Tin tức nổi bật
Hà Nội: Những đôi tay tài hoa ở làng nghề may Vân Từ
(Ngày đăng: 11/06/2018   Lượt xem: 480)
Cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 30km đi về phía nam có làng nghề may mặc, comple, veston… truyền thống nổi tiếng từ bao đời nay, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Nghề này đang mang lại thu nhập chính giúp người dân làm giàu.

Đó là làng nghề may Vân Từ, thuộc xã Vân Từ, (Phú Xuyên, Hà Nội) chuyên cung cấp ra thị trường khắp trong nam ngoài bắc sản phẩm comple, veston truyền thống. Những người con đất Vân Từ luôn luôn tự hào về những sản phẩm do chính những bàn tay khéo léo, lành nghề của người dân nơi đây làm ra.

Đến với Vân Từ hôm nay, người ta bắt gặp mùa làm ăn của hàng thời trang, nườm nượp khách vào ra may đo, đặt hàng... khiến cho không khí làng nghề sôi động khác thường. Theo ước tính, làng Vân Từ đã có 180 hộ làm nghề may, tạo việc làm cho gần 300 lao động với thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng mỗi tháng, với thợ chính (thợ đầu cánh) có thể gấp hai hoặc ba lần thợ phụ. Nhà nào nhà nấy đều tự đầu tư thiết bị nghề may đủ điều kiện sản xuất các mặt hàng cao cấp, đáp ứng nhu cầu trang phục đang ngày càng phát triển, cả về mẫu mã, chất liệu và kỹ thuật đường  kim mũi chỉ.

May2
                                Ở làng nghề Vân Từ, những người già đều là bậc thầy trong nghề may mặc

Vân Từ là một vùng quê cổ, nằm giữa cái rốn nước của vùng chiêm trũng và từ biết bao đời người dân nơi đây chỉ biết độc nghiệp thuần nông, nào mấy ai nghĩ tới có ngày được như hôm nay. Cả làng, từ xóm dưới, đến thôn trên lại trở thành một làng nghề truyền thống may mặc nổi tiếng, được người tiêu dùng cả nước và quốc tế biết đến.

Nói đến sự xuất hiện của nghề may Vân Từ, đó là từ đầu thế kỷ 19, khi văn hóa Âu phục xâm nhập vào Việt Nam thì những người nông dân quen mặc áo cánh, áo lá sen cổ đứng... mới có dịp được nhìn thấy các bộ quần áo khâu bằng máy (gọi là máy may) với kiểu dáng đẹp và cầu kỳ hơn hẳn các trang phục truyền thống. Dần dà, rồi cũng chính những người nông dân ấy được mặc, được dùng những trang phục tân thời, trong đó có cả các lão nông Vân Từ.

Người Vân Từ bắt đầu vượt ra khỏi vùng rốn nước để học nghề may quần áo Âu phục, thay đường kim mũi chỉ luồn tay bằng máy đạp chân. Một trong những người đầu tiên ra đi ấy là cụ Nguyễn Trung Lai. Cụ Lai sinh năm 1933, mười sáu tuổi cụ lên Hà Nội học nghề , thành thợ giỏi rồi vào làm việc cho các hiệu may Toàn Thuận, Tiến Thành...

Đây là những hiệu may Âu phục nổi tiếng của Hà thành thời kỳ Pháp thuộc. Hòa bình lập lại, cụ Lai được mời vào làm giáo viên dạy nghề tại trường đào tạo công nhân kỹ thuật đầu tiên của Hà Nội. Cũng từ ngôi trường này, Cụ đã có công cùng với nhà trường đào tạo, cung cấp nguồn thợ tài hoa cho các cơ sở may mặc lớn sau này như Xí nghiệp X20, Xí nghiệp May 10 và thành các chủ hiệu may mặc nổi tiếng từ Bắc vào Nam, ra cả nước ngoài...

May mac1
                                              
Sản phẩm may mặc Vân Từ có mặt khắp cả nước

Năm 1988, cụ Lai về làng tập hợp và tổ chức dạy nghề cho con cháu, thế là từ đó làng Vân Từ có nghề may. Được cái tốt, người dân Vân Từ có truyền thống cần cù, thông minh nên chẳng bao lâu đã xuất hiện nhiều thợ giỏi, cùng với thầy Lai nhanh chóng làm nên thương hiệu cho làng. Tiếng lành đồn xa, khách thập phương về làng may đo quần áo các loại ngày một đông, danh hiệu làng nghề truyền thống cũng được nhà nước trao tặng cho làng.

Nối tiếp cụ Lai, các thế hệ nghệ nhân không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề, mở rộng sản xuất làm cho nghề may mặc ngày càng phát triển. Danh hiệu Làng nghề truyền thống do UBND tỉnh Hà Tây phong tặng vào năm 2002 cho làng Vân Từ là điều tất yếu và thật xứng đáng. Cụ Lai nay đã mất, nhưng con cháu cụ và các thế hệ nghệ nhân có nhiều người thành đạt, ngay trong gia đình cụ, con trai, con gái đều nối nghiệp cha, mở hiệu làm nghề may mặc như hiệu Trung Tuyến, hiệu Thuận Hà.

Sản phẩm của làng may Vân Từ đang có mặt ở khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước, đặc biệt là thành phố Hà Nội. Quần áo complet của nhiều nhà may nổi tiếng hầu hết được may gia công, hoặc nếu không thì cũng là đại lý tiêu thụ cho các nghệ nhân lão luyện từ làng Vân Từ mà ra, như vợ chồng chủ hiệu Thuận Thành, Trung Tuyến, gia đình ông Phong Hương, Hùng Hòa, Vi Hiệp... 

Để quảng bá cho sản phẩm của Vân Từ cũng như việc mở rộng thị trường và tạo việc làm cho các địa phương trong cả nước, nghệ nhân Vân Từ đã đem nghề, mở hiệu may ở các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Quảng Ninh, TPHCM… và không bao lâu nữa sẽ có cả ở nước bạn Lào. Chính những nơi đó đang là nơi tiêu thụ, hoặc đặt hàng gia công quần áo Complet, các loại trang phục khác của nghệ nhân làng nghề may truyền thống Vân Từ.

Từ nghề phụ, nghề may mặc đã đem lại cho làng quê vùng chiêm trũng Vân Từ sự khởi sắc, với đường ngõ, xóm bê tông hóa cùng những ngôi nhà khang trang, hiện đại trong một làng nghề truyền thống, giàu chất nhân văn, một điểm đến du lịch cho khách tham quan ở ngay cửa ngõ phía nam thủ đô Hà Nội.
                                                                                                      Theo: thuonghieuvaphapluat.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

37
Đang xem:
72.657.673
Tổng truy cập: