Tin tức nổi bật
Nữ nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã
(Ngày đăng: 29/03/2013   Lượt xem: 1488)

Một nếp nhà nhỏ, tĩnh mịch nằm trong con phố nhỏ Ngũ Xã. Cuộc sống vội vã với bao toan tính làm giàu theo cơ chế thị trường dường như bị bỏ lại bên ngoài. Nữ nghệ nhân đúc đồng của làng Ngũ Xã hằng ngày vẫn tỷ mẩn gìn giữ một trong bốn tinh hoa của vùng đất Kẻ Chợ xưa - "... thợ đồng Ngũ Xã".


Một nếp nhà nhỏ, tĩnh mịch nằm trong con phố nhỏ Ngũ Xã. Cuộc sống vội vã với bao toan tính làm giàu theo cơ chế thị trường dường như bị bỏ lại bên ngoài. Nữ nghệ nhân đúc đồng của làng Ngũ Xã hằng ngày vẫn tỷ mẩn gìn giữ một trong bốn tinh hoa của vùng đất Kẻ Chợ xưa - "... thợ đồng Ngũ Xã".

Căn nhà nhỏ bày kín những bức tượng Phật, lư hương, hạc đồng... Tấm bằng nghệ nhân do thành phố Hà Nội phong tặng treo trang trọng trên tường. Bà Ngô Thị Đan (trong ảnh) có vẻ già hơn tuổi 72, chậm rãi pha trà mời khách. Nhìn cái cốt cách thanh tao, vóc dáng mảnh mai ấy, có cố tưởng tượng tôi cũng không thể hình dung ra những bức tượng Phật tinh xảo, uy nghi hay những lư hương, hạc đồng ấy là do bà đúc nên. Có thể lý giải, phải chăng là nghệ nhân nên bà mới tài hoa đến thế. Bà cười mà rằng, nghệ nhân là người ta cứ "ép" tôi nhận đấy, xưa nay, tôi chỉ tự hào mình là thợ đúc đồng làng Ngũ Xã thôi. "Ai nghe lại bảo mình kiêu căng. Nhưng cơ chế thị trường, nghệ nhân thực thụ và cái danh nghệ nhân nhiều người bỏ tiền ra mua dường như bị đánh đồng. Bởi vậy, tôi nghĩ đơn giản, không quan trọng là nghệ nhân hay thợ, quan trọng là có người nhớ mà tìm đến mình hay không. Chả thế có đận một anh ở Lạng Sơn tìm xuống mua bộ lư đồng bảo: Đồ của nhà mình mua một lần về dùng là nhớ mãi. Với người thợ, như thế còn hạnh phúc nào hơn?", bà Đan cười mãn nguyện.

Theo lời các cụ cao niên trong làng thì vào đời Lê (1428-1527) một số phường thợ cùng nhau ra bán đảo hồ Trúc Bạch lập nên làng gọi là Ngũ Xã Tràng và mở lò đúc các sản phẩm bằng đồng như nồi, đỉnh, chuông, tượng, đồ thờ... Về sau làng được tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã. Theo thời gian, nghề đúc đồng Ngũ Xã dần phát triển hưng thịnh, được coi là một trong bốn tinh hoa của Thăng Long xưa với "Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã"...

Bà Đan trầm ngâm: Quãng độ năm 1956, nghề đúc đồng của làng trầm lắng hẳn, nguyên liệu đồng khan hiếm, đồ thờ cúng làm ra không có người mua. Người làng Ngũ Xã đành gác lại nghề tổ. Thế nhưng đã là cơ duyên thì khó dứt, lăn lộn kiếm sống với đủ thứ nghề, cuối năm 1990, gia đình tôi lại có cơ hội quay lại nghề tổ. Thật ra, tôi có duyên với nghề này từ năm mười chín, đôi mươi, nhưng chỉ là học theo kiểu truyền khẩu từ người bác ruột, cộng thêm một ít kinh nghiệm từ gia đình nhà chồng, nhưng từng lời, từng chữ, từng cách làm cứ khắc sâu vào đầu, lạ thế.

Ngày đầu khởi nghiệp, bà Đan đã cả gan nhận hợp đồng một mẫu tượng chân đèn thế kỷ 17. Bà kể: "Nhận xong mới biết mình liều. Tượng mẫu với rất nhiều chi tiết tinh xảo, lại không được cắt ra để đúc khuôn, vốn nghề thì non nớt, nghệ nhân trong làng chẳng còn ai để mà học hỏi... Bức tượng đầu tiên đồng chưa đủ độ nóng nên bị rỗ, nhưng bức thứ hai thì thành công ngoài mong đợi. Chắc mình được trời phú cho cái duyên với nghề". Nghe bà kể thì nghĩ là duyên, nhưng phải tận mắt chứng kiến bức tượng mẫu bà giữ được từ ngày ấy đến giờ thì phải khẳng định bằng hai chữ: Tài hoa.

Để đúc được thành công một sản phẩm, người thợ phải trải qua rất nhiều khâu cực nhọc. Nếu không đủ kiên nhẫn chắc khó theo. Bà Đan bảo, chẳng biết những chiếc lư hương, đèn đồng vàng bóng được bày bán ngoài chợ người ta làm như thế nào, pha chế ra sao mà giá thành lại "mềm" thế, chứ để đúc được một tác phẩm nghệ thuật đẹp cùng thời gian thì kỳ công và giá trị lắm. Ví như đúc một cái chuông 50-70 cm thì phải dùng thứ đồng đỏ nguyên chất trộn với thiếc cũng nguyên chất chứ không thể lẫn một tý kim loại nào khác. Chả thế, người sành, thử tiếng chuông là biết ngay thật, giả.

Bà bảo: Nấu đồng tưởng là đơn giản nhưng không có nghề là không làm được đâu. Quan trọng nhất là phải biết chọn than, vớ phải mẻ than non dễ bị khê đồng và khi đồng đặc lại thì coi như hỏng. Than dùng để nấu đồng phải là thứ than nặng tay, già lửa và nhiệt nóng chảy của đồng phải đạt hơn 1.000o... Cái thứ than đấy mới cho ra nước đồng vàng óng. Chả thế, người ta cứ bảo tôi kỹ tính, cầu toàn nhưng cứ tự dễ dãi là làm hỏng mình, hỏng nghề ngay.

Đất chọn làm khuôn phải là thứ đất phù sa sông Hồng mới thoáng chứ làm bằng đất sét sẽ bị bí. Đắp khuôn có lẽ đòi hỏi sự công phu nhất, đất lớp đầu phải được làm nhuyễn, rây sạch sạn rồi trộn với giấy bản theo đúng kỹ thuật, tỷ lệ. Bắt đầu làm khuôn, phải thật dẻo tay để nguyên liệu có độ mịn, dẻo, khi người thợ dàn ra không bị rách và khi áp vào mẫu tượng thì ăn nét rất chuẩn xác...

Học nghề rất nhanh, làm nghề cũng rất nhanh, thế nhưng cuộc sống hằng ngày của bà lại chậm rãi, từ tốn với cách cư xử đẹp cả trong gia đình và bà con xóm phố. Bà bảo, chả phải ai cũng có duyên được đúc tượng Phật, tượng Thánh, chuông đồng... đâu. Tôi luôn nghĩ như vậy và tự răn bản thân, con cháu sống với đời thì phải làm việc thiện, sống với nghề thì phải có cái tâm, cái tâm càng sáng thì sản phẩm mình làm ra càng tôn nghiêm...

Người Hà Nội thường thể hiện sự tinh tế, thanh lịch qua từng lời nói, cử chỉ, trang phục, qua cách đối nhân xử thế khiêm nhã, từ tốn... Nhưng với những người như bà Đan, nét thanh lịch của người Hà Thành còn thể hiện qua việc gìn giữ những tinh hoa của đất Kẻ Chợ xưa, giữ cho trọn một chữ Tâm của người làm nghề truyền thống. Bởi theo bà, chỉ có tâm trong, đức sáng thì thương hiệu truyền thống mới được tiếp nối bền vững.

                                                                                              Theo: Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

30
Đang xem:
72.654.193
Tổng truy cập: