Tin tức nổi bật
Muốn di sản trường tồn, trước tiên phải trân trọng nghệ nhân
(Ngày đăng: 07/03/2013   Lượt xem: 976)
Sau sự ra đi của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, người ta đặt nhiều câu hỏi về thân phận của nghệ nhân hát xẩm nói riêng và nghệ nhân thuộc các loại hình nghệ thuật dân gian nói chung. Cùng với đó là tương lai của nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Xung quanh vấn đề này Báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với nhạc sỹ Thao Giang.

Nhạc sỹ Thao Giang - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam: Muốn di sản trường tồn, trước tiên phải trân trọng nghệ nhân
PV: Thưa ông, trong một bài viết mới đây trên báo Đại Đoàn Kết về vấn đề nỗi lòng người "giữ lửa” có nói tới những trăn trở về chế độ đãi ngộ của nhà nước với các nghệ nhân dân gian. Và trường hợp nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu cho dù đã được phong là NSƯT, rồi nghệ nhân dân gian, cuộc sống rất nghèo khó nhưng cho đến lúc chết vẫn không được hưởng một đồng cắc nào từ chính sách đãi ngộ… Đây thực sự là một điều xót xa?

Nhạc sỹ Thao Giang: Chúng tôi đã có ý kiến từ rất lâu rồi, trước hết là cho các cụ nghệ nhân hưởng chế độ bảo hiểm y tế đã, vì tất cả những nghệ nhân giờ đã già yếu. Trung tâm của chúng tôi đã từng thực hiện ý nguyện của các nghệ nhân hát xẩm là được tới Nhà hát Lớn Hà Nội xem biểu diễn, như cụ Khôi ở Yên Nghĩa (Hà Đông) cháu nội cụ đã đưa cụ đến, và năm sau thì cụ mất.

Về trường hợp của cụ Hà Thị Cầu, chúng tôi có xuống trước khi cụ mất một ngày. Nhưng lúc đó cụ chỉ gật đầu, rồi những giọt nước măt lăn dài trên má. Tôi có hỏi chị Mận - con gái cụ rằng, sao từ khi cụ yếu chị không đưa cụ đến viện, chị Mận nói: Ông tưởng đi viện dễ à?…Chị kể lại: Cụ Cầu chỉ có mỗi chứng nhận hộ nghèo, đưa cụ lên bệnh viện huyện nhưng người ta không chữa, bảo cụ đau yếu thì đưa về nhà.

Như vậy, điều đáng buồn là chính quyền địa phương tại Ninh Bình đã không có những quan tâm sát sao tới "báu vật sống”, trong khi ai cũng biết cụ là nghệ nhân hát xẩm đặc biệt.

Thưa ông, nói như vậy, các nghệ nhân dân gian hiện nay mới chỉ có cái danh?

Đúng vậy, như nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ, cụ có một cô cháu tên là Quyên, mấy lần tôi có mời cô Quyên ra hát, bởi cô có chất giọng giống y như cụ Quách Thị Hồ, cô ấy đã từ chối rằng cháu cứ nhìn gương bà cháu nên cháu không theo nghề làm gì, cháu phải đi tìm việc khác để sinh sống. Như vậy, chúng tôi đang đào tạo những lớp người trẻ về âm nhạc truyền thống, và người ta trả lời như vậy thì chúng tôi còn đào tạo ai? Đào tạo cái gì? Nếu không đào tạo thì ai kế tục sự nghiệp cho chúng tôi? Bây giờ chúng tôi làm để cố gắng vinh danh tất cả những di sản âm nhạc truyền thống Việt Nam, bởi âm nhạc dân gian là thứ tồn tại mãi mãi, nó bền bỉ cho đến hôm nay.

Sau khi cụ Hà Thị Cầu mất, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho rằng: Nghệ nhân Hà Thị Cầu xứng đáng được truy tặng Nghệ sĩ nhân dân. Theo ông, nếu được truy tặng thì bằng khen ấy có ý nghĩa gì?
 
Tôi nghĩ việc truy tặng NSND với cụ Hà Thị Cầu chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Người đã mất rồi thì có phong là tể tướng cũng chả giúp ích gì. Đáng lẽ lúc cụ còn sống, phải giúp là để cụ còn tiếng hát, còn đóng góp cho đời… và chúng tôi còn có cơ sở để nghiên cứu phương pháp thanh nhạc của cụ. Giờ chúng tôi chưa làm được, mới ghi âm được những bài của cụ, chứ chưa khai thác được phương pháp chơi đàn, kỹ xảo chơi đàn… làm sao cụ hát để thành ra hát xẩm. Đó là điều rất hối tiếc. Hát như cụ thì 5 năm, 10 năm có khi còn chưa học được. Mà rất đặc sắc, bây giờ đưa một bản của cụ Hà Thị Cầu hát xẩm, cụ Quách Thị Hồ hát ca trù, hai dòng hoàn toàn khác, cho thấy phương pháp thanh nhạc của người Việt chúng ta hay và cực kỳ giá trị. Bởi khi thế giới biết về ca trù là nhờ tiếng hát của cụ Quách Thị Hồ. Còn bây giờ hiểu xẩm là phải qua tiếng hát của cụ Hà Thị Cầu.

Hiện tôi còn ảnh chụp mâm cơm thường ngày của cụ Hà Thị Cầu với những món ăn không thể đạm bạc hơn…Còn cái nhà cụ thì chỉ gọi là có cái mái để chui ra chui vào. Thực ra, nói nghệ nhân với nghệ sĩ tên tuổi lừng lẫy có hoàn cảnh như vậy thì người ta tưởng là nói dối.

Từ những hình ảnh đó có thể khái quát thân phận của người nghệ nhân hôm nay?

Có lẽ thế, thân phận của người nghệ nhân ở loại hình nào cũng vậy… Một số loại hình được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng thế thôi. Với quan họ, bây giờ có ai sáng tác được những tác phẩm: Ai xuôi về hay Dệt gấm như cụ Nguyễn Đức Xôi. Có những ca khúc của mình hát lên là người ta nhận ra Việt Nam ngay. Tại sao nghệ nhân của mình lại tài ba như thế. Theo tôi, những "báu vật nhân văn sống” đang bị đối xử tệ bạc. Tôi cũng không rõ ai là người phải chịu trách nhiệm. Thế còn khi lên trình thế giới, chắc người ta phải đầu tư rất nhiều tiền của để tổ chức hội thảo, vinh danh, biểu diễn. Còn người lưu truyền, giữ lửa những di sản ấy như cụ Hà Thị Cầu, Quách Thị Hồ, Nguyễn Đức Xôi… thì dường như đứng ngoài cuộc.

Ông có đề xuất gì với những chế độ dành cho nghệ nhân?

Tôi đã đi tới nhiều nước, bên đó người ta khoe những "quốc gia chi bảo” là những người như cụ Hà Thị Cầu. Nhưng ở ta, không ai gìn giữ họ, bảo vệ họ. Như vậy đặt ra vấn đề, những người ý thức được giá trị của những "quốc bảo” đó để gì giữ và phát huy. Còn nếu như chỉ nói miệng thì cũng chỉ bay qua như gió thoảng. Thực tế là bây giờ phong trào rầm rộ đua nhau trình UNESCO công nhận di sản, nhưng ai làm lên những thứ để được UNESCO công nhận. Câu hỏi đó buộc các nhà chức năng có liên quan phải suy ngẫm và trả lời.

Xin cảm ơn ông!
Theo: Đại Đoàn Kết

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

236
Đang xem:
73.084.414
Tổng truy cập: