Tin tức nổi bật
Những báu vật sống bị lãng quên
(Ngày đăng: 07/03/2013   Lượt xem: 1215)

Mấy bữa nay, nghe xôn xao chuyện đề cử “bảo vật quốc gia”, chạnh nghĩ tới những báu vật văn hoá “sống” khác, được người đời tôn xưng là “báu vật” chẳng cần qua xét duyệt, thế mà bị lãng quên. Ai không tin, vào Google gõ chữ Hà Thị Cầu mà xem. Không một bài báo nào viết về nghệ nhân Hà Thị Cầu lại không nhắc tới gia cảnh của “người hát xẩm cuối cùng”.








Nghệ nhân Hà Thị Cầu. Ảnh: Trần Việt Đức

Cuộc đời bà đầy những truân chuyên. Giai đoạn xẩm bị thờ ơ, hắt hủi, biết bao nghệ nhân gạo cội cũng phải vót tăm, bện chổi kiếm sống đã đành. Tới lúc xẩm được khôi phục lại, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, bà vẫn lầm lũi sống trong căn nhà rách nát chẳng có lấy một thứ gì lành lặn, chứ chưa nói là đáng giá. Ngay đến cây đàn nhị bà luôn giữ bên mình cho đến phút cuối đời cũng không phải là một “cổ vật” nhiều giá trị. Có lúc, “trên” mượn cây đàn ấy đem đi trưng bày, ngày ngày bà lấy vỏ lon bia ra cò cưa thay cho cây đàn duy nhất. Nói về cái sự nghèo, thì nghèo đến thế là cùng!

Bà được gọi là “báu vật sống”, chẳng một ai thắc mắc. Bởi chắc chắn, riêng về xẩm, bây giờ và cả sau này, không có một báu vật thứ hai. Chẳng ai có thể ngờ, báu vật sống ấy lại trải qua những năm tháng tuổi già trong đói nghèo. Và nghèo đến mức, phóng viên nào viết bài về nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng cố ý một đôi dòng nhắc đến gia cảnh. Báo phản ánh nhiều như vậy, nhưng những người có khả năng thay đổi cuộc sống của bà có để tâm chăng?

Từ câu chuyện “báu vật” Hà Thị Cầu, chợt nhớ tới một báu vật của nghệ thuật ca trù: Phó Thị Kim Đức. Cuộc đời của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức cơ cực, nhọc nhằn chẳng kém nghệ nhân Hà Thị Cầu, bởi ca trù cũng từng trải qua một thời gian dài ngưng hoạt động. Bà Đức may mắn hơn bà Cầu ở chỗ, con cái đều thành đạt, hết lòng phụng dưỡng mẹ già. Thế nhưng, nếu không có những mạnh thường quân âm thầm giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần trong hàng chục năm qua, phần vì mê ca trù, phần vì trọng cái tài, cái đức của bà, thì đào nương cuối cùng còn lại của giáo phường Khâm Thiên đã không thể hoàn thành giáo án đầu tiên và duy nhất về ca trù, để những tinh tuý của nghệ thuật ca trù còn được lưu giữ cho đến mai này. Điều đáng nói, những mạnh thường quân ấy lại là những người ngoại đạo với ca trù.

Cũng như xẩm, ca trù đã được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới. Cũng như những nghệ nhân đeo đuổi đến cùng để gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống, đã không được vinh danh, lại còn chết trong nghèo khó như thân phận người hát xẩm Hà Thị Cầu, mà đến giờ tưởng chuyện này chỉ xảy ra thời phong kiến. Bà Cầu không phải là một mà còn rất nhiều những nghệ nhân khác hiện nay, chỉ vì những vướng mắc cơ chế mang tính chủ quan do người làm luật không rõ ràng, đã đẩy rất nhiều những “giá trị sống” lây lất trên cõi đời vốn đã vô thường nay còn cơ khổ hơn. Điều này nếu xảy ra từ thế kỷ trước còn có lý do để biện minh, nhưng nay thế kỷ 21 rồi, lại đã có biết bao chủ trương trọng người hiền tài, đãi ngộ chí sĩ, khôi phục và phát triển văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc v.v. thậm chí đã được đưa vào nghị quyết, nhưng thực hiện thế nào thì chỉ cần nhìn thân phận những người nghệ sĩ, nghệ nhân thực thụ đã được đối xử ra sao, mới thấu.

Lẽ nào, người ta cần một tấm bằng công nhận “di sản văn hoá thế giới” chỉ để làm sang?                         

GS.TS Tô Ngọc Thanh, chủ tịch hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: Chúng ta chỉ có cách chờ đợi…

Từ cách đây rất lâu, chúng tôi đã đề nghị lên trên về việc hỗ trợ cho các cụ nghệ nhân dân gian cao tuổi mỗi tháng một khoản tiền và mỗi cụ một thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng, cho đến nay vẫn chưa thấy một bộ nào trả lời và và Nên, có lẽ, chúng ta vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Với cụ Hà Thị Cầu, một nghệ nhân có cuộc sống cực kỳ khó khăn, dù rất thương cụ, nhưng những khi trái gió trở trời, tôi chỉ có thể đến thăm nom, giúp đỡ cụ một phần nhỏ nào đó trong khả năng cá nhân. Còn về phía hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, dù có muốn được đỡ đần cụ, cũng không thể, và vì chưa có quy chế.

                                                                                                  Theo: Sài gòn Tiếp Thị

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

187
Đang xem:
73.084.365
Tổng truy cập: