Tin tức nổi bật
Khoác “áo” sơn mài cho điện thoại
(Ngày đăng: 20/02/2019   Lượt xem: 1042)

 

Vỏ trứng, sơn, bạc, vàng… tất cả kết hợp với nhau trên một chiếc ốp lưng điện thoại sơn mài nhỏ nhắn, đầy ấn tượng. Một sản phẩm vừa có tính nghệ thuật vừa có tính ứng dụng cao. Đó là kết quả từ đam mê của chín người trẻ ở La Sonmai.

Một công đoạn chế tác ốp lưng điện thoại bằng sơn mài. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng.

Ông Tira Vanictheeranont là nhà sưu tầm nghệ thuật người Thái Lan rất yêu thích tranh sơn mài Việt Nam. Thế nên khi đến Hà Nội, biết có La Sonmai - cơ sở làm ốp lưng điện thoại bằng sơn mài ở số 17, phố Hàng Gà, ông lập tức đến xem. Ngắm nghía, trò chuyện một hồi, thấy thú vị, ông mua luôn một chiếc họa tiết trống đồng Đông Sơn cho mình, một chiếc họa tiết chim phượng trên hoàng bào triều Nguyễn để tặng vợ. Ông nói ông sẽ giới thiệu nghệ thuật ấn tượng này với nhiều người.

Làm mới nghề cổ

Anh Lê Xuân Trường, người sáng lập La Sonmai, nhớ lại: “Khi đi du lịch, tôi thấy các sản phẩm sơn mài được bày bán rất nhiều, nhưng đa phần chỉ quanh đi quẩn lại với những cái cốc, tráp, khay, bình... Chúng là sản phẩm rất truyền thống, đơn điệu, mẫu mã không bắt mắt. Tôi suy nghĩ tại sao không áp dụng được sơn mài vào những sản phẩm hiện đại hơn?”.

Anh chia sẻ ý tưởng với bạn bè và được nhóm chín người chung đam mê phả hơi thở đương đại vào nghệ thuật sơn mài truyền thống. Tháng 9-2017, La Sonmai ra đời. Ý tưởng xuyên suốt là tôn vinh văn hóa Việt Nam nên cả nhóm phân công người vào bảo tàng xem hiện vật để tìm họa tiết hoa văn phù hợp, người mua sách về nghiên cứu, người mày mò tạo mẫu, người đến các làng nghề làm sơn mài truyền thống để tìm nghệ nhân, tìm nguyên liệu, đặt hàng.

Chất liệu quan trọng trong sơn mài là sơn. Những nghệ nhân đã tìm đến vùng núi đồi Phú Thọ để lấy tinh chất từ những cây sơn ta quý hiếm. Để có được chất lượng tốt nhất, mủ cây phải được thu hoạch lúc 3-4 giờ sáng trước khi mặt trời lên. Một cây sơn cho lượng mủ ít ỏi chừng 10 mi li lít mỗi ngày, thế nên phải chắt chiu, gom góp từ hàng trăm cây mới được một thùng sơn sống. Để sơn được mịn và có thể trải mỏng, người ta phải đánh liên tục trong ba ngày, mỗi ngày tám giờ, để sơn chín.

Với chiếc ốp điện thoại, sơn được quét nhiều lớp màu sắc, quét mỏng và kỹ lưỡng. Tất cả công đoạn được làm bằng tay. Nghệ nhân có thể sử dụng vỏ trứng nghiền nát, lá vàng, bạc nguyên chất để dát lên ốp. Sau mỗi quá trình, từng tác phẩm được hong khô một ngày mới có thể tiếp tục công đoạn kế tiếp. Đá gan gà, tóc rối, than củi được sử dụng để mài và đánh bóng sản phẩm. Vàng nguyên chất được dát lên sản phẩm khiến chiếc ốp điện thoại sánh ngang với đồ trang sức đắt tiền.

Chị Đoàn Thanh Hương, nhà thiết kế của La Sonmai, cho biết quy trình hoàn thiện sản phẩm đòi hỏi sự cẩn trọng cao nhất và được thực hiện lặp đi lặp lại trong suốt 15 ngày, trải qua 15 công đoạn. Toàn bộ nét tinh xảo của hoa văn trên sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào sự tỉ mỉ, chi tiết từng mi li mét mà còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, độ ẩm. Bằng niềm đam mê, tính kiên trì, đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, những chiếc ốp lưng điện thoại đã đổi đời, lộng lẫy, trở thành những sản phẩm mỹ nghệ tinh tế.

Bên cạnh việc duy trì các công đoạn đặc trưng của nghệ thuật sơn mài với các nguyên liệu truyền thống, La Sonmai cũng đặc biệt đầu tư cho quá trình thiết kế. Khẩu hiệu của họ là “Handmade with Passion” (Làm bằng tay với niềm đam mê).

Đa dạng mẫu thiết kế

Mất hai tháng để có sản phẩm thử nghiệm đầu tiên và sau bảy tháng thử nghiệm, cuối năm 2017, La Sonmai mới có sản phẩm hoàn thiện để giới thiệu tới khách hàng. Các nghệ nhân đã nghiên cứu, thử nghiệm, tạo tác và cho ra mắt bộ sưu tập “Hoa văn Việt Nam”, trong đó khai thác các hình ảnh độc đáo của Việt Nam như họa tiết trống đồng Đông Sơn, rồng thời Lê, phượng bào triều Nguyễn, phồn vinh Lạc Việt...

Ngoài ra, La Sonmai cũng chế tác những chiếc ốp lưng điện thoại mang những họa tiết đặc trưng của các quốc gia khác, như chim hạc Phù Tang (Nhật Bản), kim xí điểu (Ấn Độ), song ngư (Hy Lạp), tương giao vũ trụ, nhân mã, bọ cạp, mũ galea của chiến binh La Mã, áo giáp samurai, tấm khiên David, bông hồng vàng, tuần lộc dưới bóng rừng...

Theo anh Vũ Anh Đức, đồng sáng lập La Sonmai, tùy theo thiết kế, thời gian hoàn thiện mỗi sản phẩm sẽ khác nhau. Trung bình mỗi sản phẩm La Sonmai thực hiện trong 15 ngày, nhưng cũng có những sản phẩm thực hiện tới ba tháng, ví dụ những mẫu chân dung khách hàng đặt riêng.

Hiện tại, La Sonmai có khoảng 40 mẫu thiết kế khác nhau, phù hợp với nhiều nhu cầu của khách hàng như linh thú, hoa văn Việt Nam, năng lượng - thiền, áo giáp chiến binh... Hiện những mẫu ốp lưng này chỉ phù hợp cho các mẫu điện thoại iPhone của Apple và Galaxy Note 9 của Samsung... Giá sản phẩm dao động từ 1,49-2,49 triệu đồng tùy mẫu, dựa theo mức độ phức tạp và chất liệu vàng, bạc trong chế tác.

Khi ngắm các bức họa trống đồng Đông Sơn, phượng bào triều Nguyễn, xích hổ thần vương, Phật A Di Đà... không ai nghĩ rằng đó là sản phẩm được chế tác dành cho ốp lưng điện thoại. Anh Lê Xuân Trường chia sẻ: “Chúng tôi muốn mang sơn mài truyền thống đến gần hơn với người dùng. Sau thành công của những chiếc ốp lưng điện thoại, trong tương lai chúng tôi sẽ đưa sơn mài vào những sản phẩm trang trí nội thất. Sơn mài hòa nhập với hơi thở đương đại nhưng vẫn giữ gìn được những nét đặc trưng của mình”. 
                                                                                           Theo: thesaigontimes.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

28
Đang xem:
72.624.746
Tổng truy cập: