Tin tức nổi bật
Thầy lang người H’ mông với tấm lòng nhân ái
(Ngày đăng: 26/12/2012   Lượt xem: 1789)

(Langnghevietnam.vn) - Nằm sâu trong một ngôi làng hẻo lánh tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là gia đình họ Vi, người dân tộc H’ mông, với năm đời làm nghề bốc thuốc nam. Cùng cái tâm và tấm lòng nhân ái của người thầy thuốc, gia đình anh Vi Văn Chung đã cứu sống không biết bao nhiêu bệnh nhân trên hầu khắp mọi miền quê của tổ quốc.  Đa số những người đến đây đều trong tình trạng bệnh rất nặng, nhất là các bệnh nhân nghèo không đủ tiền nằm viện tìm đến mong có cơ may khỏi bệnh.

Một ngày lạnh như cắt da cắt thịt của mùa đông cuối tháng 11, tôi tìm đến nhà thầy thuốc nam người dân tộc H’mông để cảm tạ gia đình anh đã có công rất lớn trong việc trị khỏi bệnh liệt của mẹ tôi. Chẳng là cách đây hai năm, trong một lần bị trượt ngã, mẹ tôi không còn đi được nữa. Hơn một tháng điều trị tại bệnh viện huyện Định Hóa, mẹ tôi vẫn nằm một chỗ. Theo lời đồn về một gia đình có nghề gia truyền bốc thuốc nam, tôi đưa mẹ đến bắt mạch và điều trị. Sau gần một năm chữa trị bằng việc uống và tắm bằng cây thuốc hái trên rừng. Giờ mẹ tôi đã đi lại được bình thường.

Sau con đường ngoằn nghèo miên miết sau những rải núi rừng trùng điệp, xóm Pác Máng với những ngôi nhà sàn mái lá dẫn tôi tới nhà anh Vi Văn Chung. Hôm nay trời rất lạnh, nhưng không vì thế mà khách đến thăm khám ít hơn, trong nhà anh Chung còn có khoảng gần 10 bệnh nhân đều đang chữa trị và sinh hoạt tại đây.

thuoc-nam

Bà Ma Thị Mén (mẹ thầy lang Vi Văn Chung)

thuc-nam 

Bà Ma Thị Mén với hơn 50 năm làm nghề bốc thuốc gia truyền

Vợ chồng anh Chung đã lên núi hái thuốc từ sáng. Tôi vào ngồi cùng những bệnh nhân chờ lấy thuốc, bà Ma Thị Mén luôn tay với công việc suốt 50 năm là bắt mạch và kê thuốc cho từng người, bà năm nay ngoài 70 tuổi nhưng còn rất minh mẫn và hoạt bát.

Tôi lân la hỏi thăm một người phụ nữ chừng khoảng 50 tuổi, được biết, con chị bị bại não ba năm rồi, đi khắp các bệnh viện lớn của tỉnh, thành phố… đều bó tay và giờ họ trả về. Những tưởng đã vô phương cứu chữa thì may thay bà con ở quê lan truyền tin có gia đình này đã năm đời chuyên bốc thuốc nam, chị lặn lội mấy trăm cây số tìm đến với hy vọng con trai mình sẽ khỏe lại và được đi học như bao đứa trẻ bình thường.

20121221_133349 copy.jpg

Công việc hằng ngày của bà là bắt mạch, băm thuốc, sắc thuốc

Bà Men bắt mạch cho cậu bé và dường như đã tìm ra nguyên nhân căn bệnh, bà gật gật đầu rồi mỉm cười với chị “con trai chị cần ở lại nhà tau (tôi) chữa trị đến khi khỏi hẳn, cũng may là chưa tận số đấy!”. Thật không thể tả xiết niềm hạnh phúc trong đôi mắt người phụ nữ khốn khổ ấy. Cụ Men cầm tay chị ta rồi nói tiếp “An tâm, tau không lấy tiền của chị đâu, con chị khỏe lại là tau cũng mừng rồi a. ở nhà tau còn hai thằng cháu cũng đang theo nghề nầy, chúng  đang phơi thuốc ngoài sân đó. Chị cứ về nhà chuẩn bị quần áo mang đến”.

20121221_134250 copy.jpg

Khám bệnh cho khách

Căn nhà ngày trước gia đình ở được chia ra thành bức ngăn nhỏ cho từng người bệnh nằm chữa trị. Còn ngôi nhà mới xây thì gia đình bà Men dùng để tiếp khách và khám cho người bệnh. Trong gian phòng khám này không có một dụng cụ y tế nào ngoài năm ngón tay trắng hồng của bà Mén. Hình như bà mải việc nên không để ý đến cách quan sát và chụp hình của tôi. Khuôn mặt của người thầy thuốc 75 tuổi hồng hào và phúc hậu, giọng nói ấm áp, thật thà chất người dân tộc vùng miền núi. Khi bắt mạch, khuôn mặt bà đăm chiêu đến lạ. Như thể thần thái của ông bị từng mạch đập trong cơ thể người bệnh cuốn vào, lắng nghe, chẩn đoán.

20121221_133316 copy.jpg

Bốc thuốc

Khi tôi ngỏ ý muốn viết bài về gia đình bà, bà Mén  thẳng thắn trả lời “Chồng tau mất cách đây hơn mười năm, con trai cả được chỉ định kế nghiệp ông ấy, chuyện dài lắm, cũng thiên về tâm linh nữa. Gia đình tau đã năm đời làm nghề bốc thuốc, lấy “Đức” cứu người là chính, không muốn quảng cáo đâu á. Hiện nay bệnh nhân đã đông lắm rồi, khách đông nữa thì chúng tôi không đủ thuốc cho người bệnh, phải đi hàng trăm cây số để lấy thuốc, con cháu tau cũng phải vất vả nhiều. Tau vẫn dạy chúng nó là phải kiên trì học nghề, giữ gìn cái truyền thống của tổ tiên. Bắt mạch lại càng phải cố gắng học hỏi, không học, bất thuật mà tham tiền từ nghề này là bất lương”.

Nói đến đây, bà Men lại tiếp tục ra ngoài sân ngồi miệt mài băm thuốc, tôi vẫn muốn nghe kể thật nhiều câu chuyện về bà, về gia đình bà. Hiện con trai cả của bà là anh Vi Văn Chung, trụ cột gia đình và cũng là một vị lang y nổi tiếng trong vùng. Hai cháu trai của cụ Men, đang theo học lớp đào tạo về chẩn đoán y học cổ truyền, ngày nghỉ cũng say sưa cùng bà nội bắt mạch, kê thuốc và sắc thuốc cho bệnh nhân.

20121221_135513 copy.jpg

Bệnh nhân của gia đình bà Mén, sau khi được chữa trị đã đi lại được bình thường

Khi tôi đề cập đến công đức của anh Chung, mặc tôi nài nỉ thế nào họ cũng nhất quyết không nhận số tiền thuốc hơn một năm mẹ tôi ăn ở, chạy chữa tại đây. Bà Ma Thị Mén còn nhìn mặt tôi rồi phán “dạo này thần kinh của gái hơi yếu đấy, làm việc căng thẳng, mất ngủ a. Để tý tau bảo thằng cháu cho hai thang thuốc, là khỏe luôn”. Câu chuyện đang dở thì có tiếng anh Chung gọi các con đến khiêng giúp những bao tải thuốc đã cất xong trên rừng, bà Mén lại tất bật với việc bắt mạch.

Ra về mà bên tai tôi còn vẳng lại những lời chỉ bảo ân cần của bà Men với con cháu, tôi vẫn nhớ như in câu nói thường ngày của bà cụ “giàu nghèo gì cái nghề bốc thuốc đâu. Mỗi người một phận và chỉ nhận  một cái lộc ông trời ban cho mà thôi”.

Cũng nghĩ làng nghề đông y cần được bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị đích thực tiềm ẩn, phần nào phục vụ tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Những cây thuốc nam trên những cánh rừng heo hút của người dân tộc thiểu số đã và đang làm nên bao điều huyền diệu mà tây y còn đang loay hoay.

20121221_133429(1) copy.jpg

Một số cây thuốc nam

20121221_135252 copy.jpg

Ngoài ra bà Mén thường đến các đình, chùa làm lễ hầu đồng và bà còn hát chầu văn rất hay

Mai Lý

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.619.606
Tổng truy cập: