Tin tức nổi bật
Độc đáo tranh giấy dừa
(Ngày đăng: 27/03/2019   Lượt xem: 423)
 

Một doanh nhân ở Đà Nẵng ấp ủ ước mơ phát triển nghề làm tranh từ giấy dừa để làm giàu không chỉ cho riêng mình, và giới thiệu một sản phẩm địa phương độc đáo đến với thế giới.

Ông Lê Thanh Hà trình bày công đoạn dùng nước để “vẽ” tranh giấy dừa. Ảnh: Nhân Tâm

Cần nhẫn nại và công phu!

Một ngày trong tuần, ông Lê Thanh Hà đón tiếp đoàn sinh viên từ một trường đại học ở Mỹ đến thăm cơ sở làm tranh giấy dừa của ông. Đó là một ngôi nhà rộng chừng 100 mét vuông tại một làng chài ven biển Đà Nẵng. Hôm đó, ông đã trình bày hầu như “tất tần tật” bí quyết làm tranh giấy dừa với các bạn trẻ phương xa.

Vừa chặt hết lá của một tàu (hay còn gọi là cành) dừa ông Hà vừa kể: Hội An và Đà Nẵng là xứ sở của dừa cạn. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú để làm giấy dừa. Tàu dừa sau khi tuốt hết lá sẽ được ông mua và lột hết lớp vỏ bên ngoài, chỉ lấy xơ dừa ngâm vào trong nước để bảo quản. Sau đó, xơ dừa tiếp tục được ngâm với vôi trong vòng ba ngày để tạo bột.

Bột lại được đưa vào máy nghiền do chính ông và các cộng sự chế tạo dựa trên một bản vẽ kỹ thuật của máy nghiền giấy thủ công châu Âu những năm 1920. Công đoạn này gọi là xeo giấy. Trong khi chờ ngâm xơ dừa và xeo giấy cũng là lúc các nghệ nhân tạo ra các bức tranh trên giấy decal, có thể là làm theo tranh có sẵn hoặc tranh tự vẽ. Công đoạn này thường mất từ 3-5 ngày tùy vào độ khó của tranh.

Đến công đoạn trải bột giấy lên khung để làm giấy, ông Hà có phần hứng khởi hơn: “Bên cạnh xơ dừa, nước là thành phần quan trọng thứ hai để làm ra một trang giấy”. “Dưới áp lực nước, những bức tranh sẽ in hằn trên giấy dừa. Sau đó, tranh được đem phơi. Nếu có nắng to thì chỉ cần phơi trong khoảng hai giờ đồng hồ là tranh khô”.

Ông Hà cho biết phương pháp làm tranh giấy dừa của ông được học hỏi và kết hợp từ ba nguồn: cách làm giấy từ cây giang của người Mông, phương pháp làm tranh của người Nhật và những nghiên cứu của chính ông nhằm tạo bản sắc riêng cho tranh giấy dừa. “Tất cả mọi công đoạn đều được làm theo phương pháp thủ công, không dùng bất cứ chất hóa học nào”. “Nghề này không khó, những ai có tính nhẫn nại và tâm huyết với nghề đều có thể theo được”, ông trải lòng.

Nhiều bức tranh giấy dừa trong xưởng của ông Hà là hình ảnh các danh nhân, những bức họa mang tính tâm linh hoặc một số hình ảnh đặc thù của Đà Nẵng như voọc chà vá chân nâu hay hoa đào chuông... Khi một số người thắc mắc có nhiều khung tranh được gắn đèn chiếu ở phía sau, ông giải thích: “Đặc điểm của giấy dừa là ánh sáng có thể xuyên qua nên tranh sẽ đẹp hơn dưới ánh sáng mặt trời hoặc ánh đèn”.

Ông cũng cho biết tùy theo mục đích của người mua mà các bức tranh có cách thức hoàn thiện khác nhau: được lồng vào khung tre có gắn đèn, được cuộn thô sơ và cột bằng dây dừa hoặc tạo thành những bông hoa khổng lồ. Giá một bức tranh như vậy từ 3-5 triệu đồng. Theo ông Hà, loại tranh này có độ bền cao, không sợ bị ẩm hay bị mối mọt.

Ước mơ sản phẩm cộng đồng

Ông Hà, cựu sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Huế, kể rằng năm 2015 khi lang thang trong rừng dừa nước Bảy Mẫu ở Hội An, ông thấy nhiều người dân lấy tàu dừa nước lợp nhà. Nguồn nguyên liệu này đã thắp lên hy vọng thực hiện giấc mơ làm giấy từ dừa mà ông ấp ủ bấy lâu. Ông đã bỏ ra hơn sáu tháng để nghiên cứu nguyên liệu (xơ dừa) và những phương pháp thủ công làm tranh giấy dừa.

Trong thời gian đó, có những lần ông thất bại nhưng ông không bỏ cuộc. Giữa năm 2016, ông và nhóm bạn bắt đầu mở xưởng giấy Vườn Giấy Việt ở phường Cẩm Thanh, thành phố Hội An với quy mô nhỏ. Đầu năm 2017, trong một lần từ Hội An đến Đà Nẵng, ông thấy có rất nhiều dừa cạn. Ông lại nảy ra ý tưởng làm giấy và tranh giấy từ dừa cạn và ông đã mất thêm ba tháng để tìm hiểu đặc tính nguyên liệu và áp dụng những phương pháp làm giấy từ dừa cạn này.

Sau khi hoàn tất mọi công việc chuẩn bị, ông Hà cùng nhóm bạn thuê một ngôi nhà ở quận Sơn Trà làm xưởng với ý đồ tận dụng nguyên liệu và nguồn nhân lực tại chỗ. Nhiều phụ nữ nơi đây có chồng quanh năm suốt tháng đi biển, lâu nay họ chỉ quanh quẩn chăm sóc việc nhà thì nay được ông thuê đi thu gom tàu dừa. Ông cũng hướng dẫn họ cách tuốt lá và bóc vỏ tàu dừa giúp họ kiếm thêm thu nhập.

Không chỉ dừng ở đó, ông Hà còn sẵn sàng truyền nghề lại cho bất cứ ai muốn học hỏi và làm theo. Theo ông, các làng nghề truyền thống đang mai một dần không đơn thuần vì người trẻ không còn thiết tha với nghề của cha ông mà còn vì họ không được chia sẻ hết bí quyết nghề nghiệp. “Tôi sẵn sàng chia sẻ hết mọi bí quyết để tranh giấy dừa có thể mau chóng đến được với nhiều người hơn”, ông nói.

Đến nay, sau gần hai năm hoạt động, tranh giấy dừa của ông Hà đã được khá nhiều người biết đến và đang được quảng bá trên trang Facebook Giấy Quê Tôi - Giấy dừa Đà Nẵng. Một số bạn bè người nước ngoài của ông ở Úc, Mỹ và châu Âu cũng đã đặt hàng chỗ ông với giá 200 - 400 đô la Mỹ/bức tranh.

Tuy nhiên, ước muốn xa hơn của ông Hà là mở một xưởng tranh giấy dừa quy mô lớn tại Đà Nẵng để không chỉ đưa hoạt động sản xuất vào quy củ mà còn giúp nhiều người dân địa phương có việc làm và có thêm thu nhập, cũng như có thể giới thiệu với thế giới một sản phẩm độc đáo của địa phương. Được biết hiện nay Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) đang đứng ra làm trung gian kêu gọi các nhà đầu tư tài trợ cho dự án tranh giấy dừa này. Theo thông tin mới nhất thì đại diện British Council chuẩn bị tiến hành các bước khảo sát để có thể hỗ trợ dự án của ông Hà.

Trước khi tiễn đoàn sinh viên Mỹ ra về, ông Hà còn tiết lộ một ước vọng khác của mình. Đó là khi việc mở rộng sản xuất kinh doanh tranh giấy dừa ở Đà Nẵng đã ổn định, ông sẽ tiếp tục khám phá những vùng đất mới trên dải đất hình chữ S để sáng chế ra những sản phẩm giấy làm từ nguyên liệu của địa phương. Điểm dừng chân tiếp theo của ông có thể là Bình Thuận và Ninh Thuận. “Mỗi địa phương sẽ có sản phẩm giấy dừa của riêng mình, tại sao không?”, ông nói.
                                                                                      Theo:  thesaigontimes.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

28
Đang xem:
72.657.903
Tổng truy cập: