Tin tức nổi bật
(29)-Giấy Dó làng Yên Thái - Từ di sản "ngủ quên" đến hành trình được hồi sinh
(Ngày đăng: 15/06/2024   Lượt xem: 31)

Từng nổi tiếng khắp nơi và là niềm tự hào của người dân Kẻ Bưởi, làng nghề giấy Dó Yên Thái (phường Bưởi, quận Tây Hồ) đã dần mai một theo thời gian. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống quý báu, quận Tây Hồ đã đưa giấy dó làng Yên Thái trở thành điểm đến du lịch văn hóa, nơi du khách có thể tìm hiểu và trải nghiệm nghề truyền thống độc đáo.

Di sản vàng son một thời

Nghề làm giấy ở Việt Nam đã có từ những năm đầu Công Nguyên, cho đến kỷ nguyên Đại Việt thì nghề làm giấy Dó ở Thăng Long ngày càng được phát triển mạnh. Một trong những nơi làm giấy Dó nổi tiếng thời bấy giờ là làng nghề giấy dó Yên Thái, còn gọi là Kẻ Bưởi, ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội (nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ).

giay do yen thai
Vỏ Dó nguyên liệu chính để làm ra giấy Dó.
Làng giấy Yên Thái trước đây luôn vang dội nhịp chày giã vỏ dó, âm thanh ấy đã đi vào ca dao, dân ca làm nên vẻ đẹp của chốn kinh kỳ thanh bình yên ả: “Gió đưa cành trúc la đà /Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.

Nguyên liệu chính để làm giấy Dó là vỏ của cây dó - một loại cây cao từ 1 - 2m mọc tự nhiên thành rừng ở khu vực Phú Thọ, Yên Bái. Ngày xưa người dân làng Yên Thái thường lên đó thu mua vỏ dó rồi đóng thành từng bè xuôi theo dòng chảy sông Hồng và tập kết ở bến Xù Gạ (gần bến Chèm, quận Bắc Từ Liêm) sau đó kéo về làng. Sau khi có được nguyên liệu tốt, hàng loạt các công đoạn sản xuất được thực hiện liên tục, nối tiếp nhau.

Chị Nguyễn Hồng Nhung, người sáng lập mô hình trải nghiệm làm giấy Dó - Zó Project chia sẻ “Kỹ thuật để làm ra giấy Dó cổ truyền làng Yên Thái xưa cũng khá phức tạp, đòi hỏi mỗi bước làm phải là từng thợ khác nhau. Cụ thể mỗi người thợ dày dặn kinh nghiệm phải trải qua rất nhiều công đoạn sản xuất tỉ mỉ đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh và sự dẻo dai; sự chuyên môn hóa ấy còn chịu sự chi phối bởi mục đích sản xuất, sản lượng và chất lượng giấy theo yêu cầu”.

Trong số các công đoạn làm giấy Dó, seo giấy có thể coi là công đoạn quan trọng nhất quyết định sự thành công của một tờ giấy Dó. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay do những người phụ nữ đảm nhận. Những người phụ nữ làng Yên Thái phải đứng bên tàu seo làm việc miệt mài trong nhiều giờ đồng hồ, đôi tay ngâm trong bể nước bất kể trời mùa đông giá buốt.

giay do yen thai
Du khách trải nghiệm quy trình làm giấy truyền thống tại “Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy Dó của vùng Bưởi xưa”.
Trải qua nhiều công đoạn chế tác thủ công cầu kỳ, phức tạp, với đôi tay tài hoa của người thợ đã làm ra những tờ giấy nhẹ như bấc, mềm như lụa, óng như tơ, nhưng bên trong dáng vẻ mảnh mai tinh tế đó lại chứa đựng sức bền đối với thời gian. Dù trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới gió mùa thì giấy Dó Yên Thái có thể bảo quản được hằng trăm năm mà không bị mốc hay hư hại. Chính vì điều này, người xưa đã dùng giấy Dó để in kinh sách, viết chữ, in tranh dân gian và đặc biệt hơn cả, các triều đại phong kiến Việt Nam dùng giấy Dó cho việc viết sắc phong.

Cho tới những năm 90 của thế kỷ XX, nghề làm giấy Dó tại vùng Bưởi vẫn còn được lưu giữ, sản xuất bởi các hợp tác xã. Nhưng đến đầu những năm 2000, các hợp tác xã giải thể thì nghề làm giấy Dó đã bị thất truyền. Kể từ đó, nghề làm giấy Dó đã không còn trên đất Thăng Long - Hà Nội khiến nhiều người dân vô cùng tiếc nuối.

Tiếp nối truyền thống để giấy Dó hồi sinh

Để triển khai có hiệu quả Chương trình số 02-CTr/QU ngày 19/10/2020 của Quận ủy Tây Hồ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế; chú trọng phát triển ngành dịch vụ - du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống của quận giai đoạn 2020 - 2025; UBND phường Bưởi được giao nhiệm vụ xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức vận hành, khai thác điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và phục dựng mô hình nghề sản xuất truyền thống làm giấy Dó, phường Bưởi”.

Ngày 13/5/2024, “Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy Dó của vùng Bưởi xưa” tại địa chỉ số 189 phố Trích Sài, phường Bưởi, chính thức đi vào hoạt động.

giay do yên thai
Không gian bên trong nhà trưng bày giới thiệu về làng nghề làm giấy Dó.
Ông Nguyễn Minh Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Bưởi cho biết, điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy Dó của vùng Bưởi xưa không chỉ là một điểm dịch vụ, du lịch văn hóa, nơi tôn vinh lưu giữ, bảo tồn những giá trị của nghề làm giấy Dó truyền thống mà còn là địa chỉ tin cậy, quen thuộc đối với người dân Thủ đô và các tỉnh, thành trong cả nước, bạn bè quốc tế khi về tham quan, du lịch trên địa quận Tây Hồ.

Địa điểm phục dựng mô hình giấy Dó được đặt trong khuôn viên Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ phường Bưởi. Nhà tưởng niệm được chọn làm nơi giới thiệu, trình chiếu phim tư liệu về làng nghề giấy Dó xưa, với nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu được trưng bày dành cho khách tham quan. Lấy nhà truyền thống làm trung tâm, xung quanh là những phục dựng tượng và công cụ mô phỏng theo từng công đoạn sản xuất giấy Dó làng nghề Yên Thái xưa.

Đến địa điểm này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những hiện vật làm từ giấy Dó mà còn có cơ hội trực tiếp trải nghiệm quy trình làm giấy truyền thống. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân, du khách sẽ được tự tay seo giấy và phơi giấy. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, mang đến cho du khách những trải nghiệm vô cùng thú vị và bổ ích.

Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan khu trưng bày sản phẩm làm từ giấy Dó. Nơi đây trưng bày đa dạng các sản phẩm thủ công tinh xảo như tranh, sổ tay, quạt giấy,... Tất cả đều được làm từ giấy Dó với nhiều màu sắc, hoa văn độc đáo, thể hiện sự sáng tạo và khéo léo của người nghệ nhân.

Với sự kết hợp giữa trưng bày hiện vật và hoạt động trải nghiệm khu du lịch, văn hóa phục dựng lại nghề truyền thống giấy Dó Yên Thái đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ ký ức về một làng nghề truyền thống mà còn là nơi truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

                                   Theo:  laodongthudo.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.616.117
Tổng truy cập: