Tin tức nổi bật
Nghệ nhân Huỳnh Sướng với thương hiệu mộc Kim Bồng
(Ngày đăng: 25/03/2013   Lượt xem: 1426)

Tôi muốn giữ lại những tác phẩm tâm huyết của gia đình, dòng tộc để cho các thế hệ sau biết được, hiểu được về làng mộc Kim Bồng. Đó là gốc rễ của nghề và là nét đẹp truyền thống mà mỗi người thợ như tôi phải có trách nhiệm phải làm”, nghệ nhân Huỳnh Sướng tâm sự.


Nghệ nhân Huỳnh Sướng bên tác phẩm Cội nguồn làm trong một năm.
Nghệ nhân Huỳnh Sướng bên tác phẩm Cội nguồn làm trong một năm.

Thương hiệu làng mộc Kim Bồng

Từ bến đò trên phố cổ Hội An nhìn qua bên kia sông Hoài, đó là xã Cẩm Kim với nghề mộc Kim Bồng nổi tiếng. Chỉ với hai nghìn đồng mua vé một chuyến đò ngang, tôi đã về đến làng quê bình yên ấy. Ngày mới bắt đầu với những âm thanh đục, đẽo quen thuộc của nghề mộc như một mạch nguồn sống, minh chứng cho sự hồi sinh trở lại của một làng nghề đã có truyền thống hàng trăm năm tuổi.

Đón chúng tôi trong “dinh cơ” sang trọng của cha mình là nghệ nhân Huỳnh Ri - cũng là cơ sở đào tạo nghề và sản xuất hàng nghìn sản phẩm mộc Kim Bồng, anh Huỳnh Sướng không quên trải lòng về giai đoạn khó khăn mà gia đình đã vượt qua để khôi phục lại làng nghề. Tiếng tăm của gia đình anh không chỉ dừng lại ở những sản phẩm mộc độc đáo này, mà còn được dân trong làng nhắc đến như người làm cầu nối đầy trách nhiệm trong việc mang lại sự hồi sinh cho nghề mộc Kim Bồng. Trong lúc cao hứng kể cho chúng tôi về lai lịch những người thợ mộc Kim Bồng, anh Huỳnh Sướng đã đọc đôi câu ca dao dí dỏm, rằng: “Đưa tay hốt nhắm dăm bào/ Hỏi thăm anh thợ bao giờ hồi công/ Không mai thì mốt cũng hồi/ Xứ bạn bạn ở, chốn Kim Bồng ta lui chân”. Ngày xưa, khi những người đàn ông trong làng mộc ra đi từ bến phà sông Hoài để làm ăn xa, họ cũng chính là những người truyền dạy nghề mộc ở nhiều nơi.

Ở Cẩm Kim, có bốn tộc họ đang gắn bó với nghề mộc là họ Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương. Anh Huỳnh Sướng là đời thứ 13 của họ Huỳnh giữ gìn và phát triển nghề mộc. Qua tìm hiểu mới hay, năm 1997, được sự hỗ trợ của tổ chức UNESCO và UBND TP Hội An, nghệ nhân Huỳnh Ri đã xây dựng lại làng mộc Kim Bồng trên cơ sở đào tạo, dạy nghề mộc cho thanh niên trẻ của làng. Đến nay, đã có hơn 100 nghệ nhân trẻ “ra lò”, hiện đang gánh trên vai trọng trách gìn giữ và phát triển làng nghề. Cả làng Cẩm Kim có khoảng 200 người làm mộc. Từ khi khôi phục đến nay, làng nghề trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê của ngành văn hóa-du lịch Hội An thì mỗi năm có hơn 30 nghìn lượt khách đến Kim Bồng qua các công ty lữ hành. Nhờ vậy, làng mộc Kim Bồng nhận được nhiều đơn đặt hàng, sản phẩm làng nghề xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, thu nhập của lao động làng mộc này đã từng bước ổn định.

Xã Cẩm Kim là một cù lao nổi trên sông Hoài, nằm tách biệt với phố cổ Hội An. Người dân ở đây sống chính bằng nghề mộc, nghề nông. Bao đời nay, nhiều thế hệ của làng đã giữ nghề, thì ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, nghề truyền thống cần phải giữ, vừa để ổn định cuộc sống, vừa góp phần làm phong phú thêm các địa chỉ văn hóa, phục vụ du khách. Thế hệ trẻ hôm nay họ yêu và gắn bó với nghề. Chính vì thế, khi bao làng nghề truyền thống khác bị mai một, thì mộc Kim Bồng vẫn ngày ngày vang lên âm thanh của sự sống.

“Về đây mà nhà nào cũng gõ, cũng đục, thì mới tạo thành âm thanh sống của làng nghề. Có như vậy mới mong việc phát triển làng nghề ngày càng sôi động, trù phú hơn”, anh Huỳnh Sướng chia sẻ.

Không để âm thanh làng nghề lịm tắt

43 tuổi, nghệ nhân Huỳnh Sướng là người duy nhất trong gia đình chọn kế nghiệp từ cha, mà như lời anh tâm sự thì “cái duyên này không dứt được dù đã không ít lần anh bỏ xứ ra đi rồi lại quay về”. Với những tìm tòi, sáng tạo, anh đã quyết tâm phát triển nghề mộc Kim Bồng với đồ thủ công mỹ nghệ, mộc điêu khắc. Anh cho rằng, để sản phẩm của mình tinh xảo, mỗi nghệ nhân làng mộc Kim Bồng có một kỹ năng, kỹ xảo của mình. Sản phẩm gắn với hồn, với bản chất văn hóa Việt như tre, gỗ. Không có độ rung cảm của nghệ nhân, thì cái hồn của tác phẩm mỹ nghệ sẽ khó thành công. Một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng linh hồn. Đây là nghề thủ công, nhưng để có sản phẩm cạnh tranh được với sự phát triển của nhiều mặt hàng khác thì người thợ Kim Bồng phải thực sự đam mê, phải có lòng nhiệt huyết. Đòi hỏi họ luôn phải sáng tạo, nâng cao tay nghề và đặt toàn bộ tâm hồn - trí tuệ của mình vào tác phẩm.

Nuôi khát vọng tiếp nối cha để giữ nghề, giữ lửa, giữ âm thanh sống của làng mộc, anh là chủ nhân nhiều tác phẩm nổi tiếng. Trong đó có tác phẩm “Cội nguồn” được giải ba trong cuộc thi Sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VII năm 2010 cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật làng quê Việt Nam độc đáo khác. Điều anh và nhiều trai làng mộc tâm huyết và rất mừng là bây giờ nhà nào cũng gõ, cũng đục, đó là âm thanh “sống” của làng nghề.

Sản phẩm làng mộc bây giờ đã vươn ra ngoài tầm của ngôi làng nhỏ Cẩm Kim - Hội An, để có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Đó là hàng trăm sản phẩm mỹ nghệ lưu niệm đến những sản phẩm gia dụng trang trí nội thất như bàn, ghế, tủ, hoành phi, câu đối… Các tay thợ làng mộc Kim Bồng cùng thể hiện tài năng trên từng sản phẩm. Tài hoa riêng của mỗi người được gắn kết lại bằng sự tỉ mẩn đến từng chi tiết, cẩn trọng trong từng nét chạm, nét khắc, để thổi hồn vào từng thớ gỗ. Và hơn hết, đó là niềm tin khôi phục lại sức sống mãnh liệt cho nghề mộc Kim Bồng.

Nhưng có một điều mà anh Huỳnh Sướng cũng như nhiều nghệ nhân trẻ ở làng mộc trăn trở, đó là việc “tái đầu tư” cho làng nghề. Bởi hiện nay, làng mộc Kim Bồng không bán vé tham quan, nên việc đầu tư lại cho làng nghề rất khó. “Nhưng Hội An là phố cổ, các làng nghề đều nằm trong chuỗi văn hóa-du lịch, nên cần có một chính sách phù hợp để hỗ trợ, tái đầu tư cho làng nghề. Mặt khác, Cục sở hữu trí tuệ, thành phố Hội An cần có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu làng nghề mộc Kim Bồng, không cấp phép cho một đơn vị nào nữa đăng ký lại thương hiệu của làng nghề. Bởi hiện nay, ngay tại phố cổ Hội An, vẫn có một đơn vị lấy tên mộc Kim Bồng trong khi họ không phải là người làng Cẩm Kim.”, anh Huỳnh Sướng bày tỏ.


                                               Du khách tham quan làng mộc Kim Bồng.

                                                                                       Theo: Nhân Dân điện t
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

31
Đang xem:
72.648.333
Tổng truy cập: