Tin tức nổi bật
Điêu khắc trẻ Việt Nam - Lối nhỏ, cơ hội lớn
(Ngày đăng: 26/03/2013   Lượt xem: 1153)

So với hội họa, điêu khắc Việt Nam luôn ở thế yếu hơn, cả về tiếng vang ra bên ngoài Việt Nam, số lượng những tên tuổi bậc thầy, cho đến số lượng nghệ sĩ theo đuổi. Đã vậy, từ khoảng cuối những năm 1990 cho đến gần đây, khi “dịch” tượng đài tràn lan khắp các địa phương, điêu khắc nghệ thuật càng dễ lâm vào thế khó, vì vô tình hay hữu ý mà một bộ phận người làm điêu khắc góp phần tạo nên “đường dây làm kinh tế” từ tượng đài (chữ dùng của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo). Nhưng suy rồi thịnh, điêu khắc Việt Nam hôm nay đang sở hữu đội ngũ những người trẻ hứng thú, ngập tràn đam mê sáng tạo không ngừng.


Ý chí và tình yêu, nhôm đúc, 85cm x 30cm, Trần Trọng Tri, 2012. Ảnh tác phẩm do nghệ sĩ cung cấp.

Sáng tạo trong những chủ đề quen thuộc

Giữa năm 2012, Phạm Thái Bình (sinh năm 1978) đã gây ngạc nhiên thú vị trong giới mỹ thuật bởi triển lãm cá nhân đầu tiên của anh, Khoảnh khắc bị lãng quên, tổ chức tại khu triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hai phòng triển lãm đầy ắp không khí sống động từ những câu chuyện sinh hoạt nhỏ nhặt, thường nhật của đồng bào thiểu số vùng núi phía bắc. Tác giả tỏ ra là người quan sát tinh tế, chú trọng chi tiết - không chỉ trong tác phẩm mà còn trong từng tiêu đề. Những cái tên ý vị như Ôi! Nó nhắn tin bỏ tao rồi!, Say bét nhè, Mày ưng tao chưa?,... dưới những khối điêu khắc nhỏ xinh, mô tả nhân vật một cách chắt lọc, nhằm tạo ra một không khí và không gian đặc trưng của cuộc sống người Mông. Sáng tác của Bình giàu tính trần thuật, rất “đời”, đôi khi khiến người xem bật cười vì sự vui nhộn trong các câu chuyện mà chúng muốn kể. Tác giả cũng khá dụng công trong việc trưng bày triển lãm để mong có thể tái tạo được một phần không gian và không khí sống hồn nhiên, nồng hậu của đồng bào Mông.

Cuộc sống của người thiểu số không phải là đề tài mới lạ trong điêu khắc nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Những nghệ sĩ như Hứa Tử Hoài, Đinh Rú,... từng thành công song sáng tác của họ thiên về hướng khắc họa nhân vật để thấy được câu chuyện về thân phận cá nhân, hoặc đi theo các chủ đề cách mạng, lãnh tụ. Phạm Thái Bình chọn lối đi nhỏ hẹp, đời thường, vui vẻ hơn. Tác phẩm của anh đã bán được cho một số khách hàng trong nước. Đó cũng là niềm vui không nhỏ của người làm nghệ thuật khi tác phẩm của mình có người khác mong được sở hữu.

Lối đi của Thái Nhật Minh (sinh năm 1984) cũng đang gây được chú ý với đồng nghiệp. Minh chọn chủ đề về các sinh vật nhỏ bé, gần gụi với đời sống con người như hạt mầm, chim chóc, ốc sên, chó, mèo,... Anh lược bỏ nhiều chi tiết, chú trọng đến hình khối của vật thể để hình khối nói được tiếng nói riêng của chúng. Có những chú mèo được chú trọng cái đuôi, con chim được nhấn mạnh khối thân, còn ốc sên lại được đầu tư cho sự đa dạng chất liệu, nhằm tạo hiệu ứng thị giác khác biệt. Chúng có thể được bày đặt trong không gian như một tác phẩm sắp đặt, cũng có thể đứng riêng lẻ như một đơn vị nghệ thuật độc lập, tùy vào không gian và nhu cầu của người thưởng ngoạn.

Linh hoạt, nhạy bén và sáng tạo, Bình, Minh và nhiều nghệ sĩ điêu khắc trẻ khác đang có những bước đi đầu tiên trong lối nhỏ của riêng mỗi người, nhằm đưa nghệ thuật của mình đến gần hơn với công chúng.

Chủ động trong việc thể hiện mình

So với hội họa và các hình thức nghệ thuật đương đại khác, số lượng triển lãm điêu khắc (bao gồm cả của nhóm và cá nhân) vẫn rất ít ỏi, có thể đếm được trên đầu ngón tay, qua suốt một năm dài. Gần như tất cả các triển lãm này đều do nghệ sĩ tự túc kinh phí, từ thuê phòng ốc, chi phí truyền thông, in ấn catalogue, giấy mời, làm bục bệ,... Trong khi đó, tác phẩm điêu khắc vẫn thường khó bán hơn nhiều so với hội họa. Nghệ sĩ điêu khắc cũng khó kiếm việc, kiếm tiền ngoài nghệ thuật hơn họa sĩ.

Mặc dầu vậy, một vài năm trở lại đây, các nghệ sĩ điêu khắc nói chung, đặc biệt là người trẻ tuổi, đã tìm mọi cách để tự tổ chức các triển lãm, chủ động giới thiệu sáng tạo của mình đến với công chúng đông đảo hơn, thay vì chờ “đặt hàng” làm tác phẩm từ các cuộc vận động, triển lãm định kỳ lớn nhỏ của Hội hay Cục Mỹ thuật. Đầu năm 2009, lần đầu tiên, một nhóm điêu khắc trẻ với nhân vật trung tâm - người thầy của họ, nữ nghệ sĩ Lê Thị Hiền - đã thực hiện triển lãm điêu khắc 5 và năm sau đó là 5+. Giữa năm 2009, một nhóm trẻ khác cùng cùng với điêu khắc gia Đào Châu Hải thực hiện triển lãm Sóng ngầm. Chưa kể hầu hết các nghệ sĩ điêu khắc trẻ của Hà Nội cùng với đồng nghiệp thành phố Hồ Chí Minh còn có những nhóm họp để thực hiện được triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn định kỳ hai năm (2010 và 2012)...

Bên cạnh đó, các sáng tác điêu khắc trẻ cũng dành được sự chú ý của một số không gian giải trí do người nước ngoài đầu tư hoặc hợp tác đầu tư. Những nghệ sĩ như Lương Văn Việt, Nguyễn Ngọc Lâm (cùng sinh năm 1977) tỏ ra khá năng động trong hướng đi này. Năm 2011, Việt làm chung triển lãm với một họa sĩ sơn mài, chính thức giới thiệu hướng điêu khắc chủ đề về những cánh cửa của anh. Tối giản, với chất liệu sắt và gỗ, serie Cửa của Việt được thực hiện một cách kiên trì, tỉ mỉ và gợi cảm. Cuối năm 2012, anh được hai nghệ sĩ thiết kế thời trang người Tây Ban Nha, chủ thương hiệu thời trang Chula ở Việt Nam mời trưng bày seris này ở showroom sang trọng của họ ven Hồ Tây. Cùng thời gian này, Nguyễn Ngọc Lâm được không gian giải trí An Dương Garden mời bày triển lãm với chủ đề Cây biến thể cùng một nghệ sĩ điêu khắc Pháp trẻ khác. Chủ đề cây được Lâm theo đuổi từ hơn mười năm nay, với ba chất liệu chính là gỗ, sắt hàn và kính.

Triển lãm điêu khắc cá nhân hiếm hoi của Phạm Thái Bình trong năm 2012 đã kích thích cho các nghệ sĩ trẻ đồng nghiệp trong việc chủ động đưa nghệ thuật của mình đến với công chúng. Một số đồng nghiệp trẻ như anh cũng đã rục rịch chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đầu tiên, đủ để bản thân họ hãnh diện và tự tin hơn với con đường đi của mình.

Lối nhỏ - cơ hội không nhỏ

Cơ chế thị trường đã buộc người làm nghệ thuật điêu khắc phải tìm những cách thức thích hợp để vừa có kinh phí độc lập cho sáng tác vừa không bị cuốn theo dòng xoáy kiếm tiền hoặc khao khát hư danh. Những lối nhỏ mà nghệ sĩ điêu khắc trẻ Việt Nam đã và đang đi phần nào giúp họ vượt qua được thách thức nghề nghiệp nói trên. Đương nhiên, với một nghệ sĩ thật sự, tâm hồn và tư tưởng của anh ta sẽ được hun đúc trong mỗi một tác phẩm, dù nhỏ xinh hay hoành tráng về kích thước. Điều này cần phải được những người trẻ tự nhận thức và luôn rèn giũa bản thân. Đồng thời, những cọ xát tích cực trong công việc thông qua các sự kiện triển lãm, trưng bày tác phẩm sẽ giúp họ dần nhận ra sự khuyết thiếu trong nghệ thuật của mình. Làm việc nhiều, tích cực tư duy, tích cực tự phê bình, sẽ giúp người nghệ sĩ dù đang bước trên lối đi nhỏ, cũng sẽ sớm nhìn thấy đại lộ nghệ thuật mở ra thênh thang trước mắt.


Đại gia phố núi, đồng mạ, 48cm x 25cm, Phạm Thái Bình, 2011. Ảnh chụp lại: HOÀNG AN TRUNG


Say bét nhè, composite phủ sơn mài, 35cm x 43cm, Phạm Thái Bình, 2012. Ảnh chụp lại: HOÀNG AN TRUNG


Ôi! Nó nhắn tin bỏ tao rồi!, đồng mạ, 22cm x 40cm, Phạm Thái Bình, 2011. Ảnh chụp lại: HOÀNG AN TRUNG

                                                                                                      Theo: Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.654.368
Tổng truy cập: