Tin tức nổi bật
Phù thuỷ hoa
(Ngày đăng: 22/01/2013   Lượt xem: 1355)

Những ngày đầu, chao ơi là thất bại ê chề. Thất bại nối tiếp thất bại. Có lúc, tôi tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì đã mất tiền tỉ...

Dung 1.jpg

Nghệ nhân Nguyễn Công Hoá và tác phẩm nghệ thuật hoa tươi ướp biến màu.

Tôi không hẹn trước mà “ào” đến đại bản doanh của anh ở 85B đường Vạn Kiếp thuộc làng hoa Vạn Thành - một trong những làng hoa nổi tiếng của xứ sở hoa Đà Lạt - với hy vọng “chộp” được khoảnh khắc khác thường về người được mệnh danh là “phù thuỷ hoa” Nguyễn Công Hoá.

Nếu khái quát ngắn gọn về “con đường hoa” của người nông dân Nguyễn Công Hoá thì có thể lấy mốc thời gian năm 2006 làm ranh giới của sự thất bại và thành công mà anh đã nếm trải. Đầu năm 2006, nhà nông làm khoa học tay ngang trình độ chỉ lớp 12 Nguyễn Công Hoá tiếp tục thất bại trên con đường tìm tòi làm biến đổi màu hoa, thất bại đến gần như phải bán cả cơ ngơi vườn tược, cửa nhà để trả nợ. Nhưng rồi, cũng cuối năm ấy, Nguyễn Công Hoá đã tìm ra công đoạn cuối cùng của kỹ thuật “ướp tươi” hoa; và, thành công đã nối tiếp thành công cho đến bây giờ...

Gian truân “phù thuỷ”

Nguyễn Công Hoá gốc người Bình Định, quê ở An Nhơn, năm 1979 lên Đà Lạt sinh sống bằng nghề làm vườn. Anh tâm sự: “Là một nông dân, sống trong một cộng đồng nông dân nên tôi thấu tỏ nỗi niềm của nhà vườn Đà Lạt trồng hoa một nắng hai sương với thứ hàng hoá làm đẹp cho đời này lắm.

Sức lực bỏ ra thì nhiều, của cải đổ vào vườn hoa cũng không ít, nhưng lắm đận phải bán hoa với giá rẻ như cho. Trong tôi, nhiều đêm trăn trở, ngẫm suy: Sao không làm một cái gì đó để nâng cao giá trị sản phẩm hoa của nông dân để bà con và để cho chính bản thân mình bớt khổ, bớt thiệt thòi?”.

Ấy là ngẫm vậy thôi, chứ cụ thể là làm gì thì anh Hoá chưa nghĩ ra. Thế rồi một hôm, người bạn ở Pháp về Đà Lạt chơi đã mách cho anh Hoá rằng ở bên Pháp có một số người “ướp tươi” cho hoa để giữ màu sắc và độ tươi lẫn mùi hương được lâu hơn, bền hơn. “Ướp tươi” hoa? - anh Hoá ngạc nhiên. Người bạn Pháp gật đầu xác nhận.

Và để chứng minh, người bạn ấy sau khi trở lại Pháp đã gửi cho anh Hoá một cành hoa “ướp tươi”. “Tôi không thể tin vào mắt mình khi thấy cành hoa ấy bay từ Pháp về Việt Nam mà vẫn còn tươi roi rói, cứ như là đang còn trên cành”. Đêm ấy, anh Hoá thức trắng để “lật tung” các trang mạng, nhưng, thông tin về kỹ thuật “ướp tươi” đối với hoa tươi ngày ấy gần như không có gì. Anh lại lần đến các cơ sở khoa học và các nhà khoa học chuyên ngành để tìm hiểu, hỏi han nhưng rồi vẫn tay trắng. “Không còn cách nào khác, tôi phải tự mày mò và đã phải nếm trải không ít thất bại” - anh Hoá nói.

Vườn trồng hoa của gia đình anh Hoá rộng gần 1ha, chủ yếu là trồng hoa hồng. Đây cũng là loài hoa đầu tiên anh chọn để ướp thử nghiệm. Anh vừa đọc, vừa nghe ngóng, hỏi han và vừa ướp. Hàng ngàn cành hoa hồng trong vườn nhà anh được anh mang ra ướp. Không đủ, anh tiếp tục mua hoa hồng của những nông dân bên cạnh để “nướng” vào chuyện làm biến đổi màu hoa. Anh còn cầm cố cả đất đai để mua hoá chất từ nước ngoài; bỏ ra hàng trăm triệu đồng để lập một phòng thí nghiệm khá bài bản ngay trong vườn nhà. “Nhiều đêm tôi thức đến tận hai - ba giờ sáng để tạo màu, ủ hương cho hoa.

Những ngày đầu, chao ơi là thất bại ê chề. Thất bại nối tiếp thất bại. Có lúc, tôi tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì đã mất tiền tỉ...”. Nhưng, với thần kinh thép, người nông dân trên 50 tuổi những năm ấy vẫn kiên trì tìm cho ra cái công thức làm biến đổi màu hoa, nhất là đối với hoa hồng. “Khoảng giữa năm 2006, tưởng đã làm chủ công nghệ, tôi mạnh dạn vay thêm của bạn bè hơn 50 triệu đồng để “đánh” một mẻ 3.000 cành hoa hồng. Ai ngờ, hoa ướp ngày trước thì ngày sau héo rũ héo rượi.

Dung 2.jpg
Tác phẩm tranh hoa nghệ thuật mới nhất của cơ sở hoa Hoá Thuỷ.

Lại thất bại! Nợ chồng lên nợ”. Anh nói tiếp: “Tôi rà soát lại toàn bộ các công đoạn đã làm đối với 3.000 cành hoa hồng vừa ướp bị héo rũ và phát hiện ra rằng còn thiếu một khâu kỹ thuật mang tính quyết định. Tôi tiếp tục thử nghiệm trên 300 cành hồng tiếp theo...”. Và, sau vài tháng ướp xong, nhìn 300 cành hồng đã được biến màu theo ý muốn, anh không dám tin vào mắt mình. Vậy là bí quyết “ướp tươi”  đối với hoa đã được Nguyễn Công Hoá tìm ra.

Kỷ lục Việt Nam

Cuối năm 2006, sản phẩm hoa đổi màu của cơ sở hoa tươi ướp Hoá Thuỷ (cơ sở sản xuất của anh Hoá) chính thức được đưa ra thị trường. “Nhận mấy đồng tiền bán được từ cành hoa biến màu đầu tiên, tay tôi cứ run lên. Vậy là tôi đã thành công sau hơn hai năm trời ròng rã mày mò nghiên cứu và nếm trải quá nhiều thất bại”. Từ đó người ta gọi anh là “phù thuỷ” hoa và danh tiếng của anh lan xa tận nước ngoài. Anh được ghi nhận là người Việt Nam đầu tiên ướp và biến đổi màu hoa. Sản phẩm hoa ướp tươi đổi màu của cơ sở Hoá Thuỷ sau đó có mặt ở khắp thị trường Việt Nam và ra tận các quốc gia “khó tính” như Nhật, Hàn Quốc, Anh, Pháp... 

Dung 3.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Công Hoá (thứ nhất, bên trái) và tác phẩm tranh hoa được xác lập kỷ lục Việt Nam

Hôm tôi đến tìm mà không hẹn trước, anh Hoá chạy từ ngoài vườn vào với bộ đồ lao động lấm lem từ trên xuống dưới. Anh cười giải thích: “Cả nhà tôi đang chuẩn bị nguyên liệu để ép hoa cho khách hàng đặt, bởi đây là dịp cao điểm với nhiều sự kiện như lễ tết, mùa cưới...”. Anh kể, bây giờ trong năm, mùa cưới là lúc cơ sở  Hoá Thuỷ của anh đắt hàng nhất, kiếm tiền sướng nhất.

“Bây giờ dân mình nhiều người có của ăn của để, khi tổ chức tiệc cưới, thay vì một bó hoa tươi tặng nhau chỉ dăm ngày phải vứt thì các cô dâu chú rể thường chọn một bó hoa tươi ép nhuộm rực rỡ để được lâu hơn gấp nhiều lần” - anh nói. Anh còn cho biết thêm: 80.000 gốc hoa hồng trong vườn nhà anh không đủ để làm nguyên liệu ướp. Để có đủ sản phẩm giao cho khách hàng đã hợp đồng hằng năm, cơ sở Hoá Thuỷ của anh còn thu mua một lượng lớn hoa hồng và nhiều loại hoa khác từ các hộ nông dân trong làng hoa Vạn Thành.

Một trong những sản phẩm hoa khá nổi tiếng của Hoá Thuỷ là tranh hoa tươi ướp nhuộm. Với riêng hoa hồng, thành công khá nổi của anh Hoá gần đây là ướp nhuộm thành hoa hồng đen - thứ hoa chỉ có trong truyền thuyết. Sau khi nhuộm thành công thứ hoa hồng truyền thuyết này, anh Hoá còn đưa nó vào tranh nghệ thuật nên sản phẩm càng thêm giá trị.

Hồi năm 2010, nhân dịp Festival Hoa Đà Lạt, nghệ nhân Nguyễn Công Hoá đã cùng với các hoạ sĩ và nghệ nhân khác như Đoàn Hữu Trí, Nguyễn Trung và Trịnh Thị Kim Nga đã làm nên một tác phẩm nghệ thuật có một không hai: Bức tranh hoa hồng tươi gồm 1.000 đoá hồng tươi ướp khô thể hiện phong cảnh Đà Lạt có kích thước 2,4m x 1,75m để chào mừng đại lễ ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Chi phí cho toàn bộ tác phẩm nghệ thuật này lên đến 100 triệu đồng.

Ngoài việc được trưng bày tại Hội chợ triển lãm quốc tế hoa Đà Lạt năm ấy, tác phẩm này còn được kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là bức tranh hoa tươi lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, bản thân anh Hoá cũng được xác lập kỷ lục Việt Nam là người Việt Nam đầu tiên làm ra hoa tươi ướp khô. “Năm nay, tranh hoa nghệ thuật cơ sở chúng tôi không đủ nguyên liệu và thời gian làm để bán đại trà, mặc dầu giá cả mỗi bức không hề thấp - từ vài triệu đến vài chục triệu đồng” - anh Hoá cho biết.

Tươi đến chục năm và hơn thế. Theo anh Hoá thì muốn ướp hoa tươi, trước hết phải lấy hết “lục phủ ngũ tạng” của hoa; lấy làm sao cho hoa vẫn còn tươi nguyên rồi đem vào phòng lạnh ướp dần các loại màu, rồi phải giữ làm sao cho hương của hoa vẫn còn nguyên như ban đầu... Và, điều quan trọng nhất là sản phẩm hoa tươi ướp đó vẫn cứ tươi và thơm cho đến vài năm sau, có khi cả chục năm và hơn thế.

2USD một cành hồng ướp tươi. Nếu một hoa tươi có giá 1.000 đồng, thì sau khi ướp và nhuộm sẽ được Hoá Thuỷ bán với giá từ 15.000 - 20.000 đồng. Nếu là hoa ướp xuất khẩu, giá hoa tại thị trường trong nước là 0,1USD/hoa thì ướp và làm đổi màu xong bán ở nước ngoài khoảng 2USD/hoa. Gần đây, không chỉ ứng dụng “ướp xác” cho hoa hồng cùng nhiều loại hoa khác (như cẩm chướng, lyly, đồng tiền...), Hoá Thuỷ còn tung ra thị trường nhiều loại sản phẩm hoa ướp tươi khác như hoa bình, hoa lẵng, tranh hoa...

Nguồn: Lao Động

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

190
Đang xem:
73.084.496
Tổng truy cập: