Tin tức nổi bật
Bí ẩn gốm Chăm Bàu Trúc
(Ngày đăng: 18/02/2013   Lượt xem: 1559)

Vẻ đẹp mộc mạc và kỹ thuật chế tác thô sơ của gốm Bàu Trúc thu hút sự khám phá của nhiều du khách mỗi khi đến mảnh đất Ninh Thuận. Nghề làm gốm Bàu Trúc cũng vừa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và chuẩn bị lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Làng gốm lâu đời nhất Đông Nam Á

Làng gốm Bàu Trúc nằm ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cách thành phố Phan Rang- Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận chưa đầy 10km. Đây là làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm đã có từ rất lâu đời. Cái tên Bàu Trúc có tên gốc Chăm là Paley HamuTrok, nghĩa là “làng trũng”, nhô ra cuối triền sông. Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ xưa nhất của Đông Nam Á.


rez_586_anh bai gom 1.jpg

Gốm Bàu Trúc lạ là vì được làm hoàn toàn bằng tay (không dùng bàn xoay)

Gốm Bàu Trúc có ba cái lạ và một cái đặc biệt. Lạ vì gốm được làm hoàn toàn bằng tay (không dùng bàn xoay), thợ làm gốm đều là phụ nữ và chỉ có đất ở vùng đó mới làm được gốm mà không dùng bàn xoay. Còn điều đặc biệt là nguyên liệu làm gốm của nơi này được lấy từ sông Quao, loại đất nổi tiếng dẻo tạo nên sản phẩm đẹp màu, bề mặt láng mịn. Nước hay thức ăn để trong đó lâu hỏng và luôn mát hơn nhiệt độ bên ngoài. Người chơi gốm Bàu Trúc cũng phải hiểu văn hóa của gốm Bàu Trúc. Mỗi sản phẩm có quy định về cách bày riêng để hợp phong thủy chứ không phải thích bày ở đâu thì bày. Phù điêu, tượng thường nên bày ở góc nhà, ở vườn để có tác dụng trừ hung, trấn an.

Để làm nên sản phẩm gốm Bàu Trúc, theo nghệ nhân Đàng Thị Phan- người đã đưa gốm Bàu Trúc đến tận Nhật Bản, Mỹ, Pháp cho biết, nguyên liệu làm gốm là đất sét mịn, có độ dẻo cao được làm sạch, nếu chỉ lẫn một chút cát thô hoặc ít sạn, bẩn thì sản phẩm sau khi nung sẽ bị nứt, hỏng hoàn toàn. Đất sét lấy về được đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó là công đoạn nhồi đất. Nhồi đất là khâu quan trọng nhất, phải nhồi thật kỹ, nếu không, khi nung, sản phẩm sẽ bị nổ. Đất được nhồi kỹ rồi có thể để dùng vài ngày, cần làm gốm chỉ cần tưới nước vào là được.

Người phụ nữ Chăm ở Bàu Trúc làm gốm không dùng bàn xoay. Người ta gọi kỹ thuật làm gốm Bàu Trúc bằng cái tên rất dân dã “làm bằng tay xoay bằng mông”. Đất được đặt lên một cột đá tròn gọi là trụ, người phụ nữ cứ đều đều bước chân quanh cột đá. Qua bàn tay khéo léo của mình, những khối đất biến thành lọ hoa, bình nước, thành khương... Nhìn thì rất đơn giản, nhưng không được học, được rèn thì không ai làm được. Người không biết nghề đi vài vòng là mệt, hoa mắt chóng mặt, người khỏe thì đi được lâu nhưng sản phẩm gốm trong tay không ra hình dạng gì. Cũng vì vậy mà mỗi sản phẩm làm ra không cái nào giống cái nào.

Sản phẩm gốm Bàu Trúc không dùng lò nung mà được nung lộ thiên ở nhiệt độ cao từ 5-6 giờ. Nung gốm phải chọn ngày nắng, củi được chất bên dưới, sản phẩm gốm đặt ở trên theo nguyên tắc lớn dưới, nhỏ trên. Cuối cùng, phủ một lớp rơm cho kín để khi cháy, tro rơm không làm bốc hơi nóng giúp sản phẩm có màu đẹp tự nhiên. Khi gốm chín, cứ để nguyên trên lò nếu là sản phẩm thô. Riêng với sản phẩm mỹ nghệ, lúc lửa tắt cần cho ngay gốm vào nước vỏ đều để có màu đỏ đẹp. Với những sản phầm cần nhuộm màu, sau khi nung sẽ được phun hoặc ngâm nước chiết xuất từ cây cây thị- một loài cây lấy ở trên núi của vùng Ninh Thuận.

Người giữ lửa cho nghề

Trước đây, dân Bàu Trúc sống nhờ nghề gốm. Con gái trong làng lớn lên 12,13 tuổi đã biết nhào đất, nặn gốm… thiếu nữ về nhà chồng phải biết nung gốm, nấu cơm, nấu nước bằng nồi đất nung do chính tay mình làm ra. Bây giờ, cả làng chỉ còn vài chục hộ gia đình trên tổng số 400 hộ của làng làm gốm. Sản phẩm cũng chỉ để bán cầm chừng mỗi khi có khách du lịch ghé qua làng. Nghề làm gốm cũng là cha truyền con nối, không có trường lớp nào dạy, lại cộng thêm vất vả nên giờ lớp trẻ không theo nghề.

rez_648_anh bai gom 2.jpg

Kỹ thuật “vuốt bằng tay xoay bằng mông” của nghệ nhân làm gốm Bàu Trúc

Nhưng vẫn có một người phụ nữ truyền lửa yêu nghề gốm cho con cháu, người dân trong làng và cả du khách, đó là bà Đàng Thị Phan. Lớn lên trong gia đình có 3 đời làm gốm, từ năm 18 tuổi, bà Đàng Thị Phan đã biết nung gốm. Năm nay bước vào tuổi 66 tuổi, bà Phan vẫn thoăn thoắt đi quanh trụ, những khối đất biến hóa thành đủ hình dạng dưới bàn tay bà.

Gia đình bà cũng là điểm đến hấp dẫn nhất làng Bàu Trúc mỗi khi có du khách đến làng. Với tình yêu nghề gốm, bà Phan đã đem cái lạ, cái đặc biệt của gốm Bàu Trúc đi Nhật, đi Mỹ, Pháp, Malaysia...Chia sẻ về niềm tự hào của nghề gốm Bàu Trúc, bà Phan bảo: “Cái độc đáo nhất của nghề là không có bàn xoay. Thực ra, tôi cũng mong có bàn xoay, để làm nghề đỡ cực (vất vả) chứ, nhưng đó mới là điều độc đáo của nghề gốm Bàu Trúc. Cũng chỉ có đất ở đây mới làm được gốm không có bàn xoay”. Bà Phan cũng kể, một lần ra Hà Nội làm triển lãm các làng nghề gốm, Bát Tràng, Phù Lãng đều có bàn xoay, riêng Bàu Trúc không có bàn xoay. Ở Hà Nội nửa tháng, tôi thử làm bàn xoay nhưng không ra được sản phẩm, nhưng đất gốm Bàu Trúc không làm bàn xoay được, cứ đưa lên bàn xoay thì dính lại”.

rez_586_anh bai gom 3.jpg

Bà Đàng Thị Phan-  người truyền lửa yêu nghề gốm Bàu Trúc

Tương tự, lần đến Nhật biểu diễn theo chương trình hợp tác văn hóa của nước bạn mời, bà Phan cũng bảo, chỉ có đất ở sông Quao mới làm được gốm mà không cần bàn xoay. “Tôi lấy đất của tôi lên bàn xoay của Nhật thử làm sản phẩm nhưng không được. Rồi tôi lấy đất của Nhật làm thử bằng tay như kỹ thuật của gốm Bàu Trúc thì nó sụp xuống, còn đất của tôi lên được đến 2m. Người Nhật họ ngạc nhiên lắm”.

Giờ không nhiều người làm gốm Bàu Trúc, nhưng niềm yêu nghề và lòng tin nghề sẽ được gìn giữ chưa bao giờ vơi trong người nghệ nhân. Bà khẳng định: “Trời còn ban cho Bàu Trúc đất sông Quao thì nghề gốm còn”. Bà Phan cũng bảo, giờ làm gốm mỹ nghệ chứ không chỉ là đồ gia dụng như xưa nữa nên đàn ông Bàu Trúc làm gốm cũng nhiều. Đặc biệt, phụ nữ chỉ làm lu, khương, chậu, bình hoa... còn như Tháp Siva, phù điêu, tượng thì đều là đàn ông làm, phụ nữ không được làm.

Nghề làm gốm Chăm Bàu Trúc vừa được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục 12 Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và trình UNESCO xét duyệt, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đây là một bước cần thiết để góp phần bảo tồn một làng nghề thủ công truyền thống độc đáo, cũng là cách để quảng bá hữu hiệu sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc ra thế giới./.

Nguồn: Báo Tổ Quốc

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.616.102
Tổng truy cập: