Tin tức nổi bật
Níu hồn văn hóa gốm Bàu Trúc
(Ngày đăng: 18/02/2013   Lượt xem: 1150)

Làng Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc và khu vực Đông Nam Á bởi cách làm gốm thủ công truyền thống, đậm nét văn hoá dân tộc Chăm… Gần đây, nhiều người cho rằng việc áp dụng công nghệ nung mới sẽ khiến làng nghề bị “xâm thực” về văn hoá, đẩy làng gốm trước nguy cơ mai một…

Tinh túy gốm Bàu Trúc

Làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước), cách TP Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10km. Trước đây, làng Bàu Trúc có tên gọi là thôn Vĩnh Thuận, theo địa danh Chăm là Paley Hamu Trok, có nghĩa là làng trũng, nhô ra ở phần cuối của triền sông. Tương truyền, ông Tổ của nghề gốm Bàu Trúc là vợ chồng Poklong Chanh, hơn ngàn năm trước đã dạy cho người dân địa phương cách nặn và nung đất sét thành vật dụng sinh hoạt, đồ thờ cúng mang tính tín ngưỡng tôn giáo…

gom 1.jpg
Cách nung gốm truyền thống

Nghề làm gốm ở đây rất đặc biệt. Trong quy trình làm gốm, đất và cát là nguyên liệu quan trọng nhất. Đó phải là đất sét của dòng sông Quao và cát ở sông Lu. Nghe các nghệ nhân kể, sau khi khai thác hết đất sét, người dân san lấp lại để sản xuất, 5 năm sau đất ấy lại dùng làm gốm được. Đất lấy về phải phơi cho khô kiệt nước, sau đó lại ngâm, pha với cát theo một tỉ lệ nhất định. Hỗn hợp đất và cát ấy được đạp, nhồi sao cho đất thật nhuyễn; loại bỏ sạn, tạp chất rồi mới se thành con nhỏ để đưa lên tạo hình. Cách “pha trộn” giữa đất và cát theo tỷ lệ như thế nào chỉ có đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân mới cảm nhận được! Nếu cát nhiều quá thì khó làm và khi nung sẽ bị nứt, cát ít quá thì khi nung sẽ bị nổ.

Sau công đoạn se con đất, các nghệ nhân bắt đầu tạo hình. Cái khác của gốm Bàu Trúc đó là bàn xoay đứng một chỗ còn người nghệ nhân đi xung quanh để thỏa sức tạo dáng và thổi hồn vào tác phẩm. Việc làm gốm của các nghệ nhân Bàu Trúc không có bất kỳ một khuôn mẫu nào, sản phẩm làm ra trăm cái, cái nào cũng giống nhau, nhưng chẳng cái nào giống cái nào. Thế mới lạ! Cái đẹp, cái thú vị, cái nét văn hoá truyền thống của gốm Bàu Trúc chính là ở đó.

Sản phẩm làm xong sẽ được chạm trổ hoa văn, phơi khô chừng 7 ngày thì đem nung. Khâu tạo màu, điểm nhấn và góp phần làm nên cái hồn của gốm Bàu Trúc được thực hiện trong khi nung. Khi sản phẩm đã chín, người ta dùng một loại nước màu lấy từ một số cây rừng vẩy lên. Chính sự tạo màu không theo quy cách đã làm nên sự khác biệt của từng sản phẩm. Cái nhiều màu, cái ít màu, cái nhiều lửa, ít lửa đã giúp cho mỗi sản phẩm mang một vẻ đẹp, một cái hồn khác nhau mà không phải bàn tay con người hay máy móc nào có thể tạo ra được.

Tham quan ngẫu nhiên một lò gồm trong làng đang đỏ lửa, chủ lò cho biết: Tùy theo sản phẩm lớn hay nhỏ mà có thể đốt từ 2 đến 6 tiếng. Nếu sản phẩm lớn thì đốt lâu hơn. Đến nhà nghệ nhân Đàng Xem, chủ của 2 cơ sở sản xuất gốm, chúng tôi được nghe ông kể về truyền thuyết, khởi nguồn cũng như những thăng trầm của làng gốm Bàu Trúc…

Nhận thấy được giá trị văn hóa của làng gốm Bàu Trúc, những năm gần đây, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Ninh Thuận đã mở tour du lịch đến với làng nghề truyền thống này. Du khách đến đây không chỉ thích thú với những sản phẩm đời thường, vật dụng sinh hoạt, trang trí trong gia đình, những sản phẩm tín ngưỡng mà họ còn bị chinh phục bởi tài nghệ từ những đôi bàn tay khéo léo thổi hồn vào từng tác phẩm nghệ thuật gốm của các nghệ nhân.

Lưu giữ hồn văn hóa gốm Bàu Trúc?

Tiếng lành đồn xa, du khách khắp nơi đến với làng Bàu Trúc ngày càng đông. Người dân trong làng nhận được nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn. Giờ đây, các nghệ nhân trong làng không chỉ sản xuất vật dụng sinh hoạt trong gia đình, sản phẩm mang tính chất tín ngưỡng truyền thống mà đã mở rộng sang lĩnh vực trang trí nội thất. Đặc biệt là mẫu trang trí trong các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch mà khách hàng đem đến.

Theo cách nung truyền thống, người dân chọn những bãi đất trống gần nhà rồi xếp một lớp củi  và sau cùng là phủ rơm, rạ lên để đốt. Cách làm này đã gây ô nhiễm môi trường, gián tiếp dẫn đến nạn phá rừng. Gốm ra lò ít, không đáp ứng nhu cầu thị trường, chất lượng cũng không đảm bảo (mỗi mẻ nung chỉ có khoảng 80-85% sản phẩm đạt chất lượng). Chính vì vậy, việc thay đổi kỹ thuật nung là việc sống còn của làng gốm.

Nghệ nhân Vạn Quan Phú Đoan, Giám đốc Công ty TNHH gốm Chămpa đã đầu tư 200 triệu đồng, trong đó Quỹ khuyến công Quốc gia hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng lò nung kiểu mới và mang lại hiệu quả bất ngờ. Mỗi mẻ nung được khoảng 500 sản phẩm, gần như 100% sản phẩm ra lò đạt chất lượng. Quan trọng hơn, nguyên liệu dùng để nung gốm là vỏ trấu, phụ phẩm từ nông nghiệp có rất nhiều tại địa phương. Việc này đã góp phần hạ giá thành sản phẩm xuống đáng kể. Nhiều cơ sở sản xuất gốm đang làm hồ sơ và sắp tới sẽ có thêm 7 lò nung kiểu mới sẽ được hỗ trợ xây dựng.

gom 2.jpg
Lò nung kỹ thuật mới của Công ty gốm Chămpa

Hạn chế duy nhất của phương pháp này là không thể tạo màu khi đang nung. Bởi nhiệt độ nung trong lò rất cao, nghệ nhân không tiếp cận để tạo màu cho gốm như phương pháp truyền thống. Sản phẩm nung xong có màu đỏ gạch, mất hẳn đi bản sắc văn hoá của gốm Bàu Trúc. Để khắc phục tình trạng này, người dân lại phải chất củi, rơm rạ đốt thêm một lần nữa để tạo màu cho sản phẩm. Ông Đoan cho biết: “Hiện ông đang nghiên cứu cách dùng vòi xịt, tạo màu gốm ngay khi đang nung. Nếu thành công, đây sẽ là một tín hiệu mừng cho sự phát triển của gốm Bàu Trúc trong tương lai”.

Đồng chí Trần Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân chia sẻ: “Nét văn hoá của gốm Bàu Trúc không chỉ phụ thuộc vào cách nung mà còn ở nhiều yếu tố khác. Hiện người dân vẫn sử dụng song song hai phương pháp nung. Như vậy, vừa giữ được nét văn hoá truyền thống của làng nghề, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập của người dân…”. Tuy nhiên, nghệ nhân Đàng Xem, người có tiếng làm gốm ở làng Bầu Trúc thì cho rằng: “Cách nung mới tất nhiên là lợi thế và hiệu quả hơn, nhưng nét đẹp về màu sắc, một phần trong quy trình sản xuất tạo ra sự đặc sắc của gốm Bàu Trúc không còn như nguyên gốc”.

Những trăn trở của nghệ nhân Đằng Xem khiến tôi suy nghĩ mãi. Khi đứng trên Quốc lộ 1A nhìn về làng Bàu Trúc, trong dáng chiều đỏ rực, làn khói trắng đục, mỏng manh bốc lên như bao bọc, quấn lấy màu sắc và những nét hoa văn tinh sảo trên những bình gốm Bàu Trúc mà tôi vừa được thấy. Tôi vẫn thầm mong, rồi đây gốm Bàu Trúc sẽ tìm được phương pháp sản xuất vừa cho năng suất cao, nhưng vẫn lưu giữ những nét đẹp văn hoá truyền thống đặc sắc mà không nơi nào có được.

Nguồn: QĐND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.616.274
Tổng truy cập: