Tin tức nổi bật
Gốm và Người
(Ngày đăng: 09/05/2014   Lượt xem: 834)


Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tuấn
Lịch sử mỹ thuật của người Việt là lịch sử của gốm. Suốt từ Đông Sơn đến Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Gốm và người Việt gắn bó với nhau. Gốm là một chất liệu quen thuộc, thân thuộc của người Việt.
Trên mảnh đất này từ Bắc vào Nam không biết có bao nhiều làng gốm. Phần lớn những tác phẩm mỹ thuật đẹp nhất của người Việt đều bằng gốm, những bát hoa sen, ấm trà họa tiết cúc dây đời Lý, những thạp hoa nâu đời Trần, những bát chân cao, lọ vẽ chim phượng, chum vẽ rồng, những cặp chân đèn thờ đời Lê, Mạc; những lọ, lư hương đắp nổi, men rạn thời Nguyễn v.v đều là hiện vật tiêu biểu của những dòng gốm, phong cách gốm, phong cách nghệ thuật điển hình của từng thời kỳ.

Bảo tàng Anh (BritishMuseum) ở London sở hữu một lư hương gốm của Việt Nam, được làm từ đầu thế kỷ 17. Không chỉ Bảo tàng Anh, Bảo tàng Guimet ở Paris, Bảo tàng Metropolitan ở New York, Bảo tàng Idemitsu ở Tokyo cũng có nhiều đồ gốm cổ của Việt Nam.

Ông John Stevenson, curator của Bảo tàng Nghệ thuật Seattle và ông John Guy, curator của Bảo tàng Victoria và Albert nhận định trong cuốn Gốm Việt Nam do Art Media Resources xuất bản năm 1997: Sự phát triển của đồ gốm Việt Nam liên quan mật thiết đến lịch sử thăng trầm của dân tộc. Đọc sách này độc giả sẽ thấy đồ gốm Việt Nam đã có một truyền thống riêng biệt, một quá khứ huy hoàng, một hãnh diện cho người Việt Nam chúng ta.

Nghệ thuật là người. Nghệ thuật cũng chính là nghệ thuật sống. Nghệ thuật gốm của người Việt chính là chân dung tính cách của dân tộc Việt. Tinh thần gốm Việt là tinh thần người Việt. Đó là tinh thần phóng khoáng, mạnh mẽ, cởi mở, thô nhám, mộc mạc, giản dị, tự nhiên, không cầu kỳ, tinh xảo, chải chuốt, tỉ mẩn kỹ lưỡng như gốm của các dân tộc khác.

Nghệ thuật gốm Việt đẹp ở chỗ thật thà, đôn hậu, không quá gò vào niêm luật, khuôn mẫu. Kỹ lưỡng quá, chính xác quá, phẳng nhẵn nuột nà gọn ghẽ quá thì không phải là bản tính của người Việt, không phải là nghệ thuật Việt, không phải là gốm của người Việt. Từ cách tạo dáng cho đền màu men, cách vẽ, cách khắc hoa văn lên sản phầm đều là làm như không làm, như tình cờ, tự nhiên như không, có có không không. Người Việt duy cảm hơn duy lý, chú trọng trực giác hơn lý trí.

Trên nền truyền thống ấy, các nghệ sĩ hôm nay đã tiếp nối bằng một tinh thần mới. Họ là những người đã làm mới truyền thống và cố gắng xây dựng một truyền thống mới. Hiểu theo một nghĩa rộng hơn thì chỉ có làm mới, chỉ có sáng tạo là cách hay nhất để giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống.

Các tác giả tham gia triển lãm Gốm và Người thuộc Davines Art Series là những người tiêu biểu. Họ đều đã tìm được con đường riêng để đi đến gốm. Mỗi người đều tìm cách khơi nguồn mạch truyền thống để hòa hợp với tư duy gốm hiện đại cho mình. Họ góp phần cùng nhiều nghệ sỹ khác làm cho cái nghĩa của gốm thêm rộng dài hơn. Gốm có thể chuyển tải ngôn ngữ của điêu khắc, của hội họa, thậm chí của sắp đặt chứ không chỉ là gốm của mỹ nghệ và đồ gia dụng. Gốm là một chất liệu quen thuộc, thân thuộc nhưng các tác giả gốm hôm nay đã làm cho gốm khác hơn, lạ hơn, khác lạ hơn. Cũng vẫn là lửa ấy, nước ấy, đất ấy nhưng cá tính sáng tạo của họ đã làm cho gốm người hơn và ngược lại gốm đã làm cho họ bộc lộ được mình đẹp hơn.

Triển lãm Gốm và Người diễn ra từ ngày 10/4 đến 20/4/2014 tại Tràng Tiền Plaza, 24 Hai Bà Trưng, Hà Nội, trưng bày tác phẩm của sáu nghệ nhân và họa sỹ:

Nguyễn Khắc Quân làm gốm điêu khắc với tư duy tạo hình hiện đại, “cắt cảnh”, bố cục bạo, bất ngờ tạo ra hiệu quả thẩm mỹ khác lạ. Anh kết hợp hài hòa các thủ pháp kỹ thuật tạo dáng, đắp vuốt, phủ men của nhiều làng nghề gốm.

Nguyễn Quang Thu gắn mình với làng gốm Hương Canh, Vĩnh Phúc. Điêu khắc của Thu là vẻ đẹp của uốn, nặn, chuốt. Thu không chú trọng hình, anh tập trung vào dáng, khi co thắt, lúc nở to, khi căng mọng lúc lại buông lỏng tạo ra một giai điệu gốm với những nhịp tương phản.


Họa sĩ Nguyễn Quang Thu và tác phẩm

Lê Quốc Việt không làm gốm, anh chỉ mượn cách nói của gốm để nói một câu chuyện khác. Việt đã khoác một cái áo đương đại lên gốm truyền thống. Người xem có thể nghe thấy cuộc đối thoại giữa truyền thống và hiện đại qua tác phẩm sắp đặt với gốm này.

Phạm Anh Đạo sinh ra ở làng gốm Bát Tràng, không khí ấy, đất và nước ấy đã làm nên Đạo. Anh là một trong vài người còn có thể tạo hình sản phẩm bằng kỹ thuật vuốt tay, một kỹ thuật cổ truyền của làng Bát Tràng. Và đấy là lời cảm ơn hay nhất của Đạo với ngôi làng đã sinh ra mình.


Nghệ nhân Phạm Anh Đạo là một trong vài người
còn có thể tạo hình sản phẩm bằng kỹ thuật vuốt tay.

Nguyễn Tuấn đã hóa thân vào gốm Phù Lãng. Tinh thần nghệ thuật hiện đại đã hóa thân vào hồn cốt của gốm cổ truyền Phù Lãng. Tư tưởng triết học của Phật giáo đã hóa thân vào nghệ thuật gốm – điêu khắc hiện đại của Nguyễn Tuấn đẹp và duyên. Một hóa thân đẹp và duyên. Một bản kinh đẹp và duyên. Một bản kinh gốm sành đẹp và duyên.

Nguyễn Việt đến với men ngọc - thứ men công phu nhất trong nghề gốm, hình thành từ thời Lý, và luôn là cái đích đến của bất kỳ ai nặng duyên với nghề - bằng một con đường đầy thử thách, công phu. Ông đã bỏ ra hơn chục năm xế chiều đời mình để có được những tác phẩm mà theo nhà báo Trịnh Tú, “như khúc vĩ thanh của một nghệ sỹ nặng lòng với đời”.
                                                                                             Theo: Tia Sáng
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.688.466
Tổng truy cập: