và họ đã giúp cho anh một ít vốn để tiếp tục theo đuổi với nghề gốm. “Đồng tiền của họ đã giúp mình trong lúc ngặt nghèo là quý. Nhưng càng quý hơn là cái tình họ dành cho mình cũng chỉ vì họ biết mình đang theo giữ cái nghề gốm truyền thống của ông cha để lại”.

Hàng gốm Mỹ Thiện hiện vẫn sống với thị trường như ngày nào, tuy bây giờ, lượng hàng gốm đưa ra thị trường đã bị giảm sút nhiều hơn so với ngày trước. Thế nhưng, người tiêu dùng gốm sứ ở các nơi không mấy ai biết được rằng, làng gốm Mỹ Thiện với hơn trăm hộ và hợp tác xã gốm Mỹ Thiện với hàng trăm xã viên đã bị giải tán từ hơn 20 năm trước đây. Bây giờ, ở làng gốm Mỹ Thiện chỉ còn một mình anh Trịnh còn theo nghề. Tuy hàng gốm bán được, nhưng bên cạnh nỗi vui mừng khi mình còn giữ được nghề, anh Trịnh lại vẫn luôn băn khoăn với nghề gốm của quê mình sau này: “Có nhiều người gọi tui là nghệ nhân, là người thợ gốm cuối cùng của làng Mỹ Thiện. Tuy nhiên, khi nghe như vậy, tui buồn quá! Chẳng lẽ sau tui, không còn ai ở đây tiếp tục làm nghề gốm nữa hay sao?”

Tuy nhiên, anh Trịnh cũng phải thừa nhận: “Thợ gốm nữ – những người chuyên lo khâu chuốt sản phẩm – ở Mỹ Thiện đều đã quá già, còn cánh thợ đàn ông chuyên lo khâu nung, đắp hình, làm men ở lớp tuổi của tui thì hầu như không còn ai”. Theo anh Trịnh, năm 2011, anh đảm nhận dạy nghề chuốt sản phẩm gốm sứ cho bốn phụ nữ ở trong làng, nhưng do kinh phí trên hỗ trợ chỉ đủ cho họ học chừng một tháng rưỡi, nên họ chỉ mới biết chuốt sản phẩm được tàm tạm là họ… nghỉ. Vả lại, cho dù họ có thao tác chuốt sản phẩm gốm sứ một cách thành thạo, thì họ cũng chẳng biết làm ở đâu. “Sau khi hợp tác xã gốm Mỹ Thiện tan rã, ở đây còn được năm lò gốm tư nhân. Nhưng đến năm 1991 thì chỉ còn lại mình tui. Ít ai nghĩ đến chuyện mở lại lò gốm vì làm nghề gốm nặng vốn, ít lời, lại rất khó mua đất để làm vì ruộng đất đã khoán cho từng hộ”, anh Trịnh nói.

Thế nhưng, sau một thời gian dài bị lãng quên, những hồi ức vang bóng một thời của người thợ làm gốm Mỹ Thiện lại được đánh thức sau khi cuộc triển lãm bộ sưu tập gốm Mỹ Thiện – Châu Ổ vừa mới được tổ chức tại bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. “Tui vui mừng lắm khi thấy mọi người xem triển lãm, ai ai cũng có vẻ thích thú khi ngắm những sản phẩm gốm Mỹ Thiện được trưng bày; nhất là, khi ông chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh gặp tui ở đó hứa sẽ can thiệp với địa phương để người làm nghề gốm có đất để làm. Nhưng điều tui mong hơn là cấp trên giúp đỡ sao cho nghề gốm Mỹ Thiện không bị mai một. Nếu được như vậy, tui sẽ truyền nghề lại cho lớp thợ trẻ về kỹ thuật làm sành, làm men”, anh Trịnh khẳng định.

bài và ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Nên có giải pháp phục hồi làng gốm Mỹ Thiện

“Mỹ Thiện – Châu Ổ là một trong những làng nghề gốm nổi tiếng ở miền Trung, được khai lập từ cuối thế kỷ thứ 18. Nhưng làng nghề gốm này hiện chỉ còn mỗi một nghệ nhân Đặng Văn Trịnh còn giữ nghề mãi đến nay, từ gốm thô đến gốm sành, gốm men. Đây là “nguồn vốn” đáng trân trọng, cần tiếp tục phát huy. Bảo tàng chúng tôi đã kiến nghị cấp trên nên có giải pháp phục hồi làng nghề này ở một mức độ nhất định nào đó, bởi vì, đây là một nghề truyền thống của địa phương”, ông Phan Đình Độ, giám đốc bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, nói.

                                                                                                Theo: SGTT.VN

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.644.703
Tổng truy cập: