Tin tức nổi bật
Làng cổ Ðường Lâm phấn đấu trở thành Di tích quốc gia đặc biệt
(Ngày đăng: 08/03/2013   Lượt xem: 1577)

Khách tham quan nhà cổ hơn 300 năm của ông Hà Hữu Thể tại thôn Mông Phụ làng Ðường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội).      
Trải qua bao biến thiên của lịch sử và trước tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, làng cổ Ðường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vẫn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu. Ðảng bộ, chính quyền thị xã Sơn Tây và người dân địa phương đang thực hiện đề án lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa của làng cổ,  phấn đấu để Ðường Lâm sớm được công nhận là Di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Nơi lưu giữ giá trị lịch sử, kiến trúc nổi bật

Người dân thị xã Sơn Tây nói chung, người dân xã Ðường Lâm nói riêng rất tự hào vì trên quê hương mình lại có làng cổ đẹp và nhiều di tích quý báu như Ðường Lâm. Làng có tất cả 50 di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Trong đó, có bảy di tích cấp quốc gia; hai di tích, mười ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp thành phố.

 Là quê hương của Bố Cái Ðại Vương Phùng Hưng và Vua Ngô Quyền, Ðường Lâm giữ được nhiều di tích gắn với hai danh nhân này như: Ðền Phùng Hưng; khu rừng trước đây Phùng Hưng từng đánh chết hổ; lăng, đền Ngô Quyền; khúc sông Ngô Quyền từng cho quân tập trận trước khi tiến hành trận quyết chiến trên sông Bạch Ðằng, rặng duối hơn 1000 tuổi - nơi Ngô Quyền cho buộc đàn voi, ngựa chiến khi xưa, đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là "Cây di sản Việt Nam"...

Ngoài các di tích lịch sử, Ðường Lâm có nhiều công trình cổ, kiến trúc đẹp, trong đó nổi bật nhất là đình Mông Phụ.

Ngôi đình được xây vào thế kỷ 17 dưới thời Lê Trung Hưng, thờ Tản Viên Sơn Thánh. Ðình là đại diện tiêu biểu cho kiến trúc "chùa Bắc, đình Ðoài" như dân gian ca ngợi. Tòa đại đình được dựng theo kiểu "năm gian hai chái", với sáu hàng chân cột lớn. Ngoài gian chính được xây dựng thấp kiểu lòng máng, các gian khác đều được lát sàn bằng ván gỗ, cao hơn mặt đất chừng nửa mét, tạo ra vẻ bề thế, vững chãi cho ngôi đình. Hệ thống cột, kèo, con sơn... được chạm khắc tinh vi, phong phú, chủ yếu là các họa tiết rồng, lân, cá chép, chim, hoa lá...

Ngoài đình Mông Phụ, di tích chùa Mía nằm trên thôn Ðông Sàng có kiến trúc đẹp. Chùa được xây dựng từ xa xưa. Sang thế kỷ 17, chùa được  tôn tạo lớn và dáng vẻ đó cơ bản được giữ đến hôm nay. Chùa Mía hiện lưu giữ 287 pho tượng, gồm sáu tượng đồng, 107 tượng mộc và 174 tượng đất. Ðây là ngôi chùa đang giữ kỷ lục về số pho tượng cổ nhiều nhất Việt Nam.

Làng Ðường Lâm hiện lưu giữ được gần 1.000 ngôi nhà cổ, nhà truyền thống, chủ yếu nằm ở các thôn: Mông Phụ, Ðông Sàng, Cam Thịnh, Ðoài Giáp. Trong số những ngôi nhà cổ, ngôi nhà của chị Dương Thị Lan có kiến trúc nổi bật. Ngôi nhà nằm giữa một không gian xanh, với hàng cây cau, cây hồng xiêm, những cây ngâu, cây mộc thơm ngát... Nền nhà, sân được lát gạch Bát Tràng cổ. Ngôi nhà năm gian, kích thước mỗi gian lên tới gần ba mét. Gian chính giữa dành để thờ cúng. Ngôi nhà này của dòng họ Ðỗ. Người đỗ đạt nhất trong dòng họ là cụ Ðỗ Doãn Chính, người từng làm đến chức Ðốc học Sơn Tây những năm cuối thế kỷ 19. Ngôi nhà có niên đại khoảng 370 năm, giữ được nhiều cổ vật quý. Ðộc đáo nhất là bộ gậy "giáo pháp" của cụ Ðỗ Doãn Chính được làm bằng gỗ quý và cây trúc đùi gà. Thời gian đã khiến cả hai chiếc gậy lên nước sáng bóng. Nó được dùng để cụ quất những học trò hư. Chị Dương Thị Lan là cháu dâu đời thứ sáu của cụ Ðốc học, cũng là người tâm huyết giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử cha ông để lại...

Ở Ðường Lâm, gần như bất cứ con ngõ nào, bất cứ ngôi nhà nào cũng có thể nghe những câu chuyện về các danh nhân, về phong tục, tập quán khi xưa như ngôi nhà chị Dương Thị Lan. Làng còn lưu giữ được 37 ngôi nhà có niên đại từ 200 đến 400 năm, 74 ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn một thế kỷ. Ðường Lâm vừa có nét chung của làng quê Bắc Bộ, các ngôi nhà đều có mái ngói, cột kèo bằng gỗ, vừa có nét riêng của vùng bán sơn địa với tường nhà bằng gạch đá ong. Bởi thế, Ðường Lâm còn được mệnh danh là "làng cổ đá ong".

Giải quyết bài toán bảo tồn và phát triển ra sao?

Năm 2005, Ðường Lâm vinh dự trở thành làng cổ đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Sau khi đón nhận danh hiệu này, thị xã Sơn Tây đã thành lập Ban Quản lý làng cổ Ðường Lâm để thực hiện công tác quản lý, phối hợp các cơ quan nghiên cứu, tu bổ các di tích, nhà cổ. Năm 2007, thị xã ban hành quy chế về việc xây nhà ở trong khu vực cần bảo tồn. Những năm gần đây, công tác quản lý trật tự xây dựng trong khu vực làng cổ dần đi vào nền nếp. Năm 2012 vừa qua, không có hộ gia đình nào trong khu vực này vi phạm các quy định về xây dựng.

Mặc dù vậy, cũng như nhiều địa phương khác, làng cổ Ðường Lâm đang chịu sức ép rất lớn của quá trình đô thị hóa, cũng như những sức ép từ việc gia tăng dân số. Phó Ban Quản lý Di tích làng cổ Ðường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết: "Khu vực làng cổ Ðường Lâm có 1.500 hộ dân, hơn 6.000 nhân khẩu. Gia đình nào cũng vậy, khi con cái đến tuổi lập gia đình, đều có nhu cầu tách hộ, xây dựng nhà cửa cho con ra ở riêng. Ðất làng cổ ngày một chật, cho nên không ít người dân muốn xây nhà cao tầng để có thêm chỗ sinh hoạt". Thời gian qua, các ngành chức năng đã tuyên truyền, giáo dục nhân dân về giá trị của nhà cổ, qua đó, nâng cao ý thức của nhân dân. Thị xã đang nghiên cứu đề án giãn dân để đáp ứng nhu cầu cải thiện chỗ ở của người dân. Dự kiến, sẽ dành một khu giãn dân để những người dân có nhu cầu có thể xây nhà, mà không phải phá bỏ nhà truyền thống. Thị xã cũng đang kết hợp với Trường đại học Xây dựng, Trường đại học Kiến trúc... thiết kế mẫu nhà mới, vừa bảo đảm cuộc sống hiện đại, vừa có nét hài hòa với không gian làng cổ để hướng dẫn người dân xây dựng khi có nhu cầu. "Công tác bảo tồn các di sản ở làng cổ Ðường Lâm gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà cổ xuống cấp mà tu sửa nhà gỗ rất tốn kém. Chính quyền thị xã, dù đã rất cố gắng, nhưng không thể lo đủ kinh phí giúp các hộ dân sửa chữa, tu tạo nhà cổ. Vấn đề tạo đất giãn dân cũng vậy, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành của thành phố và trung ương, bởi nếu không giải quyết hài hòa bài toán giữa bảo tồn và phát triển, thì thật khó giữ những giá trị to lớn của làng cổ" - đồng chí Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Theo các nhà khoa học, căn cứ vào các tiêu chí của Luật Di sản văn hóa, làng cổ Ðường Lâm bảo đảm tiêu chí về công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam (khoản b, điều 29, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa) để được công nhận là Di tích đặc biệt quốc gia. Ngày 12-2-2012, Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây đã ra nghị quyết về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ Ðường Lâm giai đoạn 2012-2020. Bên cạnh các định hướng bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị làng cổ Ðường Lâm, nghị quyết đề ra mục tiêu đó là phấn đấu đưa làng cổ Ðường Lâm được xếp hạng Di tích đặc biệt cấp quốc gia trong năm nay. Theo lãnh đạo thị xã Sơn Tây, việc phấn đấu trở thành Di tích quốc gia đặc biệt có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Ðường Lâm, bởi danh hiệu này vừa khẳng định giá trị của làng cổ, vừa góp phần nâng cao ý thức của người dân, qua đó, nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ.

                                                                                                   Theo: Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

222
Đang xem:
73.084.907
Tổng truy cập: