Tin tức nổi bật
Làng nghề nơi phố núi
(Ngày đăng: 16/01/2013   Lượt xem: 1895)

(langnghevietnam.vn)- Thái Nguyên-  Vùng đất được biết đến với thành phố công nghiệp (khai thác và chế biến quặng, sắt, thép…), những mỏ đá quý dồi dào, đồi chè xanh trùng điệp, ngút ngàn, mái đình cây đa đi vào cổ tích, địa danh cách mạng (ATK Phú Đình)… Một số làng nghề cổ truyền của người dân tộc thiểu số, trong đó có làng nghề bánh chưng Bờ Đậu nổi tiếng thơm ngon, sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho các gia đình người Việt vào mỗi dịp tết đến, xuân về.

Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu

Ghé thăm Thái Nguyên hay đi qua địa danh này, du khách không quên sắm cho mình và gia đình những món quà đặc trưng của vùng núi phía bắc như: bánh chưng, một vài cân chè, những chiếc nón dân tộc, hay mấy thang thuốc nam…

Dọc theo đường quốc lộ 3 và  quốc lộ 37 thuộc địa bàn xã Cổ Lũng là làng nghề bánh chưng Bờ Đậu với hơn 100 hộ dân chuyên làm bánh. Bánh chưng được bán quanh năm, theo chân khách về khắp mọi miền tổ quốc. Nơi đây, ngày nào cũng đỏ lửa, nghi ngút khói, thơm ngậy mùi bánh chưng xanh.

bo dau.jpg

Làng nghề bánh Chưng Bờ Đậu (ảnh: st Internet)

Để có được những chiếc bánh chưng thơm ngon, người dân Cổ Lũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước tiên, gạo nếp,lá dong, đỗ xanh nhập từ vùng núi Định Hóa, Chợ Đồn (Bắc Cạn). Bánh cũng được làm từ gạo, đỗ xanh, thịt lợn… nhưng lại có nét độc đáo riêng khiến chúng luôn có vị đặt biệt, xanh lá, ngọt bánh. Đó cũng là bí quyết khiến bánh chưng Bờ Đậu ngày càng trở nên nổi tiếng. Người dân Cổ Lũng cho biết, nguồn nước là yếu tố quan trọng khiến bánh thêm xanh và ngon ngọt. Họ đã thử dùng nước máy, nước giếng, nhưng khi luộc xong, bánh có màu ngả vàng và không có độ đậm đà, thơm ngậy nữa. Mỗi dịp tết đến, xuân về làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu làm việc gấp hàng chục lần ngày thường, để kịp cho du khách chuẩn bị mâm cỗ ngày xuân.

Người Bờ Đậu không cần dùng khuôn, nhưng lại gói bánh rất vuông vắn, sau khi gói xong, họ luộc bánh bằng những chiếc nồi rất đun lửa từ 8- 10 tiến, nước đun bánh phải được lấy từ suối trên núi đá chảy ở phía sau làng. Đun lửa từ 8- 10 tiếng, cho đủ thời gian chín nhừ bánh. Chín từ trong ra ngoài, thịt mỡ ngấm đều thân bánh tạo độ béo ngậy.

Không chỉ có thương hiệu ở trong nước, bánh chưng làng Bờ Đậu còn được Kiều bào ở nước ngoài ưa chuộng vào mỗi dịp Tết.

bo dau 2.jpeg

Khi bóc, bánh chưng Bờ Đậu bên ngoài xanh ngắt một màu, đó là màu xanh tươi của lá rong, bên trong là màu trắng ngần của gạo nếp, ở giữa là màu vàng ươm của đỗ xanh, màu đỏ rọi của thịt lợn pha lẫn nhũ mỡ đã hòa lẫn đỗ, điểm chút hạt tiêu lấm chấm đen. Bánh ăn rền, dẻo, mềm chứ không nhão, thơm mà không ngấy, dư vị đậm đà “(ảnh: st)

       Đến  vùng chè xanh mướt nơi “thủ đô gió ngàn”

Thái nguyên luôn được nhắc đến với câu nói quen thuộc “chè Thái, gái Tuyên”. Những đồi chè trùng điệp, sóng chè uốn lượn tựa như khúc nhạc khèn trữ tình của người dân miền núi. Liên hoan trà quốc tế lần thứ nhất tại thái Nguyên năm 2011, là một động lực thúc đẩy nhanh việc sản xuất và phát triển trà. Đưa hương vị trà dân tộc đến với thị trường nước ngoài, quảng bá và mở rộng thương hiệu chè Thái. Trở thành nơi lưu giữ và tôn vinh văn hóa chè. Vùng chè Tân Cương nổi tiếng với nước trà thơm, màu trà xanh, vị đậm. Đây cũng là nơi mà thái Nguyên lựa chon xây dựng thành công trình không gian văn hóa chè lần thứ nhất. Dư vị ngọt ngào của liên hoan trà, sản phẩm trà, văn hóa trà Thái ngày càng được hội tụ và hứa hẹn ngày đơm bông. Đây cũng là điểm dừng chân vãn cảnh và gói về một chút hương vị trà Thái của du khách gần xa.

che 1.jpg

Đồi chè Tân Cương – Thái nguyên (ảnh: st)

Trong một không gian ngút ngàn của những đồi chè xanh mơn mởn, tân Cương hiện ra như một nét chấm phá nghệ thuật tinh tế, bức tranh làng quê miền núi trù phú và thanh bình.

Sự bồi tụ và lắng đọng của thời gian theo dòng chảy lịch sử mà ở đó đất chè đã chắt chiu cho sự sống, phát triển của chè và người trồng chè, người thưởng trà đã gây dựng nên nét văn hóa trà độc đáo.

 

che 2.jpg

Hương sắc chè Tân Cương- xứng đáng “đệ nhất danh trà” Thái nguyên. Được coi là đặc sản của vùng này bởi hương vị thơm tự nhiên, có vị chát nhẹ khi mới uống nhưng sau khi uống xong thì thấy ngọt hậu lắng sâu trong vị giác, màu nước xanh (ảnh: st)

Ai đã một lần thưởng trà Thái Nguyên sẽ luôn cảm nhận được cái hương vị thanh tao chỉ có một:

"Thoang thoảng hương cốm bay

Búp xanh non như ngọc

Chè Thái nguyên ngọt giọng

Ấm lòng khách tri âm".

 

lien hoan tra.JPG

Liên hoan trà Thái Nguyên lần thứ nhất (ảnh: st)

Trong tương lai gần, Tân Cương sẽ hứa hẹn một làng nghề sản xuất chè uy tín và nổi tiếng.

Làng múa rối Tày Thẩm Rộc - Định Hóa

Cứ vào dịp lễ tết, người dân vùng này lại về hội tụ tại An toàn khu (ATK) Định Hóa (vùng căn cứ cách mạng) xem biểu diễn rối cạn của người dân tộc Tày. Múa rối cạn là một nét nghệ thuật biểu diễn độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và của người Tày ở Thẩm Rộc nói riêng.

roi 11.JPG

Múa rối tại lễ hội Lồng Tồng (ATK Phú Đình – Định Hóa) (ảnh: st)

Lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) thường diễn ra từ ngày 9 – 12 âm lịch tại ATK . Đây cũng là dịp để phường múa rối của dòng họ Ma Quang trổ tài. Những con rối cạn được gọt dũa, đục đẽo tỉ mỉ, khoác những bộ quần áo bằng vải lụa mượt mà, hiện ra như những hình tượng sống động, hoạt bát. Bàn tay khéo léo và tình yêu nghề của người nghệ nhân đã thổi hồn vào nhân vật biến chúng thành những hình hài có tâm hồn, tính cách. Ngoài mục đích mua vui cho công chúng, múa rối người Tày nơi đây còn thể hiện sự cầu may, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ước nguyện về sự đỗ đạt trong khoa cử của người dân trong làng. Một buổi biểu diễn rối Tày gồm tám trò, tiết mục cuối cùng khép màn, cũng là tiết mục đặc trưng nhât của rối Tày Thẩm Rộc là : Leo cây bắt tắc kè. Khẳng định tài năng của con người có thể dự đoán được thời tiết, điều chỉnh mùa vụ, mang lại những mùa bội thu.

roi 1.JPG

Nghệ nhân múa rối Ma Quang Chóng (ảnh: st)

 

Hiện tại trong phường rối chỉ còn rất ít người theo nghề. Nghệ nhân Ma Quang Chóng– trưởng phường múa rối cũng là người duy nhất biết đẽo rối, đọc và hiểu ý nghĩa của lời giáo. Những con rối của ông đã đi vào cuộc sống tinh thần của ngước dân thuần nông, chất phác nơi này.

Căn cứ cách mạng ATK Phú Đình sẽ là điểm du lịch làng nghề truyền thống vào dịp đầu xuân năm mới. Miền đất của những cánh ruộng bậc thang xếp dài tận chân đồi nối vào đồi cọ, đồi chè xanh ngút ngàn. Định hóa là một huyện miền núi heo hút nhất của tỉnh Thái Nguyên. Nơi này tập trung nhiều người dân tộc thiểu số nhất, cùng với đó là những lễ hội biểu diễn vô số tiết mục dân gian đặc trưng nhất của người dân tộc.

Ngoài ra còn phải kể đến các làng nghề nổi tiếng ở Định Hóa như: làng làm nón Tày, làng thuốc nam của người Dao, người H Mông…

nghe-lam-non-tay.jpg

Chiếc nón không chỉ là vật dùng che mưa, nắng mà còn là nét văn hóa đặc trưng trong phong tục của người (ảnh: st)

Thái Nguyên còn hùng vỹ hơn với Hồ Núi Cốc, hang phượng Hoàng hoang vu… Thủ đô gió ngàn với những xứ xở linh thiêng, huyền bí mà độc đáo, đã tạo cho miền đất này thêm thi vị, gắn bó. Mến yêu sao những bản làng nơi “lưng chừng núi, lưng chừng đèo”.

Mai Lý

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.618.018
Tổng truy cập: